Tây Nguyên đã có bạt ngàn cà phê nhưng vẫn thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Quốc Hải - Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 29/03/2022 16:06 PM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp dự kiến xây dựng thêm vùng nguyên liệu cà phê ở 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên lên 19.700ha
Bình luận 0
Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên - Giải pháp đầu tư theo chiều sâu để ngành hàng bứt phá - Ảnh 1.

Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên là giải pháp đầu tư theo chiều sâu để ngành cà phê Việt Nam bứt phá. Ảnh: Quốc Hải

Còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro

Tại Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 diễn ra tại TP.HCM sáng 29/3, ngành nông nghiệp đã có những ý kiến đóng góp để xây dựng, đầu tư chiều sâu cho ngành hàng cà phê Tây Nguyên bứt phá.

Theo đó, hiện nay, vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng) có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000 ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 1.669.000 tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước).

Diện tích thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên mới chỉ là 11.200ha, tập trung ở Gia Lai và Đắk Lắk, chiếm 1,7% diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, ngành hàng cà phê Tây Nguyên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và thiếu bền vững.

Chẳng hạn, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê dưới dạng sản phẩm nhân xô, loại hàng hóa mà các nước nhập khẩu chỉ xem là nguyên liệu thô.

Chuỗi cung ứng cà phê còn phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí logistics ngày càng cao, giá trị thăng dư từ hạt cà phê mang lại cho người nông dân trực tiếp sản xuất cà phê vốn nhỏ lẻ, manh mún lại càng khó khăn.

Sản phẩm cà phê được chế biến sâu còn nhiều hạn chế do vậy giá cà phê nhân xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp…

"Mặc dù là nước đứng thứ hai về sản lượng xuất khẩu cà phê trên thế giới sau Brazil nhưng thị trường sản phẩm cà phê cao cấp vẫn chưa nhắc đến Việt Nam. Nguyên nhân là do không có nhiều doanh nghiệp hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao tại Việt Nam…", đại diện Bộ NNPTNT chia sẻ.

Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn

Hiện nay, trong Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, đã có 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk tham gia thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn 2 tỉnh với tổng diện tích 11.200 ha. 

Tuy nhiên, quy mô diện tích thí điểm này là quá ít so với tổng diện tích cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.

Do đó, để nâng cao chất lượng ngành hàng cà phê Tây Nguyên, việc mở rộng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê thêm 2 tỉnh Đắk Nông (2.000ha) và Kon Tum (6.500ha) là rất cần thiết.

Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nhận định, tỉnh rất hoan nghênh đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn thời gian qua. 

Nhờ đề án này, người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đã tiết giảm được chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị hạt cà phê.

"Trong giai đoạn sắp tới, Gia Lai sẽ tập trung đầu tư thêm về hạ tầng, các giải pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư phát triển logistics… để phát triển mạnh hơn nữa vùng nguyên liệu cà phê. Đặc biệt, sẽ tập trung đội ngũ khuyến nông về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phổ biến quy chuẩn, hướng dẫn bà con canh tác sao cho đúng chuẩn, nâng cao giá trị hạt cà phê", ông Kpă Thuyên nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh mong muốn Bộ NNPTNT sớm triển khai mạnh đề án, đặc biệt nhanh chóng hoàn thiện các quy trình, quy chuẩn về cà phê, nhất là cà phê hữu cơ để ngành nông nghiệp địa phương sớm hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân học tập, áp dụng…

Xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên - Giải pháp đầu tư theo chiều sâu để ngành hàng bứt phá - Ảnh 3.

Cây cà phê ở Tây Nguyên được tập trung đầu tư phát triển mạnh trong giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Quốc Hải

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp – đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu cà phê từ gần 20 năm nay - cho hay, doanh nghiệp của ông đã xây dựng trên dưới 20.000 ha, gồm 36 HTX tham gia với các quy chuẩn nghiêm ngặt. Nhờ đó, hạt cà phê ở Gia Lai đã được thay đổi diện mạo rất nhiều, được các thị trường thế giới đánh giá rất cao.

"Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Và để làm được thì bắt buộc doanh nghiệp cần có được vùng nguyên liệu sản xuất, phải biết chế biến sâu, số hóa sản xuất, số hóa khâu bán hàng để tiếp cận tệp khách hàng tốt hơn… Nói vậy để thấy rằng việc triển khai đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên là rất quan trọng", ông Hiệp nói thêm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 293.000 tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 3,0% so với tháng 1/2022 và tăng 32,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem