Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đã đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.
Điều đáng nói là do giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine nên giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh.
Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất đều tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm thì không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành, cộng thêm các loại dịch bệnh đe dọa nên nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải treo chuồng.
Trước những vấn đề nêu trên, ngày 28/10, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT), phối hợp báo NTNN/Dân Việt tổ chức tọa đàm: Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả.
TOA DAM THUC AN CHAN NUOI
Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững, hiệu quả.
Để giảm tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng đối với bà con nông dân, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai một số mô hình hướng dẫn người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn cho lợn, gà để giảm chi phí; hay trồng cây ngô sinh khối để ủ chua làm thức ăn cho gia súc…
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp, liên kết với nhiều tỉnh, thành như Hòa Bình, Hà Nam… để trợ giúp nông dân về kỹ thuật. Ví dụ tại Hà Nam, Trung tâm đã trợ giúp mô hình nuôi bò gắn với trồng cây húng quế. Đây là điển hình cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khi cây húng quế có thể sử dụng để phối trộn làm thức ăn, chất thải trong chăn nuôi quay lại sử dụng làm phân bón cho cây trồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã tổ chức nhiều hội thảo đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây ngô. Đặc biệt, vụ đông tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật phối trộn thức ăn cho nông dân một số tỉnh miền núi phía Bắc, qua đó giúp bà con chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc khi mùa đông đến.
Về việc trồng ngô sinh khối, bà Hạnh cho biết diện tích ngô sinh khối đang phát triển nhanh ở nhiều địa phương, tuy nhiên vẫn mang tính tự phát, bà con tự trồng và tự bán cho thương lái, chất lượng cũng như sản lượng chưa thể đảm bảo. Do đó, chúng tôi khuyến cáo và khuyến khích bà con trồng theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, theo đúng kỹ thuật mà ngành Khuyến nông đã phổ biến để có thể mang lại hiệu quả cao nhất.
Tại Toạ đàm, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương trong nước là rất cần thiết. "Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hiện nay, chúng ta vẫn phải chạy bằng 2 chân, đó là vừa sử dụng thức ăn công nghiệp để đáp ứng kịp thời cho chăn nuôi công nghiệp và nhu cầu sản xuất thực phẩm, đáp ứng thức ăn cho gần 100 triệu dân, vừa xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, giảm dần nhập khẩu, từ đó giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi" – ông Chinh nói.
Ví dụ, chúng ta có thể chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi, trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chú trọng phát triển các giống ngô chất lượng cao, ngô biến đổi gen (GMO) cho năng suất vượt trội thì mới cạnh tranh được về giá so với ngô nhập khẩu.
Ở quy mô nông hộ, ông Tống Xuân Chinh khuyên bà con có thể tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt để làm thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích bà con tăng cường nuôi các con bản địa, con đặc sản để giảm thức ăn công nghiệp, tăng cường thức ăn thô xanh; nuôi ruồi lính đen, nuôi trùn quế để tận dụng nguồn chất thải từ chăn nuôi, tạo ra phân bón hữu cơ, tiếp nữa là tạo nguồn protein để phối trộn thức ăn cho gà, cho lợn, thậm chí cả trong nuôi trồng thủy sản...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.