Ông nội tôi mất vào mùa hè năm 1978 khi tôi mới 7 tuổi. Đến lễ 49 ngày, gia đình tôi rước ông lên chùa. Tôi nhớ hôm đó trời khá nóng và buổi tụng kinh diễn ra khá lâu. Không biết ai đó đã đưa cho tôi một cái quạt và tôi tay trái chắp trước ngực, tay phải cầm quạt nhẹ nhàng quạt cho sư thầy đang dẫn dắt khoá lễ. Mọi người đều trầm trồ khen tôi và việc này được nhắc mãi về sau.
Như nhiều làng quê khác ở Bắc Bộ, làng tôi có một ngôi đình nhìn ra sông và một chùa nhỏ bên cạnh sông Nhuệ. Sư trụ trì rất già và bọn trẻ chúng tôi mỗi khi gặp đều lễ phép khoanh tay "chào Cụ!" Hàng ngày cụ cặm cụi quét chùa, tụng kinh và chăm sóc một khu vườn rau nhỏ cạnh chùa.
Thỉnh thoảng bọn trẻ chúng tôi ra chùa nhặt lá đa và hoa lan và được cụ cho lộc là phẩm oản hay quả chuối. Chùa nghèo, dân nghèo, nhưng yên bình, đầm ấm. Đêm 30 Tết, tiếng trống ở đình và tiếng chuông ở chùa hoà quyện với hương trầm ở bàn thờ gia đình tạo ra một không khí linh thiêng, đầm ấm, thấm đẫm vào tâm trí của tôi, nhất là khi đón Tết ở nước ngoài, khiến tôi nhớ quê hương quay quắt.
Bà nội tôi là một Phật tử, bà ngoại tôi là một giáo dân Công giáo toàn tòng. Hai bà đều tôn trọng nhau, yêu quý tôi và trước khi mất đều gọi tên tôi. Bây giờ, chắc bà nội tôi đang ở cõi Niết bàn và bà ngoại tôi đang ở Thiên đường và chắc vẫn đang dõi theo và phù hộ tôi.
Nước Việt có một truyền thống rất đẹp là khoan dung tôn giáo, tiếp nhận và thực hành nhiều tôn giáo và tư tưởng khác nhau bên cạnh việc thực hành các tín ngưỡng bản địa như bái vật giáo (vạn vật hữu linh) và thờ cúng tổ tiên.
Đầu thế kỷ 20, nói về sự tan rã của các tín ngưỡng truyền thống trước sự xâm nhập của văn hoá phương Tây, một học giả Pháp lo lắng: "Sẽ còn lại gì khi những tín ngưỡng truyền thống bị sụp đổ? Niềm tin con người sẽ bấu víu vào đâu khi thế giới này không còn thần thánh nữa? Người An Nam rất sợ thần thánh của mình, thần thánh càng hung tợn thì họ càng cố gắng dung hoà với các vị ấy bởi chính những vị thần này là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh kinh hoàng, nếu như thần thánh không còn hung tợn thì họ không sợ, không còn kính nể và sẽ trở nên độc ác" (Saint Léon Ch. Martin, 1912: Chân dung và tính cách người An Nam, trích theo sách "Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai" của Giáo sư Trần Ngọc Thêm).
Nghịch lý là một thế kỷ sau, dù được khích lệ tiếp thu các giá trị tích cực của phương Tây trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, quản trị, giáo dục, thì nhiều người Việt vẫn khăng khăng giữ "nếp cũ". Nếu học giả này còn sống mà chứng kiến cảnh người Việt chen nhau xin ấn, cướp lộc ở các lễ hội và sì sụp khấn bái ở bất cứ chỗ nào có bát hương thì hẳn ông sẽ hết lo lắng.
Nhưng tôi hiểu là lo lắng của ông không phải chỉ ở vấn đề tín ngưỡng, mà lo lắng rằng khi con người không biết sợ, họ sẽ trở nên độc ác và bất trị. Và đó không chỉ là lo lắng của ông mà của các Nhà nước từ Đông sang Tây từ hàng ngàn năm qua.
Hẳn ai cũng biết Thống chế La Mã Pontius Pilate ra lệnh đóng đinh câu rút Chúa Jesus Christ vì sợ ảnh hưởng của tôn giáo mới xuất hiện này, nhưng cũng lại là Hoàng đế La Mã Constantine năm 313 đã chấp thuận Công giáo là quốc giáo cho Đế chế của mình vì nhìn thấy vai trò có lợi của tôn giáo trong việc duy trì trật tự xã hội.
Triều Lý và Trần ở Việt Nam cũng chọn Phật giáo là quốc giáo và các cao tăng còn đóng vai trò quan trọng trong triều đình. Kể từ khi có chính sách đổi mới đến nay, các hoạt động tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam diễn ra rất sôi động.
Cũng từ đầu thế kỷ 20, học giả Phan Kế Bính, một người thông thạo Nho học và Tây học đã kêu gọi xoá bỏ các hủ tục và mê tín. Tiếc thay, sau cả thế kỷ, sự mê tín cùng nhiều thói hư tật xấu trong một bộ phận người Việt vẫn không suy giảm thậm chí còn tệ hơn và vì thế làm cho việc trục lợi tâm linh ngày càng lan tràn.
Tôi cũng đã từng đi lễ vài lần (một cách kín đáo) theo tư vấn của người bạn thân và theo cách suy nghĩ "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Sau đó, tôi ngộ ra rằng nếu cầu xin Phật, thánh mà được ứng nghiệm thì đơn giản quá.
Mà nếu chỉ cúng bái, cầu xin mà được thì những người hành nghề tâm linh đã làm trước cho họ và gia đình họ rồi. Thành công của mỗi cá nhân phải do nỗ lực và phấn đấu không ngừng của bản thân chứ không thể dựa vào ai được, dù là thần thánh hay phàm nhân.
Con người luôn được đặt trước các lựa chọn và chọn gì là quyết định có tính cá nhân. Tôi đã chọn theo chính tín, coi tâm linh như là một nét văn hoá truyền thống, cốt ở suy nghĩ chính đạo, hành xử tử tế với đồng loại và làm được nhiều điều có ích nhất có thể cho cộng đồng.
Và tôi nghĩ lựa chọn đó phù hợp với lời răn dạy của sáng tổ các tôn giáo lớn như Jesus Christ và Thích Ca Mầu Ni cũng như mong muốn của tổ tiên người Việt chúng ta.