Tri thức cho làng

Phạm Trung Tuyến Thứ sáu, ngày 30/12/2022 08:26 AM (GMT+7)
Chế biến sâu không phải là một việc làm quá sức, mà là khả năng trong tầm tay, nếu muốn. Vậy thì vì sao nông sản vẫn cứ phải giải cứu, vì sao người nông dân vẫn chưa thể yên tâm, tự tin với loại cây mình đang trồng?
Bình luận 0

Là một nghệ nhân ẩm thực online, nên cuối năm tôi thường nhận được những món quà, là nông sản chế biến sâu từ khắp vùng miền, để dùng thử. Mấy năm trước, sản phẩm phần lớn còn đơn giản, gần như còn thô nếu so với những thứ tương tự của nước ngoài, có tác dụng kéo dài thời gian bảo quản so với nông sản tươi là chính. Nhưng năm nay, đã khác. Sản phẩm đã tinh tế hơn, cao cấp hơn, thực sự là những món quà quý giá.

Những tuýp kem đánh răng vegan, những bánh xà phòng làm hoàn toàn từ thảo mộc, những món thực phẩm cao cấp từ trái cây quen thuộc, tất cả đều được sản xuất một cách kỹ lưỡng, dinh dưỡng cân bằng, cảm quan đẹp mắt, bao bì thân thiện… Đó là những sản phẩm hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường về cả chất lượng, cũng như hình thức. 

Những món quà ấy thực sự mang lại cho tôi một niềm tin về con đường tiêu thụ bền vững cho nông sản Việt Nam. Chế biến sâu không phải là một việc làm quá sức, mà là khả năng trong tầm tay, nếu muốn. Vậy thì vì sao nông sản vẫn cứ phải giải cứu, vì sao người nông dân vẫn chưa thể yên tâm, tự tin với loại cây mình đang trồng? 

Những tuýp kem đánh răng thảo mộc ưa thích của tôi được sản xuất bởi một người bạn, vốn là kỹ sư nhiều năm làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Anh kết hợp với một chuyên gia mỹ phẩm người Hàn Quốc để nghiên cứu về thảo mộc Việt Nam, làm công thức và gia công hoàn thiện tại lab ở Hàn Quốc. Đó là chuyện cá biệt mất rồi.

Những bánh xà phòng thơm thảo mộc ưa thích của tôi, những gói bột ngũ cốc ăn liền tôi thường mang theo khi đi công tác… sản xuất bởi hợp tác xã Sinh Dược. Hợp tác xã đó có anh chủ nhiệm là cử nhân sinh hóa, các xã viên là bà con, hàng xóm của anh, họ cùng góp đất làm vùng nguyên liệu, cùng đầu tư nhà xưởng để khép kín quy trình sản xuất, cùng góp công để lao động hàng ngày. Đó có vẻ không phải chuyện cá biệt, nhưng để hội đủ các điều kiện như thế cũng chẳng phải chuyện dễ dàng.

Để nông sản không phải bán tươi hoàn toàn, không phụ thuộc các yếu tố khó lường của thị trường, chế biến sâu là một con đường buộc phải đi. Nhưng để đi trên con đường này, những người nông dân không thể độc hành với kiến thức nội sinh của những cánh đồng, với nguồn lực hạn chế sau lũy tre làng.

Họ cần nguồn tri thức mới để làm chủ công nghệ, máy móc, và các kỹ năng tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử, và quan trọng nhất, là khả năng hội tụ nguồn lực trong cộng đồng. Và, câu hỏi đặt ra là họ làm thế nào để tiếp cận được các nguồn lực đó?

Ví dụ về anh bạn kỹ sư của tôi và mối liên hệ với các phòng lab của Hàn Quốc là một câu chuyện cá biệt của một người bỗng dưng yêu thương các cánh đồng sau nhiều năm tích lũy từ đô thị. Ví dụ về HTX Sinh Dược cũng là một câu chuyện cá biệt của một trí thức trẻ có đủ sự dũng cảm, và sự hậu thuẫn của cộng đồng nơi anh sinh ra. Họ đều có những cơ duyên đặc biệt để thành công. 

Còn câu chuyện của hàng ngàn làng quê Việt thì không thể trông vào những cơ duyên, nhất là khi những thanh niên của làng đi học và không tự tin trở về, dù ở lại thành phố, nhiều người chọn làm tài xế grab. 

Nó cần một sự kết nối đáng tin, để những người khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản có thể tiếp cận những phòng thí nghiệm, những xưởng chế tạo công cụ, những nhà thiết kế, sản xuất bao bì mà không phải nghi ngại về chất lượng, về giá cả. 

Nó cần một sự kết nối đáng tin để những người nông dân có thể góp ruộng vườn, góp công sức của mình vào hợp tác để cùng đi với nhau. Sự kết nối đáng tin ấy, đòi hỏi rất nhiều ở vai trò của Nhà nước, ở các cơ quan chuyên môn như Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân, của chính quyền các cấp.

Khởi nghiệp nông nghiệp vốn dĩ đã có rất nhiều rủi ro, sức chịu đựng rủi ro của người nông dân cũng hạn chế. Vì vậy, để người nông dân mạnh dạn khởi nghiệp, chủ động hình thành thói quen chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho nông sản của mình, đã đến lúc Nhà nước cần thể hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong chuỗi giá trị nông sản, ít nhất cho đến khi người nông dân có thể tự tin khởi nghiệp trên cánh đồng của mình. Khi đó, sẽ có nhiều hơn những trí thức trẻ trở về làng quê để cùng nhau lập nghiệp, và khi đó làng sẽ có những trí thức bởi làng sinh ra.

Trí thức sinh ra từ làng, và tự tin trở về làng quê, đó là con đường bền vững nhất để làng quê phát triển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem