Sáng mùng 1 Tết, bản tin Thời sự đầu tiên của năm mới con Mèo đưa tin từ Bắc Kinh: Sầu riêng Việt Nam đang được tìm kiếm nhiều nhất và được ưa chuộng nhất trong các loại hoa quả nhập khẩu vào Trung Quốc khi sầu riêng Thái hết mùa, phóng viên VTV mặc áo đỏ hân hoan đứng trước quầy sầu riêng Việt Nam trong siêu thị xướng lên những con số tuy còn khiêm tốn nhưng đầy tự hào khi nhưng trái sầu Việt Nam xếp chất ngất trên các quầy hàng, sẵn sàng chinh phục thị trường 1,4 tỷ dân, từ siêu cao cấp đến rất dễ tính
Trước đó, những hình ảnh ngày giáp Tết, ngày đầu năm dương lịch, trong các ngày lễ hội khắp các nước bạn bè rải đều các kinh vĩ độ, thanh long ruột đỏ, hạt điều, gạo ST, cafe, bưởi... từ Việt Nam tự tin có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn nhất của thế giới dễ khiến làm ấm lòng người Việt xa xứ và cả người nông dân tay lấm chân bùn ở nhà ngày đông rét mướt.
80 nghìn tấn vải thiều trong tổng sản lượng 320 nghìn tấn vải từ Bắc Giang và Hải Dương đã được xuất sang 30 nước trên thế giới, thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ chiếm khoảng 10%, 80% lượng vải xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch kể cả mùa dịch cấm biên nghiêm ngặt minh chứng cho câu chuyện "gánh Lệ Chi tiến cung" không chỉ là một truyền thuyết đẹp và buồn. Vải Việt Nam ngon thật và nhu cầu thưởng thức trái "lệ chi", một món thời trân phương Nam của khách láng giềng phương Bắc là có thật, và rất lớn
Trước mỗi bản tin 1 phút 30 giây từ Paris gửi về phát sóng thời sự buổi tối của VTV báo tin vui lại thêm một mặt hàng nông sản Việt Nam vào châu Âu, cô bạn Mỹ Linh xinh đẹp của tôi thường nhắn tin như reo: "Tháng 8 này là 800 tấn gạo Lộc Trời nhé! Vào hẳn Carefour nhé! Hệ thống này khó tính nhất thế giới đấy!" Hay là "Ôi không ngờ hạt điều Việt nam ngon đến thế! 90% lượng điều tiêu thụ châu Âu là từ Việt Nam nhé! Làm thế nào để tăng sản lượng điều qua chế biến lên ấy, thì mới được giá, điều thô giá không cao, chưa ăn thua..."
Một năm trở về trước, điệp khúc "mất mùa được giá, được mùa mất giá" và các tiếng kêu "giải cứu" tràn ngập các phương tiện thông tin và mạng xã hội. Dọc các tuyến quốc lộ, trên các bãi đất rộng đầu bờ ruộng, chất ngất mùa nào thức nấy từ dưa hấu đến su hào, từ bắp cải đến thanh long, từ cà chua đến nhãn... Tinh hoa của đất, hạt ngọc của trời mà cứ dầm mưa dãi nắng, bốc mùi phân huỷ chờ giải cứu.
Bản thân tôi có mùa hè mua một lúc tới 1 tạ rưỡi khoai lang giải cứu năn nỉ hết bè bạn anh em ăn giùm cho nhuận tràng, có Tết muối 13 cái bắp cải rồi vừa cho vừa ăn tới tận ...tiết Thanh minh, nên nhìn những hình ảnh cây trái củ quả từ ruộng đồng Việt Nam được nâng niu nơi xứ lạ, một cảm giác xúc động và tự hào là điều có thể hiểu được.
Mà không chỉ là chuyện "miếng ngon mang đãi người ngoài", ngày xuân, nhìn những thức ngon vật lạ , cả những món truyền thống trên ban thờ, trong mâm cỗ Tết, trong các giỏ quà tặng nhau, dễ dàng nhận thấy hoa ngọt trái lành đã và đang làm ấm áp sang trọng thêm đời sống hàng ngày của người Việt: Tặng nhau một gói lá thơm tắm tất niên, cây mùi già lẫn cánh hoa hồng được làm sạch, sấy khô, nhỏ, gọn, tinh tế; mâm cúng ông Táo không cá chép không vàng mã mà thêm đôi củ su hào organic vườn nhà bạn trồng mới đem cho, quả bưởi Diễn cũng vườn nhà...
Cỗ giao thừa thì thôi đúng là một cuộc trình diễn ngoạn mục của sản vật làng quê: Bánh chưng xanh mướt lá từ vườn Lạc Thuỷ Hoà Bình hay Yên Bái, gạo nếp cái hoa vàng Thái Bình hoặc nếp nương Sơn La, cam Canh, cam Khe Mây, cam Hàm Yên, cam Cao Phong Hoà Bình... gà từ mọi vườn nhà của tất cả những ai còn quê, lợn cũng thế, với vô số món từ giò đến nem, từ măng ninh đến thịt đông. Ai cũng hớn hở đãi khách với một niềm tự hào không giấu diếm: Đồ sạch vườn nhà ( bố/mẹ/quê/bạn/anh/em) tôi đấy!
Tình yêu với mảnh ruộng cái vườn, với thiên nhiên nơi mình đang sống, sự gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn, có lẽ cũng chỉ tự nhiên đến thế là cùng
Mùa xuân này nhà tôi không du xuân được, mở cửa nhìn ra chiếc ban công nhỏ, có một cây hồng giống ngoại quốc tên rất đẹp là Minerva, hoa tím thơm ngát, ghép vào một gốc tầm xuân, là giống hoa hồng dại mọc bờ rào, rất khoẻ, ít sâu bệnh. Dưới gốc hồng tôi rắc một ít hạt rau sâm đất lấy từ mảnh vườn nhỏ xinh của một em gái Hà Nội lên trồng vườn phủ xanh đồi trọc trên ấy. Mỗi tháng rau sâm đất cho thu hoạch 1 lần, vừa một bát canh
Còn cây tầm xuân ghép không nở ra nụ xanh biếc mà ra bông màu tím
Nhưng vẫn là hoa trái ngọt lành, vì vẫn thuận theo tự nhiên, một "tự nhiên mới", như trái vải vẫn ngọt ở Paris, hay sầu riêng vẫn thơm giữa Bắc Kinh trắng xoá tuyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.