Tôi không có ý thần thánh hóa khu vực công hay xem nhẹ khu vực tư, vì hiển nhiên ở đâu cũng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên những năm gần đây nổi lên nhiều cán bộ có điều kiện về kinh tế thể hiện hình ảnh ăn chơi xa xỉ và những thú chơi, hành động thiếu văn hóa chuẩn mực, khiến nhân dân vô cùng bức xúc và làm giảm lòng tin đối với cán bộ.
Khi nhắc đến trọc phú là mọi người thường hình dung tới những người giàu có nhưng kém hiểu biết, dốt nát, văn hóa ứng xử kém, thích chơi trội bất thườnghoặc giàu nhưng bần tiện, bủn xỉn… vậy trong hàng ngũ cán bộ của đất nước ta có kiểu người này không?
Tôi tin chắc là có và nó cũng đã diễn ra gần đây, vì vậy chúng ta cần tẩy chay và có biện pháp phòng ngừa để những thành phần này không có cơ hội len lỏi vào hàng ngũ cán bộ phục vụ đất nước và phụng sự nhân dân.
Ông Giản Tư Trung - chuyên gia giáo dục từng nói "xã hội phải đặt lại vấn đề người ta hoàn toàn có quyền được sống xa hoa giữa một ngôi làng đầy đói khổ, lúc đó không còn ranh giới giữa đúng hay không đúng mà là nên hay không nên làm, sự phân định lúc này là giữa pháp lý và đạo lý, một con cá ướp muối thì tươi, một người mà được ướp đậm bởi sự hiểu biết, giáo dục thì sẽ trở nên sang trọng. Bởi sang trọng không nằm ở tiền bạc, mà nằm ở bề dày văn hóa và giáo dục".
Quay lại vấn đề đang nóng những ngày gần đây, ông Nguyễn Viết Dũng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, trong lúc chơi golf đã dùng gậy đánh nữ nhân viên phục vụ dẫn đến chấn thương vùng mặt.
Nguyễn Viết Dũng, 44 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, được biết ngày 6/12, ông đến sân BRG ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, cùng một số bạn bè chơi golf. Caddie L, 32 tuổi, hướng dẫn nhóm ông Dũng chơi, do bất đồng với cách tính số gậy golf trong một hố nên đã "cự cãi, dùng gậy golf đập theo hướng từ trên xuống" về phía chị L khiến gậy golf bị gãy, nữ caddie bị thương ở mặt.
Ngay sau đó, phía BRG Đà Nẵng thông báo từ chối cung cấp dịch vụ đối với golfer Dũng tại tất cả cơ sở được vận hành bởi doanh nghiệp này. Hành vi của golfer Dũng bị đại diện CLB Golf Bách Khoa Đà Nẵng cho rằng vi phạm nặng nề luật golf và văn hóa golf, làm xấu hình ảnh của những người chơi môn thể thao này và thông cáo tẩy chay golfer Dũng.
Hay như trước đó là vụ nữ đại úy công an Lê Thị Hiền là hành khách đi chuyến bay VN248 SGN-HAN ngày 11/8, đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật, gây rối tại cảng hàng không, sân bay (không hợp tác, to tiếng chửi bới, có lời lẽ thô tục xúc phạm, lăng mạ nhân viên làm thủ tục hàng không).
Bà Hiền còn hành hung, dùng tay nắm tóc và dùng chân đạp vào người nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ), bị xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định số 0022055/QĐ-XPHC ngày 17/8/2019 của Trưởng đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… và rất nhiều vụ việc khác nữa liên quan đến cán bộ khu vực công có điều kiện kinh tế nhưng ứng xử thô bạo, thiếu văn hóa.
Một vài ví dụ để thấy rằng bất cứ công dân nào vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật đều bị xã hội lên án. Nhưng cán bộ làm việc trong khu vực công mà vi phạm, ứng xử mất lịch sự, gây rối trật tự công cộng hay đánh người thì lại càng không thể chấp nhận được.
Ông đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh hay bà đại úy công an là những người có điều kiện kinh tế, là ông chủ tập đoàn bất động sản, là nữ công an đi vé máy bay hạng sang, ô tô xịn nhưng có ứng xử thái quá, xem thường người khác, đánh người khiến nhân dân vô cùng bức xúc và phẫn nộ.
Nhân dân đặt câu hỏi tại sao trong đội ngũ cán bộ lại có những người như thế? Liệu có những ưu ái nào trong quan hệ, tiền tệ hay con cha cháu ông nào được lọt vào hay không?
Tác giả cũng không tin rằng là có, tuy nhiên trong quá trình tuyển chọn, làm công tác nhân sự đầu vào có thể chúng ta triển khai còn thiếu chặt chẽ để cho những "trọc phú" dễ dàng lọt qua.
Những sự việc đáng tiếc nêu trên chỉ là hoạt động bề nổi của tảng băng do nhân dân giám sát qua các hoạt động đời thường. Vậy không biết trong lúc thi hành nhiệm vụ liệu các cán bộ này sẽ ứng xử với nhân dân như thế nào, có gây khó dễ, sách nhiễu, tiêu cực hay không, năng lực trình độ có đạt hay không mà thực tế đời thường lại biểu hiện ra như vậy?
Nhiều câu hỏi được đặt ra và dấy lên vô vàn nghi ngờ về chất lượng của những kiểu cán bộ như thế này. Đây là thói hách dịch cửa quyền, cậy thế, cậy tiền, thích thể hiện giống như kiểu phát ngôn "mày biết tao là ai không" khi vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật của một số đối tượng hay gào lên như thế.
Trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" cũng đã nêu rõ: "Trọng tâm của xây dựng văn hóa trong chính trị là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân".
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác mà Nghị quyết này đã đề ra là: "Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
Chủ trương của Đảng như vậy, sao lại có những con sâu mọt mang danh cán bộ lại làm như thế? Câu trả lời xin nhường lại cho lớp lớp cán bộ đang ngày đêm phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.