Lãi xa và nỗi lo… tăng giá gần

Phạm Anh Xuân Thứ năm, ngày 15/12/2022 11:31 AM (GMT+7)
Chỉ chưa đầy 2 tháng gần đây, các ngân hàng đồng loạt lao vào "cuộc đua" tăng lãi suất huy động. "Cuộc đua" này khốc liệt đến nỗi, ngay cả 4 ngân hàng thương mại lớn thuộc nhóm nhà nước cũng buộc phải tham gia. Trong khi đó, Tết nguyên đán đang đến gần.
Bình luận 0

Sở dĩ cần nhấn mạnh đến bối cảnh "Tết nguyên đán đang đến gần" là bởi: Lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng đồng loạt ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó đáng chú ý là: Kỳ ngắn hạn 1 tháng thì lãi suất huy động cũng đã phổ biến ở mức 6%/năm. 

Với vai trò là trung gian giữa huy động và cho vay, các ngân hàng đương nhiên sẽ phát sinh chi phí hoạt động cùng một khoản lợi nhuận cần thiết sau khi chi trả lãi suất huy động. Do đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay. Và khi lãi suất cho vay tăng cao trong ngắn hạn thì chắc chắn sẽ tác động tức thời và trực tiếp đến giá cả hàng hóa trong tương lai gần - khi mà chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết.  

Song song với khó khăn này thì điều đáng lo ngại cộng hưởng chính là ở chỗ: Nhu cầu vốn trong ngắn hạn - đặc biệt là dịp trước tết luôn tăng rất mạnh. Đây là diễn biến bình thường bởi vì trước Tết là thời điểm toàn thị trường cần vốn để mua sắm, dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết và "khoảng trống" sau Tết - thời gian diễn ra các lễ hội và "độ trễ" của xã hội vận hành. Thế nhưng ở chiều ngược lại, đa số khách hàng gửi tiền tiết kiệm thì lại không mặn mà với kỳ hạn ngắn - bởi lẽ lãi suất thấp, trong khi gửi kỳ hạn dài thì lãi suất cao hơn. 

Hiểu một cách đơn giản là: Nguồn tiền huy động ngắn hạn thì ít, trong khi nhu cầu dòng tiền trong ngắn hạn lại tăng cao. Đây chính là sức ép, thậm chí sẽ là "khó khăn kép" cho cả ngân hàng và thị trường khi cần phải cân đối nguồn cung về vốn. Và đương nhiên, để thỏa mãn các điều kiện của bài toán này thì gần như không có giải pháp nào khác đó là… tăng giá bán.

Lãi xa và nỗi lo… tăng giá gần - Ảnh 2.

Cùng với mối lo trong tương lai gần thì mối lo về mặt dài hạn cũng không kém phần nghiêm trọng. Lý do là bởi lãi suất huy động ở kỳ từ 6 tháng trở lên cũng đã được các nhà băng đẩy lên phổ biến ở mức 7,8%/năm đến hơn 12%/năm. Đặc biệt ở kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên, mức lãi suất huy động phổ biến ở mức 8,7%/năm đến hơn 12%/năm. 

Điều đó có nghĩa rằng lãi suất cho vay sẽ còn tăng cao và áp lực tác động lên giá cả thị trường sẽ cũng còn căng thẳng và kéo dài. Đấy là còn chưa kể đến các yếu tố tác động ngoại lai như rủi ro thị trường, "độ trễ" cùng năng lực hấp thụ vốn… của bên đi vay.

Vậy thì liệu có giải pháp nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực có vẻ như đã rất hiện hữu?

Xét ở góc độ vĩ mô, những chủ trương và chính sách lớn sẽ có hiệu quả dần dần và mang tính nền móng, lâu dài. Song, những giải pháp như là "nước xa" này thì khó mà dập được "lửa gần". Do vậy, rất cần những hành động mang tính cấp bách. 

Ngày 12/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc về cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Trong Công điện này, một trong những giải pháp cấp bách và quan trọng chính là việc yêu cầu các ngân hàng thương mại: Rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Trong thực tế, việc "tiết giảm chi phí" - thậm chí là "giảm một phần lợi nhuận" đã từng được nhiều nhà băng áp dụng trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra và tác động ở mức độ nghiêm trọng đến cộng đồng khách hàng. 

Xét cho cùng, nếu các ngân hàng không tối ưu hóa năng lực hoạt động để tiết giảm chi phí, và nếu như các ngân hàng không chịu "hy sinh" lợi nhuận trong ngắn hạn để khách hàng "tồn tại", phục hồi và phát triển… thì rất có thể ngân hàng vừa phải trích lập dự phòng rủi ro cao, vừa phải chấp nhận "bán tài sản cắt lỗ" khi mà khách hàng không còn năng lực chi trả.

Nói như vậy để thấy rằng: Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc các ngân hàng "chủ động giảm lãi suất cho vay" là hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề chỉ còn ở chỗ các ngân hàng sẽ chấp nhận "tiết giảm chi phí" và "hy sinh lợi nhuận" đến mức nào?

Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động về giá thì xã hội cũng không thể chỉ "trông mong" vào việc… ngân hàng giảm lãi suất. Theo đó, nếu như các ngân hàng "tiết giảm chi phí" thì toàn xã hội cũng cần "thắt lưng buộc bụng" trong hoàn cảnh nhất định và phù hợp với từng đối tượng. 

Rõ ràng việc loại trừ những yếu tố lãng phí, dư thừa trong cuộc sống, sinh hoạt để tối ưu hóa nguồn lực tiêu dùng cũng là một đòi hỏi rất đáng lưu ý. Thậm chí thực hiện được điều này, từng cá nhân tiêu dùng sẽ giảm thiểu sức ép cũng như tác động tiêu cực ngay cho chính mình, gia đình mình và sau đó là giảm áp lực cho xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem