Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi sinh ra trong thời buổi kinh tế khó khăn của đất nước, thời kinh tế tập trung và bao cấp, đến nay hơn bốn mươi năm tuổi đời, 15 năm tuổi Đảng, tôi nhận thấy đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt, Đảng cũng đổi mới về tư duy nhận thức. Đánh dấu mốc cho chặng đường đổi mới là Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI, đất nước chuyển mình sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt được nhiều thành tựu về kinh tế- xã hội nổi bật mà chúng ta hôm nay ai cũng thấy rõ.
Nhưng bên cạnh sự phát triển của đất nước và sự hội nhập quốc tế thì cũng kèm theo nhiều mặt trái từ cán bộ, Đảng viên vì tham tiền, tham quyền lực mà làm cho đất nước chậm tiến.
Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đã được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, có nhiều chuyển biến rõ nét tích cực, tạo được niềm tin trong Nhân dân. Tuy nhiên tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi, giá trị tài sản tham nhũng ngày càng lớn. Điều đáng buồn là những hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, truy tố lại tập trung vào một số Đảng viên có chức vụ, quyền hành trong các cơ quan, bộ máy Đảng và Nhà nước ta.
Theo kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII cho thấy, trong tổng số hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật thì số đảng viên sai phạm có liên quan tới tham nhũng chiếm tỷ lệ khá lớn: 14% đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 6,76% đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống; 5,52% đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; 8,54% đảng viên vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…
Trong số hơn 110 cán bộ, Đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật có 48% vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; 40% thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 14,5% vi phạm về công tác tổ chức cán bộ; 27% vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản; 5,4% vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương; 2,7% vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Không những mất tiền mà chúng ta mất cả những cán bộ có năng lực như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang, Trần Việt Tân, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Sơn, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thành Long… Mới đây nhiều đảng viên là cán bộ cấp cao đã cấu kết với doanh nghiệp để thổi giá hay mua bán những sản phẩm kém chất lượng ở CDC các tỉnh thành. Trong vụ công ty Việt Á , chuyến bay gải cứu Covid-19 có những người đã là Bộ trưởng, mang hàm giáo sư, quân hàm tướng lĩnh cũng dính chàm. Tham nhũng, tiêu cực, buông lỏng quản lý có khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực.
Những con số và thực trạng được khái quát ở trên chỉ phản ánh là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu không ngăn chặn kịp thời, tham nhũng sẽ bào mòn lòng tin trong nhân dân, làm giảm sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tham nhũng gắn với quyền lực và chính những Đảng viên, cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước không chịu sự kiểm soát chặt chẽ, không được lựa chọn đúng với tiêu chí "Cần kiệm, Liêm chính, Chí công, Vô tư" mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy sẽ mang lại nhiều nguy cơ đáng lo ngại cho sự phát triển của đất nước, cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Những Đảng viên vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật không những làm mất đi những đồng tiền xương máu, mồ hôi, lẫn nước mắt mà Nhân dân đóng góp xây dựng đất nước mà còn làm cho lòng tin của Nhân dân với Đảng giảm sút, làm cho tổ chức Đảng suy yếu và thiếu năng lực lãnh đạo. Vậy nguyên nhân do đâu?
Về mặt chủ quan cho thấy những đảng viên vi phạm, tham nhũng, tiêu cực đại đa số là do lòng tham, do ham muốn tầm thường, tự chuyển biến, tự chuyển hóa, chủ nghĩa cá nhân, cấu kết phân chia lợi ích nhóm. Họ biết sai vẫn làm hoặc dùng quyền lực trực tiếp hay gián tiếp chỉ đạo cấp dưới làm sai vì tư lợi.
Mặc dù những đảng viên này đã được bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo bài bản song họ vẫn không vượt qua được cám dỗ vật chất, nhiều biểu hiện lệch lạc về chuẩn mực đạo đức người cán bộ, sai trai với điều cấm đối với đảng viên. Thậm chí họ còn lôi kéo, thỏa hiệp với nhau để tham nhũng, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ, sách nhiễu, gây phiền hà, o ép nhân dân và doanh nghiệp vì mục đích kiếm tiền.
Đặc biệt hơn có những Đảng viên lợi dụng quyền lực của mình cho phép người khác thao túng chính sách và tham nhũng chính sách, trục lợi chính sách công.
Ở góc độ khác, nhiều Đảng viên có biểu hiện rõ nét lối sống thực dụng, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ; cục bộ, bè phái; tranh chức, tranh quyền; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát, thiếu kiểm tra đôn đốc; thờ ơ, vô cảm với lợi ích của người dân.
Vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản công, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công lãng phí, vượt quy định; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc là những vi phạm phổ biến của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp. Như vậy, dễ nhận thấy các vi phạm pháp luật, tham nhũng bắt nguồn từ thái độ nhận thức của cá nhân và sự liêm chính của Đảng viên.
Về mặt khách quan, cần thẳng thắn nhìn nhận vai trò trách nhiệm của các tổ chức Đảng từ Trung ương xuống địa phương. Ở nhiều cơ quan, địa phương, công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát chưa được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, phần lớn mang tính phiến diện, nể nả, buông lỏng.
Có đôi khi nghị quyết của Đảng chưa gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Nhiều quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ cũng là nguyên nhân để Đảng viên lợi dụng để trục lợi.
Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; còn có tổ chức Đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý; việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về quy trình, thủ tục, thậm chí có trường hợp bổ nhiệm "thần tốc", bổ nhiệm không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thiếu minh bạch… gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận.
Trên thực tế, khi người cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực khác xảy ra không có ranh giới, thậm chí trở thành nguyên nhân, điều kiện của nhau, rất dễ dẫn đến "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa".
Phòng chống các hành vi tham nhũng của cán bộ, Đảng viên là cuộc đấu tranh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ, có sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau để phát huy hiệu quả của từng bộ phận và bảo đảm tính toàn diện sâu sát. Muốn làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì vai trò của Đảng viên phải được phát huy, là đầu tàu và gương mẫu:
Một là, mỗi một Đảng viên tự nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm, tiên phong, nêu gương trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng và công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng và tiêu cực. Thực hiện tốt quy định trách nhiệm của công dân trong công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ người Đảng viên, những điều cấm Đảng viên không được làm, nêu cao tinh thần phê binh và tự phê binh trong Đảng.
Đảng viên phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.
Hai là, trách nhiệm của Đảng viên là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, người đứng đầu có trách nhiệm: Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về Phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, Đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; có trách nhiệm chỉ đạo việc cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về ohòng, chống tham nhũng, chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Tổ chức triển khai các biện pháp để phòng ngừa tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị: Chịu trách nhiệm về tính công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; vấn đề tặng quà và nhận quà tặng; chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn để phòng ngừa tham nhũng. kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, minh bạch tài sản, thu nhập…
Đảng viên đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra và tự kiểm tra để phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngăn ngừa sớm những biểu hiện lệch lạc suy thoái, triệt tiêu các mầm mống của tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng.
Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền; thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định, tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý Nhà nước và xã hội.
Ba là, cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các tổ chức Đảng. Công tác thanh tra, kiểm tra Đảng phải là cuộc chấn chỉnh, làm mới Đảng viên, làm cho Đảng viên nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của người Đảng viên trong công cuộc phòng chống tham nhũng và tiêu cực. Xây dựng nghị quyết của Đảng gắn liền với nhiệm vụ công tác, công khai, minh bạch và dân chủ trong Đảng để phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng.
Bốn là, công tác quy hoạch, tuyển chọn, bổ nhiệm lãnh đạo là đảng viên phải được rà soát kỹ lưỡng, chọn người có đức, có tài, có tâm huyết với công việc, nghề nghiệp và phải tổ chức thi tuyển. Đặc biệt phải gắn trách nhiệm tổ chức, người giới thiệu Đảng viên vào vị trí công việc nào đó nếu vi phạm phải xử lý nghiêm cả tổ chức, người giới thiệu và được giới thiệu, có như vậy mới hạn chế được việc chạy chức, chạy quyền trong hàng ngũ cán bộ Đảng viên.
Trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 18/3/2021 nói rõ: "Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống…".
Như vậy đạo đức, lối sống, nhận thức của người Đảng viên có vai trò quan trọng, then chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay. Việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là ngăn ngừa, hạn chế từ sớm, từ xa mầm mống tham nhũng, phải chống tham nhũng ngay khi khi có dấu hiệu, biểu hiện tiêu cực trong công tác, Đảng viên phải vượt qua những đồng tiến bất chính, phải tự mình biết xây dựng Đảng và vươn lên.
Hôm nay, 3/2/2023, Đảng tròn 93 tuổi. Nhìn lại những thiếu sót trong công tác cán bộ của Đảng cũng là để củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, củng cố sức mạnh, sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.