Dân Việt

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!

Nguyễn Việt 08/06/2024 05:22 GMT+7
Ông Hoàng Văn Cương (65 tuổi, ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) trồng 50 mẫu khoai lang, ước tính thu hơn 400 tấn củ. Được mùa, giá khoai lang rẻ mạt, ông đành tự bán lẻ với mức độ tiêu thụ chậm. Ông rớt nước mắt mong muốn các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ gia đình tiêu thụ khoai lang.

Giá khoai lang rẻ bèo, bán nhỏ giọt, cả nhà bất an

Những ngày này, đối với ông Hoàng Văn Cương cũng như thành viên trong gia đình ai nấy đều lòng như lửa đốt, bởi vì mấy chục tấn khoai lang tiêu thụ chậm quá. 

Mặc dù tiêu thụ chậm nhưng số khoai dưới ruộng vẫn phải tiếp tục thu hoạch cho kịp thời vụ trồng vụ lúa mùa. Xe chở khoai lang về tập kết chất thành 2 dãy khoai ở 2 bên đường tỉnh lộ 395, ở thôn Cao Dương ngày một nhiều.

Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, lượng người đến mua không nhiều, đầu giờ sáng thỉnh thoảng có người ghé xe máy, ô tô vào hỏi mua một vài túi khoai, độ 10 – 20 kg. Đến tầm 9 – 10 giờ, lượng người vào mua cũng nhiều hơn một chút, sau đó lại thỉnh thoảng mới có khách mua.

Nhìn tốc độ tiêu thụ "nhỏ giọt" như vậy, phóng viên Dân Việt cũng không khỏi ái ngại cho vợ chồng ông Cương. Biết đến bao giờ mới bán hết mấy chục tấn khoai nếu người mua chỉ thưa thớt, sức mua "nhỏ giọt" như vậy?

Trò chuyện với ông Cương, điều mà phóng viên Dân Việt thắc mắc, đó là sản lượng khoai lớn như vậy, sao không liên hệ với các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm hoặc các tư thương để bán với số lượng lớn cho nhanh hết. Bán nhỏ lẻ thế này đến bao giờ mới hết?

Clip: Ông Hoàng Văn Cương mong muốn các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp hỗ trợ, "giải cứu" hơn trăm tấn khoai lang để ông thu hồi vốn tái đầu tư sản xuất. T/h: Nguyễn Việt.

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 2.

Hàng chục tấn khoai lang chất đống bên đường tỉnh 395 thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chờ được tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Cương cho biết, đã có tư thương liên hệ đặt vấn đề mua số lượng lớn nhưng họ "ép" giá rẻ quá, với giá 2000 đồng/kg. Với giá này, gia đình lỗ nặng. Vì vậy, gia đình đành phải tự bán, thu được đồng nào hay đồng đó.

Theo ông Cương, gia đình ông bắt đầu thu hoạch lứa khoai lang đầu tiên vào dịp cuối năm và từ đó thêm nhiều đợt thu hoạch nữa. Lúc đầu thu hoạch khoai lang, gia đình ông còn bán được với mức giá 15000 đồng/kg. Sau đó, thu hoạch rộ, sản lượng khoai nhiều, giá cũng giảm dần.

Hiện gia đình ông Cương đã phân loại, chọn lọc thành các loại khác nhau để bán với các mức giá khác nhau, loại 1 củ to, đẹp ông đang bán với giá 7000 – 8000 đồng/kg; loại 2 nhỏ ông bán với giá 5000 đồng/kg; loại nhỏ nữa giá 3000 đồng/kg.

Mong muốn hỗ trợ tiêu thụ khoai lang

Cách đây hơn nửa tháng trước, khoảng giữa tháng 5, gia đình ông Cương thu được hơn 40 tấn khoai. Lúc này, việc tiêu thụ gặp khó khăn, vì lượng khoai nhiều quá, trong khi đó người mua ít nên tồn nhiều và ông đã phải nhờ các tổ chức, cá nhân kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ.

Nhờ sự chung tay giúp đỡ của lãnh đạo, cán bộ địa phương, của truyền thông, báo chí, mạng xã hội vào cuộc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho gia đình ông, nhiều cán bộ địa phương, người dân trong xã, người đi đường, các tổ chức doanh nghiệp đã đến mua khoai lang của gia đình ông. 

Cuối cùng 40 tấn khoai lang của gia đình ông Cương đã bán hết nhanh hơn nhiều nếu không có sự tham gia hỗ trợ tiêu thụ. Sau đó, ông tiếp tục thu hoạch khoai lang và được người dân mua ủng hộ. Đợt hỗ trợ tiêu thụ đó, người dân mua ủng hộ với số lượng gần 300 tấn khoai. 

Nhà nhiếp ảnh Phùng Trọng Tuệ, hội viên Ban Nhiếp ảnh – Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, một trong những người tham gia tích cực vào việc hỗ trợ tiêu thụ khoai lang giúp ông Cương bằng việc chụp ảnh, quay video đăng trên các nền tảng mạng xã hội facebook, youtube cá nhân của ông đã góp phần lan toả đến nhiều người dân trong tỉnh tìm đến mua khoai ủng hộ gia đình ông.

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 4.

Khách đến mua khoai lang ủng hộ ông Cương. Ảnh: Nguyễn Việt


Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 5.

Ông Hoàng Văn Cương, thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chia sẻ về việc trồng khoai lang và khó khăn trong tiêu thụ, mong muốn được các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ giúp. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Tuệ cho biết, vô tình trong một lần đi tác nghiệp chụp ảnh bà con nông dân trong tỉnh thu hoạch hoa màu, khi đi đến ngã tư đèn đỏ xã Gia Khánh trên đường tỉnh 395, ông Tuệ thấy hai bên đường khoai lang chất thành đống chạy dài hàng trăm mét. 

Thấy lạ ông Tuệ dừng lại chụp ảnh, quay video cảnh khoai lang chất đống 2 bên đường và dưới đồng máy vẫn đang tiếp tục thu hoạch.

Những bức ảnh, thước phim ông quay được về ông đăng lên trang facebook cá nhân, video ông đăng trên kênh Youtube của ông cùng lời kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai lang cho người nông dân này. Hình ảnh, video đăng trên facebook, Youtube đã thu hút nhiều người xem, biết địa chỉ để đến giúp tiêu thụ.

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 7.

Khi không mưa, những đống khoai lại mở ra để người đi đường biết còn dừng lại mua. Ảnh: Nguyễn Việt.

Chị Dương Lan Anh, phóng viên Báo Hải Dương cũng là một trong những người tích cực lan toả thông điệp giải cứu khoai lang giúp ông Cương bằng việc chia sẻ bài đăng trên báo Hải Dương lên trang facebook cá nhân, đồng thời kêu gọi bạn bè trên facebook đến mua ủng hộ gia đình ông.

Ngoài ra, chị Lan Anh còn có ý tưởng kết hợp với một số cơ sở sấy sắn dây ở Kinh Môn để sấy khoai cho gia đình ông Cương nhằm giúp gia đình ông tìm cách chế biến sâu cho khoai lang.

Chị Lan Anh tâm sự, trong một lần đặt khoai lang sấy dẻo của Đà Lạt về cho con ăn, chị phải mua với giá rất cao, trong khi đó khoai của quê thì nhiều, bỏ đi rất tiếc. Vì vậy chị đã nghĩ đến việc phối hợp với một số cơ sở sấy sắn dây ở Kinh Môn để giúp bà con chế biến.

"Vì không vào mùa sắn, máy sấy gần như đắp chiếu bỏ không, trong khi khoai lang cỡ nhỏ của gia đình chú ấy rất nhiều, bán quá rẻ hoặc bỏ đi không ăn được. Em nghĩ ra cách đó có lợi cho cả chú Cương và cơ sở sấy khoai. Để chú trồng mà cứ lo lắng chuyện tiêu thụ và kêu gọi "giải cứu" thì khổ lắm"- chị Lan Anh chia sẻ.

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 8.

Do tiêu thụ chậm nên mỗi khi trời mưa, vợ chồng ông Cương lại phải che đậy khoai để không ảnh hưởng đến người đi đường. Ảnh: Nguyễn Việt.

Chị Lan Anh cũng tin rằng nếu cho ra được sản phẩm khoai lang sấy dẻo, sẽ có cơ hội cạnh tranh được ở thị trường. Vì khoai ngọt không dùng đường đang trở thành thực dưỡng và nhiều người tìm sử dụng thay cho bánh kẹo. 

Nếu làm được việc này sẽ giúp gia đình ông Cương nâng cao giá trị của sản phẩm khoai lang cao hơn gấp nhiều lần so với hiện tại chỉ bán với giá vài nghìn đồng.

Những ngày này, gia đình ông Cương tiếp tục thu hoạch hàng chục mẫu khoai lang tiếp theo. Hiện số khoai lang thu hoạch được hơn 100 tấn của gia đình ông lại rơi vào tình trạng người mua ít, mua số lượng nhỏ nên cũng chưa biết khi nào bán hết. Ngoài ra, ông Cương còn hơn 10 mẫu khoai ở ruộng đang tiếp tục được thu hoạch.

Trong khi chưa triển khai hoạt động chế biến sâu cho sản phẩm khoai lang, gia đình ông Cương vẫn tiếp tục phải bán lẻ cho người dân nên việc tiêu thụ diễn ra khá chậm. Ông Cương lại mong mỏi được "giải cứu".

Một nông dân Hải Dương trồng khoai lang đào lên 400 tấn củ, xếp chồng chất, bán rẻ như cho, rõ khổ!- Ảnh 10.

Gia đình ông Cương còn hơn 10 mẫu khoai lang chưa thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Việt.

Những ngày qua, Nhà nhiếp ảnh Phùng Trọng Tuệ lại về chụp ảnh, đăng hình, video lên kênh facebook, Youtube để lan toả và kêu gọi mọi người đến mua ủng hộ ông. Đồng thời ở địa phương, nhiều người trong gia đình, bạn bè của các thành viên trong gia đình ông Cương cũng tích cực vào cuộc kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ khoai lang.

Thông qua báo Dân Việt, ông Hoàng Văn Cương cũng mong sẽ lan toả thông tin tới nhiều cá nhân, tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nông sản biết để đến thu mua, vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở, doanh nghiệp, vừa giúp ông thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất.