Ở một huyện của Bến Tre dân nuôi cua kiểu gì mà nhiều người đang đến xem, cảnh đẹp như phim?
Ở một huyện của Bến Tre dân nuôi cua kiểu gì mà nhiều người đang đến xem, cảnh đẹp như phim?
Thanh Hương
Chủ nhật, ngày 09/06/2024 05:40 AM (GMT+7)
Cua biển là thủy sản được ngành nông nghiệp huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) khuyến khích người dân đầu tư nuôi vì có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, ít rủi ro. Đặc biệt, mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp phát triển du lịch thái của Chi hội Nông dân nghề nghiệp ấp Phước Bình, xã Thạnh Phước...
Cua là đối tượng nuôi thủy sản được ngành nông nghiệp huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) khuyến khích người dân đầu tư phát triển vì có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, ít rủi ro.
Đặc biệt, mô hình nuôi cua thương phẩm kết hợp phát triển du lịch thái của Chi hội Nông dân nghề nghiệp ấp Phước Bình, xã Thạnh Phước, (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần tạo sản phẩm hấp dẫn du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm du lịch tại địa phương.
Tận dụng lợi thế mặt nước và có vùng nước mặn quanh năm, tiềm năng kinh tế mũi nhọn là nuôi thủy sản tôm, cá các loại theo hình thức thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, quảng canh xen rừng, thổ nhưỡng xã Thạnh Phước cũng rất thích hợp cho phát triển mô hình nuôi cua.
Năm 2020, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện và ngành nông nghiệp hỗ trợ 20 hộ dân nuôi tôm không hiệu quả trong xã đầu tư nuôi thí điểm cua thương phẩm trên diện tích 40ha, với tổng kinh phí 600 triệu đồng.
Bước đầu, các hộ dân đầu tư chi phí cải tạo ao nuôi, làm cống thoát nước và mua cua giống về thả nuôi. Nhờ được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi bài bản, sau 3 - 4 tháng nuôi, 20 hộ dân đều trúng vụ, mỗi hộ thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/1.000m2 mặt nước.
Từ hiệu quả mang lại, các hộ dân tiếp tục đầu tư nuôi và mở rộng diện tích nuôi từ 1 - 2ha/hộ, có hộ nuôi với quy mô lớn khoảng 5ha và lợi nhuận cũng tăng lên, đạt hơn 100 triệu đồng/năm/hộ.
Du khách trải nghiệm câu cua biển nuôi tại các ao, vuông tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Anh Huỳnh Duy Bình, thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi cua thương phẩm kết hợp phát triển du lịch thái ấp Phước Bình chia sẻ: Mô hình nuôi cua thương phẩm trong ao không khó, vốn đầu tư thấp, ít bị rủi ro dịch bệnh, chi phí thức ăn và xử lý ao không nhiều, giá bán tương đối ổn định, lợi nhuận cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tháng 8-2021, Hội Nông dân xã đã vận động liên kết các hộ nuôi cua thương phẩm thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp với 20 hộ dân tham gia nuôi cua trên diện tích 40ha và duy trì phát triển ổn định đến nay.
Bên cạnh đó, chi hội còn nhạy bén khai thác sự độc đáo của cảnh vật thiên nhiên, sự hấp dẫn từ việc câu cua hay chèo thuyền đặt lọp bắt cua và sự hấp dẫn của các thực phẩm chế biến từ con cua để làm du lịch sinh thái.
Bước ngoặt của mô hình đã minh chứng cho sự năng động của các thành viên trong chi hội, bởi mô hình đã và đang khẳng định vị thế của một khu du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút nhiều du khách ghé tham quan, trải nghiệm
Và du khách quay trở lại nhiều lần, góp phần mang lại nhiều giá trị thiết thực, không những nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm cua mà còn làm phong phú thêm hoạt động du lịch của địa phương, vừa đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Hiện tại, Hội Nông dân xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đang triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình, phát triển theo hướng vận động nông dân nuôi đa dạng các loài thủy sản khác để nâng cao thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.