Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương

Chủ nhật, ngày 03/07/2022 06:09 AM (GMT+7)
Huyện Thanh Miện (Hải Dương) mong muốn được khai thác căn hầm bí mật ở Đình Đông, xã Thanh Tùng thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.
Bình luận 0

Ít ai biết gần di tích lịch sử quốc gia Đình Đông ở xã Thanh Tùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) có một căn hầm bí mật gắn với nhiều sự kiện chính trị đã diễn ra tại đình. Tuy nhiên, hiện nay công trình này vẫn chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương - Ảnh 1.

Một cửa đi vào căn hầm Đình Đông, xã Thanh Tùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã được tu sửa lại

Theo báo cáo số 615/UBND-VHTT ngày 6.4 của UBND huyện Thanh Miện, tại di tích Đình Đông có căn hầm bí mật phục vụ 2 hội nghị của Tỉnh ủy Hải Hưng, là nơi trú ẩn và hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Vị trí hầm nằm cách Đình Đông hiện nay gần 30 m về phía đông bắc, được xây dựng bằng gạch, vôi, vữa, cửa ra vào và trên nóc hầm thiết kế kiểu cuốn vòm, dưới lòng đất có độ sâu khoảng 2 m so với mặt bằng của di tích. 

Căn hầm được chia thành 6 phân đoạn bao gồm các ngách ra, vào và các gian trung tâm. Chi tiết cụ thể trong căn hầm cũng được UBND huyện Thanh Miện khảo sát, đánh giá cụ thể. 

Hầm có 4 lối vào, mỗi lối có chiều dài từ 2,73 - 7,76 m. Hầm chính dài 12,5 m, rộng 3,95 m, cao 2,05 m, mái vòm, được chia làm 8 gian bằng các bức tường xây và có cửa thông giữa các gian với nhau. Hầm có 2 cửa ra, gồm 1 cửa chính và 1 cửa phụ.

Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương - Ảnh 2.

Lối đi xuống hầm Đình Đông

Trong cuốn "Di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương" do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành năm 2016, hầm Đình Đông được ghi chép như sau: "Đặc biệt, trong khuôn viên của Đình Đông còn có một căn hầm bí mật được xây dựng vào những năm 40 của thế kỷ XX, rộng khoảng 8 m, dài khoảng 25 m, sâu khoảng 3 m, được làm rất chắc chắn, phía trong rất rộng có thể sinh hoạt được. 

Hầm còn có cửa thoát hậu. Hầm được thiết kế rất đặc biệt, cửa hầm đẩy lên là lối vào, khi để tụt xuống thành một hố chông, ngăn quân địch tiến vào... Với hầm bí mật, hiện nay không được sử dụng cho mục đích tham quan vì đã xuống cấp và không được quan tâm đầu tư, tôn tạo".

Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương - Ảnh 3.

Căn hầm bị ngập nước

Được đánh giá là một công trình quan trọng, có nhiều đóng góp vào các sự kiện chính trị đã diễn ra tại Đình Đông nhưng là hầm bí mật nên việc xây dựng cụ thể vào thời điểm nào, như thế nào không có bất kỳ tài liệu nào ghi chép lại. 

Ông Nguyễn Đình Tự (76 tuổi), là bộ đội nghỉ hưu, nguyên Bí thư Chi bộ thôn Đông kể, theo những thông tin truyền lại hầm Đình Đông được xây dựng trước năm 1940 do một đơn vị công binh thực hiện. Họ về làm hầm rất bí mật, buổi tối hành quân đến khu vực xã Thanh Tùng và khi trời sáng lại đi ngay. 

Lúc đó, mọi người chỉ nghĩ bộ đội hành quân đến đây, trời tối nên dừng lại nghỉ chân. "Về sau này, khi phát hiện ra căn hầm thì những người sống tại thời điểm đó mới sâu chuỗi lại các sự việc và đưa ra nhận định, những nhóm bộ đội về đây để đào hầm chứ không chỉ đơn giản là dừng chân nghỉ ngơi. Trong ba lô của họ có chứa đất cát được đào dưới đường hầm và mang đi", ông Tự nói.

Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương - Ảnh 4.

Một ngôi nhà nằm trên khu vực hầm đình Đông

Còn với ông Nguyễn Hữu Tiếp (82 tuổi), cũng là một người làng Đông thì nhận định, việc xây dựng hầm không hề dễ dàng nên chắc chắn phải có kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận. Việc lựa chọn vị trí xây hầm cũng tính toán kỹ. 

"Hầm được xây trong khuôn viên nhà ông Tổng Can. Vì đây là một chức quan lớn nên không ai dám xâm phạm vào khuôn viên nhà ông nên việc xây dựng mới dễ dàng và bí mật như vậy. Tôi được nghe kể, ông Tổng Can có thuê một người gánh gạch vào bên trong khuôn viên nhà nhưng làm gì thì không ai rõ vì xung quanh nhà ông tường bao rất cao", ông Tiếp cho biết.

Cũng theo lời kể của ông Tiếp, do ở cạnh nhà ông Tổng Can nên từ khi còn nhỏ, ông đã biết trong vườn nhà mình có 1 cái giếng nhưng chưa khi nào tìm hiểu về cái giếng này. Vào khoảng năm 1989, trong một lần thuê người mò lợn bị rơi xuống giếng nên người dân mới phát hiện ra hầm Đình Đông.

Thuê người xuống giếng vớt con lợn bị rơi năm 1989, tình cờ phát hiện đường hầm bí mật Đình Đông ở Hải Dương - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hữu Tiếp (82 tuổi), người làng Đông kể chuyện về hầm Đình Đông

So với trước, căn hầm hiện nay cũng đã có một số thay đổi, một số cửa ra vào hầm bị bịt kín, một số khác được làm cao lên và có cổng để tránh trẻ em tò mò đi vào những khu vực này. Bên trong hầm nước ngập khá cao, chỉ có thể quan sát được phần lối dẫn vào hầm. 

Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), căn hầm còn khá nguyên vẹn và chắc chắn nhưng do xây dựng lâu ngày và độ sâu tương đối nên nước ở bên ngoài thường xuyên ngấm qua thành tường vào bên trong hầm, nhất là về mùa mưa, có lúc lượng nước ngập lên đến trên 1 m. 

Mong muốn của huyện Thanh Miện được khai thác căn hầm bí mật này thành sản phẩm du lịch kết hợp với các di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn huyện để phục vụ du khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Thanh Hà (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem