Vì sao Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống, Trần Quốc Toản phá giặc Nguyên Mông phần lớn dùng người Bắc Ninh?

Chủ nhật, ngày 09/06/2024 05:38 AM (GMT+7)
Sách Đồng Khánh địa dư chí về tỉnh Bắc Ninh có viết: “Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Quốc Toản phá quân Nguyên, phần lớn đều dùng biền dũng người Bắc Ninh, lại đóng phủ đệ ở Vạn Kiếp thuộc phủ Lạng Giang, dân trong tỉnh đều trở thành quân lính cả". Vùng sông nước Lục Đầu Giang-Bình Than có vị trí đặc biệt quan trọng...
Bình luận 0
Trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, duy chỉ có nhà Trần được tôn vinh là “hào khí Đông A”. Nói đến “hào khí Đông A” là nói đến truyền thống đấu tranh kiên cường, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự tôn dân tộc của nhân dân Đại Việt dưới triều Trần. Dòng nguyên khí triều Trần đã hòa chảy trong hào khí Kinh Bắc-Bắc Ninh.

 Sử sách còn ghi, sau 30 năm thái bình xây dựng và củng cố đất nước (1226-1257), quốc gia Đại Việt lại đứng trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc. 

Thời Trần, quân Mông-Nguyên đã ba lần xâm lược Đại Việt nhưng đều chịu thất bại cay đắng. Nhân dân Bắc Ninh sống trên mảnh đất phên dậu thứ nhất chở che cho kinh đô Thăng Long và đã góp phần không nhỏ trong những chiến công oanh liệt thời kỳ này.

Sách Đồng Khánh địa dư chí về tỉnh Bắc Ninh có viết: “Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Quốc Toản phá quân Nguyên, phần lớn đều dùng biền dũng người Bắc Ninh, lại đóng phủ đệ ở Vạn Kiếp thuộc phủ Lạng Giang, dân trong tỉnh đều trở thành quân lính cả”. 

Cho thấy rằng, tỉnh Bắc Ninh nói chung và đặc biệt là vùng sông nước Lục Đầu Giang-Bình Than có vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống thế kỷ XI và quân Mông-Nguyên thế kỷ XIII.

Vì sao Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống, Trần Quốc Toản phá giặc Nguyên Mông phần lớn dùng người Bắc Ninh?- Ảnh 1.

Tam quan đền thờ Cao Lỗ Vương (xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) nhìn ra dòng sông Lục Đầu Giang.

Bến Bình Than là một địa danh ghi đậm dấu ấn lịch sử còn được khắc ghi sâu đậm trong tâm trí mỗi người dân đất Việt. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, và quân sự thì địa điểm Bình Than có vị trí chiến lược hiểm yếu trong lịch sử. 

Bình Than nằm trên con đường từ phí Bắc xuống theo thung lũng sông Thương và từ biển vào theo đường sông Bạch Đằng, từ đây theo đường sông tỏa đi các lộ phía Bắc và phí Đông kinh đô Thăng Long. 

Năm xưa, đây chính là vùng Vạn Xuân - nơi Lý Thường kiệt đã tổ chức phòng tuyến chống quân xâm lược nhà Tống để bảo vệ kinh thành Thăng Long ở thế kỷ XI.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Minh của nghĩa quân Lam Sơn ở thế kỷ XV, phòng tuyến Bình Than-Lục Đầu-Phả Lại cũng từng giữ vai trò quan trọng, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt trong chiến dich vu seo Chi Lăng-Xương Giang…

Đặc biệt, cách đây hơn 700 năm, vào mùa đông năm 1282, trên bãi Nguyệt Bàn, cửa Đại Than, sát bến Bình Than thuộc xã Cao Đức (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) đã diễn ra hội nghị các vương hầu, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp của triều Trần để bàn kế sách đánh giặc, thống nhất ý chí quyết tâm kháng chiến cứu nước. 

Đây là hội nghị xác định phương hướng chiến lược và tổ chức bộ máy chống quân xâm lược Mông-Nguyên lần thứ hai. 

Hội nghị này vẫn được ghi chép trong sử sách là Hội nghị Bình Than vì nó được tổ chức trên vùng sông nước Bình Than của Bắc Ninh là một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, anh hùng và thượng võ. Cũng từ Hội nghị Bình Than mà tinh thần quyết chiến được hun đúc, kết tinh và lan truyền, thấm sâu đến từng người lính, người dân tạo nên sức mạnh quật cường của cả dân tộc để giành chiến thắng trước một kẻ thù hung bạo nhất lúc bấy giờ.

Vì sao Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống, Trần Quốc Toản phá giặc Nguyên Mông phần lớn dùng người Bắc Ninh?- Ảnh 2.

Bản đồ Bến Bình Than-Bãi Nguyệt Bàn ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh-nơi diễn ra Hội nghị Bình Than quy tụ các vương hầu, quý tộc và tướng lĩnh cao cấp của vương triều Trần để bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông.


PGS.TSKH. Nguyễn Hải Kế, Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội từng khẳng định: Năng lượng để Đại Việt vượt qua chặng đường gian khổ, để đi đến vinh quang “Đoạt sóc Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan…” chính là được chuẩn bị trực tiếp, được kích hoạt và nhân lên từ Hội nghị Bình Than.

Hội nghị Bình Than còn gắn liền với hai sự kiện đặc biệt quan trọng cho thấy trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của những kẻ sĩ triều Trần là việc Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đang bị cách chức, bỏ đi buôn than cũng được vua Trần Nhân Tông miễn tội, mời tham dự hội nghị. '

Sự kiện đặc biệt thứ hai là thiếu niên nhỏ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản vì ít tuổi nên không được dự bàn hội nghị mà lòng hổ thẹn, tức khí bóp nát quả cam cầm trong tay lúc nào không biết, quay về huy động hơn nghìn gia nô và binh sĩ, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền chờ ngày đánh giặc.

Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước cháy bỏng, dám hi sinh mạng sống vì dân tộc. Khí phách ấy được thể hiện rõ trên lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, báo ơn vua).

Với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự tôn dân tộc, quân dân thời Trần đã ba lần đánh tan quân Mông-Nguyên xâm lược, mang lại hòa bình, thịnh trị, ấm no cho dân tộc Đại Việt. 

Có thể thấy tinh thần “vua tôi đồng tâm”, “anh em hòa thuận”, “cả nước góp sức”, “nới sức dân làm kế sâu gốc bền rễ” là cẩm nang giữ nước, là những cơ sở lý luận đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh gian khổ chống xâm lược không chỉ của riêng triều nhà Trần mà của mọi giai đoạn lịch sử để Tổ quốc Việt Nam “muôn thủa vững âu vàng”.

Trải qua năm tháng, cho dù phù sa bồi đắp, các thế hệ có ra sức khai khẩn đất hoang, mở mang làng xã nhưng cái tên Bình Than vẫn không thể mất và hào quang của “hào khí Đông A” vẫn tỏa sáng bất diệt trên mảnh đất Bắc Ninh-Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến và thượng võ.

Kính mời độc giả đón đọc bài cuối: Từ ông Tổ nước Nam đến kỷ nguyên Đại Việt.


Thuận Cẩm (Báo BắcNinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem