Những đêm thanh vắng, lại nhớ tiếng dội nước của các cô thôn nữ sau một ngày tấm lưng ong lom khom cày cuốc ngoài đồng bãi đã đẫm mồ hôi và ngấm mùi đất đai, cây cỏ. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, ao làng vẫn vang lên tiếng cười khúc khích lay động cả những con sóng tỏa lan. “Có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày chết cá ao anh” – Đã một thời, câu ca dao ấy thổn thức vang lên mỗi lần các cô thôn nữ buông tay khỏa nước, câu ca dao làm mắt môi thiếu nữ thôn quê thêm nồng nàn, làm gò má họ thêm phần ửng đỏ.
Ao làng nơi lưu giữ những kỷ niệm thân thương
Bờ gạch cũ đổ rêu bên cầu ao, những làn nước đêm đêm khỏa ánh trăng cũng đã chứng kiến bao cuộc hẹn hò, chờ đợi của trai gái trong làng. Nơi ấy, có những câu chuyện tình yêu đơm hoa kết trái để rồi nên vợ nên chồng, nhưng cũng có lần trai gái làng gặp gỡ nhau để mà nói lời giã biệt! “Đêm qua ra đứng bờ ao/Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”.
Những tiếng đập chiếu, giũ vải, tiếng người nói chuyện xôn xao ở ao làng phác thảo một nét bình yên của làng quê Bắc Bộ. Từ những bậc cầu ao, các bà các mẹ có thể tâm sự với nhau đủ thứ chuyện từ chuyện mùa màng tới chuyện chợ búa, chồng con; những đứa trẻ đầu trần chân đất lại hồn nhiên chơi trò “chuồn chuồn cắn rốn”, lại vẩy tung lên khoảng không những giọt nước tuổi thơ trong veo, mát lạnh.
Nhìn từ góc độ kiến trúcTừ xa xưa, khi cha ông ta di cư từ vùng trung du xuống đồng bằng, đất đai còn lầy lội nên họ đào nhiều ao chuôm vừa để có nơi cao ráo định cư, lại vừa tiện để thoát nước, chống ngập úng. Ao làng ao là một phần không thể thiếu trong cấu trúc làng xã Việt Nam và nền văn minh lúa nước. Các cụ xưa có câu: “Ao là bình khí, tre là bình phong”, lối bài trí này đã tạo thành một thế bất khả xâm phạm, đề phòng kẻ gian đột nhập. Từ lối kiến trúc quen thuộc này, rất nhiều nhà dân cũng đào ao trước nhà tạo thế phong thủy phù hợp.
Ao làng trên miền quê đồng bằng Bắc Bộ
Ao làng giữ vai trò quan trọng trong việc dự trữ nước vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Những năm tiết trời hạn hán, ao làng trở thành nguồn nước chính phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Khi mùa mưa kéo dài, chính ao làng lại là nơi chứa nước từ những dòng chảy nhỏ hợp thành. Cùng với đó, vào mỗi dịp lễ tết truyền thống, ao làng cũng cung cấp một phần thực phẩm cho người dân.
Rất nhiều làng quê có tục tát ao làng. Có khi phải tát làm 2-3 đợt, từ ao trong ra ao ngoài rồi từ ao ngoài ra đồng. Ấy là cái thời máy bơm nước vẫn còn nằm trong trí tưởng tượng của đa số dân quê, người ta kiên nhẫn dùng chiếc gàu dai tát ao, để cạn một cái ao lớn có khi mất cả mươi, mười lăm ngày. Những ngày đó làng như có hội lớn. Người ta đứng đầy bờ tre quanh cái ao để xem, kẻ nói người cười đoán xem cá năm nay có khá hơn năm trước không, rồi bàn tán, rồi pha trò rộn cả làng. Ai cũng một cảm giác hồi hộp, nôn nao khi nhìn thấy vây những con cá đầu tiên lộ ra trên mặt nước.
Ao làng là một phần hồn cốt của quê hương, là nơi dân mình đoàn tụ, từ những bậc bô lão đầu râu tóc bạc cho đến đứa trẻ con tóc để chỏm đào. Ngày tết í ới gọi nhau đãi đỗ, rửa rau, chung thịt; ngày thường thì xúm xít dăm ba câu chuyện phiếm từ củi lửa rạ rơm đến lợn gà đống áng; mùa lễ hội, trẻ già gái trai lại xênh xang khăn áo lụa là đủ sắc màu rợp bóng xuống ao làng, dáng người đi trên bờ ngả bóng xuống mặt nước như say như tỉnh.
“Ao quê thành miền cổ tích”Theo thời gian, biết bao thăng trầm cũng ngả bóng xuống ao làng. Biết bao kỷ niệm buồn vui chỉ còn trong ký ức. Những giá trị, cốt cách truyền thống cũng vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sâu. Những miền quê, nhất là miền ven đô thị dân số tăng nhanh trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, những chiếc ao làng dần bị san phẳng để chia chác bán mua. Có những cái ao may mắn còn sót lại thì giờ nước cũng xanh lè, ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và đủ loại rác thải trút hết xuống ao. Dường như, trong thời buổi nước máy len lỏi về tận ngõ ngách làng quê, chẳng ai còn ra ao làng mà đãi đỗ rửa rau nữa, trẻ con nông thôn cũng không còn vẫy vùng tuổi thơ ở ao làng với cái trò “chuồn chuồn cắn rốn” nữa.
Ao làng không còn là hồn cốt của làng quê Việt
Khi ao làng không còn được sử dụng, không còn được bảo vệ thì mọi yếu tố bất lợi cứ mặc sức hủy hoại cái gọi là hồn cốt của làng quê. Yếu tố minh đường của cấu trúc làng xã bị triệt tiêu, những cái ao làng nằm lại vô hồn, từ lâu đã không còn sự sống. Nỗi trăn trở của người sống xa quê giờ chỉ còn biết nương bóng vào những câu ca dao, những vần thơ cứ ám ảnh và đeo bám mãi: “Ao quê thành miền cổ tích, cô Tấm rơi hài nay đâu”…
Ao làng trong tiễc nuối tuổi thơ
Nhớ năm nào, bà và mẹ chúng ta từng vỗ về trẻ nhỏ nằm nôi bằng lời ru tha thiết: “Ao làng trăng tắm mây bơi/ Nước trong như nước mắt người tôi yêu”. Bây giờ, câu ca ấy đã lặn vào một vùng kí ức xa xôi. Hình như chỉ còn nước mắt người xa quê là vẫn còn trong veo tiếc nuối.
huc.edu (Theo huc.edu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.