Bóng đá - ngành kinh doanh... không giống ai

Thứ sáu, ngày 02/05/2014 09:03 AM (GMT+7)
Bóng đá là một ngành kinh doanh, như người ta vẫn hay nói. Nhưng đấy là một ngành kinh doanh... tồi.
Bình luận 0
Cổ phiếu M.U tăng giá mạnh sau quyết định sa thải HLV David Moyes. (Nguồn: foxsoccer.com)
Cổ phiếu M.U tăng giá mạnh sau quyết định sa thải HLV David Moyes. (Nguồn: foxsoccer.com)

Trong cái “ngành nghề” kỳ lạ này, không có chuyện cá lớn nuốt cá bé, tức đội bóng lớn mua đứt và sáp nhập các đội bóng nhỏ để thâu tóm, độc chiếm thị trường. Đội bóng thua lỗ, nợ nần thì nhiều, nhưng tỷ lệ phá sản luôn cực thấp. Khoảng trăm năm nay chỉ có vài đội sập tiệm ở các nền bóng đá lớn. Kinh doanh thật sự đâu phải như vậy.

Mới đây, khi công bố việc sa thải huấn luyện viên (HLV) David Moyes, đội bóng M.U của gia đình Glazer (người Mỹ) đã chọn thời điểm như thế nào? Tin tức đồng loạt xuất hiện trên khắp các báo mạng 15 phút trước khi thị trường chứng khoán New York mở cửa. Cuối phiên giao dịch, cổ phiếu M.U tăng 6%.

Giá cổ phiếu tăng vì M.U sẽ thành công hơn, hình ảnh sẽ sáng sủa hơn sau khi gạt phắt một HLV kém cỏi như Moyes? Đấy dĩ nhiên chỉ là phỏng đoán. Cũng chẳng biết tỷ lệ am tường chuyên môn bóng đá châu Âu ở thị trường chứng khoán New York là như thế nào. Trên thực tế, Moyes đã khiến M.U mất suất dự Champions League mùa tới – coi như mất một nguồn thu ước tính khoảng 20 triệu euro. Và ông bị sa thải vì M.U không thể đối diện nguy cơ làm khán giả Champions League trong hai mùa bóng liên tiếp. Các nhà tài trợ cũng sẽ quay lưng với một đội bóng không được dự Champions League trong hai mùa bóng.

Những nhận định như thế hẳn nhiên là hợp logic. Tóm lại, M.U sa thải Moyes vì vấn đề chuyên môn thì ít, mà vì nguy cơ thiệt hại kinh tế quá cao. Nhưng, đâu là cơ sở cho việc giá cổ phiếu tăng 6%? Moyes ra đi thì lợi nhuận của đội bóng sẽ cao hơn?

Cũng cần lưu ý: khi một đội bóng khổng lồ sa sút đến mức độ không thể tưởng tượng, như M.U mùa này, thì dứt khoát nguyên nhân không thể chỉ thuộc về HLV trưởng. Có hẳn một thế hệ cầu thủ đã già nua nhưng vẫn chia nhau giữ các vị trí quan trọng trong đội hình chính. M.U bước lùi trong khi các đội mạnh xung quanh như Liverpool, Arsenal, Chelsea, Manchester City đều trở nên mạnh hơn so với chính họ. Bây giờ, cứ cho là M.U sẽ kiếm được HLV giỏi hơn Moyes, thì các bất lợi khách quan vừa nêu cũng vẫn tồn tại. Và không có gì bảo đảm đội bóng sẽ lại lập tức thành công như trước khi Moyes xuất hiện.

Bản hợp đồng sáu năm của Moyes kết thúc chỉ sau mười tháng. M.U sẽ phải đền bù bao nhiêu cho quyết định sa thải này? Lương mới và hợp đồng với HLV mới sẽ là bao nhiêu? Và khi HLV mới xuất hiện, ông ta sẽ phải có một kế hoạch riêng, đồng nghĩa với việc tuyển mộ hàng loạt cầu thủ mới sao cho phù hợp với kế hoạch ấy? M.U lại phải chi bao nhiêu nữa trong mùa hè sắp tới? Chúng ta chưa biết con số cụ thể, nhưng chắc chắn đội bóng sẽ phải chi rất nhiều tiền, như những việc không thể không làm. Chi rất nhiều, nhưng cái được thì lại mông lung, mơ hồ. Biết đâu, đuổi Moyes chỉ để rước thêm một Moyes nữa, tại sao không?

Nhưng trước mắt, giá cổ phiếu vẫn tăng. Và đấy chính là cái sự kỳ lạ của “ngành kinh doanh” bóng đá.
Quỳnh Nga (Thế giới Tiếp Thị) (Quỳnh Nga (Thế giới Tiếp Thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem