Không tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi sốt

Thứ tư, ngày 06/11/2013 13:53 PM (GMT+7)
Sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là khi con bị sốt thì cho rằng con bị viêm họng, viêm phế quản, tự ý đi mua thuốc giảm sốt, thuốc kháng sinh về cho con uống.
Bình luận 0
Trong xã tôi đang có nhiều người bị sốt xuất huyết (SXH). Con gái tôi 7 tuổi, thường xuyên bị sốt do viêm họng, viêm mũi. Trước đây, tôi thường mua thuốc kháng sinh về cho con uống theo đơn thuốc cũ của bác sĩ. Nhưng giờ tôi sợ con tôi có thể bị SXH mà uống thuốc chống viêm họng thì không đúng. Làm thế nào để biết con tôi bị SXH? Nếu cháu bị SXH thì cần chăm sóc như thế nào?

Đinh Thị Hồng (Phú Thọ)

Sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là khi con bị sốt thì cho rằng con bị viêm họng, viêm phế quản, tự ý đi mua thuốc giảm sốt, thuốc kháng sinh về cho con uống. Nếu không thấy con đỡ sốt lại thay đổi thuốc hoặc tăng liều. Đến khi con bị phát ban đầy người, chảy máu cam mới nghi ngờ con bị SXH và đưa con đến các cơ sở y tế để khám.

Bệnh SHX thường biểu hiện bằng việc sốt cao đột ngột tới 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi. Bệnh có thể nặng hơn với các vết xuất huyết ngoài da một số vùng chân, tay hoặc toàn thân. Nếu xuất huyết trong, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất hiện các vết bầm lớn ở chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài ra máu (phân đen), chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng hoặc giảm sốt nhưng lờ đờ nôn ói.

Do đó, nếu trong vùng chị ở có người bị SXH thì khi con hoặc bất cứ thành viên nào trong gia đình bị sốt, chị nên nghĩ ngay đến việc bị SXH. Chị nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán. Hiện tuyến xã cũng đã có những công cụ để kiểm tra nhanh xem con chị bị sốt do SXH hay không để loại trừ và chẩn đoán sang các bệnh khác.

Nếu bệnh nhẹ, chị có thể chăm sóc con tại nhà, cho uống nhiều nước, uống dung dịch oresol, nước trái cây. Cho ăn thức ăn nhẹ như cháo, canh rau, sữa. Hạ sốt với Paracetamol, lau mát khi sốt cao. Làm mát cho trẻ bằng cách lau nước ấm ở các kẽ nách, háng. Không nên dùng nước lạnh lau vùng bụng, ngực vì dễ gây lạnh đột ngột, dễ viêm phổi.

Không dùng Aspirin để hạ sốt. Theo dõi nếu có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói và đi ngoài ra máu) cần đưa đến bệnh viện ngay.



Ông Trần Như Dương- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem