Tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ đang là một “nghề” hút số lượng lớn lao động trẻ. Đơn giản, chỉ cần có phương tiện và chiếc smartphone bạn sẽ trở thành tài xế công nghệ. Vậy, sự thật thu nhập công việc này như thế nào và có gì “hấp dẫn” nhiều người đến vậy?

img

Đó là ý nghĩ của nhiều người khi nghĩ về nghề lái xe công nghệ. Và sự thật thì cũng đúng với không ít những người trong cuộc.

Có 6/10 lái xe chúng tôi khảo sát trả lời rằng: “Ờ thì không biết làm gì nên sắm xe chạy kiếm tiền thôi”.

Và có không ít những cử nhân, thậm chí thạc sỹ chuyển sang chạy xe công nghệ chuyên nghiệp vì… không xin được việc.

Với nhiều người, mặc dù đây là lựa chọn “cực chẳng đã” nhưng cũng đem lại nhiều cứu cánh cho họ.

Anh Phạm Đình Nam (24 tuổi, quê Bình Định- đối tác tài xế của một hãng xe công nghệ) chia sẻ: Trước đây, cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, anh từng ấp ủ mộng khởi nghiệp để đổi đời nhưng thật không may kế hoạch kinh doanh đầu tay đổ bể. Chàng trai trẻ quê Bình Định tay trắng gánh trên vai khoản nợ mấy trăm triệu đồng.

“Để kiếm tiền trả nợ và mưu sinh, đầu năm 2019, tôi khăn gói vào TP. HCM tìm kiếm cơ hội đổi đời.” – anh Nam chia sẻ.

Trong một lần đi xin việc nhưng bị từ chối thẳng thừng, trong lúc tuyệt vọng nhất, anh tài xế công nghệ chở Nam đi xin việc thấy thương cho hoàn cảnh đã động viên Nam thử sức với nghề này.

img

Nam chính thức “đầu quân” cho một hãng xe công nghệ vào tháng 5/2019. Thời gian đầu, Nam còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn do chưa quen đường, thao tác lúng túng. Nhưng quyết tâm không bỏ cuộc, Nam đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và củng cố thu nhập. Chàng trai trẻ đặt mục tiêu ngày nào chưa kiếm đủ 1 triệu đồng thì chưa nghỉ. Một tháng Nam đi làm đủ 30 ngày, không nghỉ ngày nào.

Trên thực tế, xe công nghệ là mô hình kinh tế chia sẻ, bản chất là sử dụng xe nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập. Tại Việt Nam, với một số người, lái xe công nghệ trở thành một nghề chính và thậm chí là “cần câu cơm” của hàng ngàn lao động phổ thông, dân văn phòng và một lượng lớn các bạn sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập.

Nhiều lái xe công nghệ thừa nhận, công việc này nếu chăm chỉ sẽ mang lại thu nhập tốt, chủ động thời gian, cân bằng giữa công việc và gia đình cho nhiều người.

img

Anh Trung là dân văn phòng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Sau một lần nghe anh hàng xóm chia sẻ chạy xe công nghệ “kiếm nhiều tiền lại thoải mái thời gian, thích đi hay thích nghỉ lúc nào cũng được”, anh Trung quyết định dành số tiền tiết kiệm và vay mượn thêm người thân tậu ô tô chạy.

Lúc đầu nghĩ làm lái xe công nghệ sẽ rất thoải mái, nhưng thực tế không như mơ.

“Nói chung cực lắm, nếu mới lái chưa có nhiều kinh nghiệm thì thấy chẳng ăn thua gì chị ạ, chỉ mong đút túi 15 triệu là tốt rồi”, vị tài xế chia sẻ.

img

Anh Nguyễn Thành Trung, một lái xe công nghệ khác chia sẻ: “Tổng thu nhập lên đến 30-35 triệu đồng là có nhưng phải chạy thật chăm chỉ. Và đó cũng là chưa trừ tiền chiết khấu cho hãng, chưa trừ khấu hao xe, nếu xe đi vay thì còn phải trả lãi vay nữa nên nói chung cuối cùng tiền bỏ túi cũng chẳng nhiều”.

Còn nhớ, trong một lần đi xe công nghệ, anh tài xế tên Phan Chính chia sẻ: “Tôi chạy hãng này phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia khá cao, tới 28,6%.

Chạy được 1 triệu, chúng tôi phải gửi lại hãng 300.000 đồng, sau đó trừ xăng xe, khấu hao thì chẳng còn được bao nhiêu. Tội nhất hôm nào bị cảnh sát giao thông phạt thì thôi, hôm đấy coi như công cốc. Ai chứ tôi chẳng bao giờ được 20 triệu đồng/tháng", vị tài xế này kể.

Cũng theo anh Chính, hãng này rất mạnh tay trong việc xử lý vi phạm đối với tài xế. Việc khóa (tạm thời hoặc vĩnh viễn) tài khoản đối với các lái xe là việc rất dễ xảy ra nếu “dính” vi phạm dù nhiều khi chuyện bực mình xảy ra xuất phát từ yếu tố khách hàng.

“Có hôm khách đặt chuyến, chờ mãi đến 20 phút mà chẳng thấy khách đâu, gọi thì chẳng nghe máy, huỷ thì không được. Cũng có khách đặt xe rồi mới đi đánh răng, rửa mặt rồi bắt tài xế đợi cả nửa tiếng. Trong khi mình đã cố gắng chạy giờ sớm (từ 5h - 7h sáng) để tránh tắc đường, gặp 1-2 khách như thế thì buổi sáng chạy được bao nhiêu đâu”, anh Chính than thở.

img

Đặc biệt, hãng xe công nghệ này không ngừng tăng tỷ lệ chiết khấu lên từng năm, từ 5% lên 15% rồi 20%, đến giờ là gần 28%. Số tiền chiết khấu trên mỗi chuyến xe hoàn thành ngày càng tăng trong khi chế độ thưởng cũng ít đi.

“Năm 2018, nếu mỗi ngày tôi hoàn thành 8 cuốc xe thì được thưởng 50.000 đồng; hoàn thành 15 cuốc thì được thưởng 120.000 đồng; hoàn thành 23 cuốc được thưởng 220.000 đồng. Bây giờ, muốn được thưởng 40.000 đồng thì phải hoàn thành ít nhất 14 cuốc xe. Khách thì ít, để nhận thưởng thì cũng bạc mặt ngoài đường”, anh Chính cho hay.

Chỉ vào điện thoại, anh Chính lấy ví dụ ngày hôm qua, anh thực hiện cuốc xe từ Cầu Diễn đến Quang Trung (Hà Đông – Hà Nội) với giá cước là 77.000 đồng nhưng hệ thống trừ đi 21.000 đồng. Do vậy, với quãng đường hơn 11km, anh chỉ mang về 56.000 đồng sau cả giờ đồng hồ di chuyển. Sau khi trừ xăng xe, điện thoại, số tiền không còn được là bao.

img

Ông Nguyễn Xuân Tuấn – Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu cho biết, không phủ nhận từ khi Grab, Uber, GoViet (nay là Gojek) vào Việt Nam, với cách làm mới áp dụng lợi thế của công nghệ 4.0, đã tiếp cận khách hàng nhanh chóng, chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút được một cộng đồng đông đảo khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, các hãng này đã thúc đẩy các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, ông Tuấn cho rằng nhiều thông điệp của một số hãng taxi công nghệ không hẳn như họ nói. Cụ thể như thông điệp “thu nhập của lái xe lên 35 triệu đồng/tháng” đã thu hút được một khối lượng lớn người lao động song thực tế lại không hẳn vậy.

img
img

Ở góc nhìn khác, chia sẻ với báo chí, PGS TS Trần Thành Nam Chủ Nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục cho rằng, hiện nay tất cả chúng ta đều sống trong nền kinh tế chia sẻ, trong đó công nghệ luôn là yếu tố then chốt và dẫn dắt. Do đó, có tỷ lệ khá cao các bạn trẻ đang trong quá trình học tập có thể tham gia một khía cạnh trong lao động và nghề nghiệp để tìm kiếm kinh phí giúp trang trải cho cuộc sống của mình. Đó là những mặt tích cực giúp các bạn có thể trang trải cho những khó khăn của cuộc sống.

Nhưng, cũng không thể không có những lo lắng khi thời gian đó nhiều bạn đáng lẽ phải dành thời gian cho việc học tập và nâng cao năng lực trình độ thì các bạn lại tập trung kiếm tiền.

Thực tế, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có thu nhập chính từ công việc này. Tuy nhiên, theo ông Nam, đôi khi nhu cầu ngắn hạn cần thỏa mãn để có năng lực phát triển lâu dài, để nuôi dưỡng việc đi học thì đó là việc hợp lý; nhưng không thể coi là nghề nghiệp lâu dài vì công việc này không giúp các bạn có thể thăng tiến trong xã hội và cũng không đóng góp được nhiều cho sự thay đổi của xã hội. Đặc biệt, khi bạn có tuổi sẽ có rất nhiều bạn trẻ khác thay thế công việc của bạn.

“Không nên đầu tư tất cả tương lai của mình vào những công việc ngắn hạn, song xe ôm công nghệ cũng là một nghề giúp cho không ít bạn trẻ khó khăn có thể trang trải cho cuộc sống của mình” – ông Nam nói.

 

Bài viết: Hồng Hương - Hồng Cảnh

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem