Ngày 21/6, nhiều người nói về nghề báo để giãi bày những điều người ta gắn bó nhất, tâm tư nhất, muốn nói ra nhất...
Còn tôi, trước khi đến với nghề báo, đã làm cả chục nghề khác nhau nên cũng xin kể về một số nghề đã làm.
Ấy là sau khi học hết lớp 10, Thầy tôi không muốn cho tôi theo nghề công an nên tôi tự ái, xách balo lên Tây Bắc với các anh, các chị đang công tác trên này.
Nghề tôi làm đầu tiên là nghề giặt tã và gánh nước ăn từ suối về đổ vào thùng phi (ngày ấy chưa có bỉm và chưa có nước máy). Tôi làm chăm chỉ nên được anh rể và chị gái rất quý.
Sau đó tôi lên Thuận Châu làm nghề xây dựng. Tôi nhận lời vào đây chỉ bởi cả cơ quan ngày ấy toàn người Hà Tây quê mình. Ở đây tôi được làm rất nhiều nghề, từ giúp việc giám đốc (trợ lí) tới thủ kho, xẻ gỗ, xây tường, đóng gạch, đãi cát trên suối Thuận, nổ mìn phá đá trong rừng hoang... Và tất nhiên là cả vào rừng chặt chuối về nuôi lợn, trồng ngô, trồng mía, đi săn thú, uống Nậm Áp Côn, buôn bạc trắng, đèn pin, bật lửa, dép tông Lào, áo thun Lào, vàng cốm Quỳnh Nhai...
Tóm lại là thượng vàng hạ cám, tôi mần tuốt dù ngày ấy chẳng có suy nghĩ là phải làm giàu. Nhờ thế nên tôi hiểu được cái cơ cực của cuộc đời khi quần áo phong phanh, bụng lép mà mùa Đông vẫn phải ngâm mình trong nước lạnh để đãi từng xẻng cát, gánh về đơn vị.
Nhờ thế mà tôi hiểu được bằng cách nào mà người ta có thể hạ được thân cây to cả 7-8 người ôm và dùng cưa tay xẻ nó ra từng miếng dù đường kính thân cây lớn hơn cả chiều dài của cái lưỡi cưa.
Nhờ thế mà tôi biết cách nhia răng cắn kíp mìn sao cho khớp chặt với dây cháy chậm trước khi châm mìn nổ cũng như cách đặt mìn sao cho an toàn và hiệu quả nhất.
Nhờ thế mà tôi biết chọn cây gì để làm cán búa tạ tốt nhất, biết cách tra cán búa tạ đập đá không cần nêm nhưng không bao giờ tuột.
Nhờ thế mà tôi biết cách bốc những hòn đá tảng nặng gần bằng cơ thể mình để đưa lên thùng xe ô tô ngay cả khi bụng chả còn hạt cơm nào...
Rồi tôi chuyển ngành, rồi nhập ngũ, rồi ra quân... tôi cũng làm thêm bao nghề khác: Bảo vệ, thu mua trâu, bò, gà, lợn, ba ba, thóc lúa, đậu đỗ, nấu rượu nuôi lợn, làm tiểu luận thuê khi sinh viên học các trường "quá bận", chạy xe ôm, phụ xe khách, xay bột làm bánh đa, mì phở...
Cũng nhờ thế mà tôi biết cách chằng 1 con lợn lên xe máy chở đường dài mà nó không chết. Cách làm ba ba tăng trọng đột xuất, cách làm bánh đa ngon, cách nấu rượu lãi cao, cách mời chào hay từ chối khách đi xe ôm, cách làm cán bộ, làm chỉ huy, cách rút súng ngắn ra và có thể bóp cò nhanh nhất, cách tính toán hậu cần cho cả trăm, cả ngàn người trong 1 bữa ăn hay cả một chiến dịch. Tôi bắt đầu viết văn ở thời điểm này...
Đặc biệt, khi tôi tròn 20 tuổi (tháng 4/1987) tôi còn học được cách làm điều tra. Ngày ấy trung tá Lừ Xiểng, trưởng phòng điều tra Công an tỉnh Sơn la mất cái áo bay gỗ mang từ Liên Xô về. Ông tiếc lắm nhưng tìm mãi không ra. Tôi cùng mấy bạn đã lần ra và mang áo về cho ông. Ông nhìn thấy áo và nhận ngay ra áo của mình bởi "trong cổ áo kia tôi có giấu 1 mảnh vải đỏ và tự tay khâu nó lại".
Sau nhiều ngày vật vã mưu sinh thì tôi cũng đi học báo. Rồi tôi đi làm báo. Thế thôi. Nhưng tôi trân trọng những tháng ngày trước đó, bởi chúng làm tôi đầy hơn, quan tâm hơn, làm trang viết của tôi sâu sắc, nặng lòng hơn.
Vậy, ngày của nghề báo thì tôi muốn nói với các bạn điều gì? Chỉ có đôi điều muốn nói:
Làm nghề gì cũng phải yêu nghề, đừng bạc với nghề thì nghề không phụ ta đâu. Tôi từng chở những cô gái điếm, những con nghiện đi kiếm ăn khi tôi chạy xe ôm nhưng hầu hết họ đều tử tế. Còn với nghề báo, nói đừng bạc với nghề là một cách nhưng cũng có thể nói là đừng bạc với cái bút danh mà bạn đang đứng tên dưới mỗi bài viết, với tờ báo mà bạn đang sống.
Nói thì lớn lao như vậy nhưng thực ra nó đơn giản thôi, nó thể hiện trong mỗi bước hành nghề, từ chọn đề tài, thu thập thông tin, sáng tạo tác phẩm… Rồi khi bài báo được xuất bản, hơn ai hết, chính chúng tôi phải là người mang tác phẩm đến với bạn đọc.
Việc mang tác phẩm đến với bạn đọc ở thời đại 4.0 này là đặc biệt quan trọng. Báo giấy đang ở thời kì tạm lắng, dành chỗ cho báo điện tử. Trong cuộc sống tất bật hôm nay, bạn đọc ít có thời gian để tìm kiếm thông tin, thay vào đó, người viết phải mang thông tin đến gần bạn đọc hơn, thậm chí là mời bạn đọc đọc thông tin mà mình cần chuyển tải. Nếu không có độc giả thì bài báo chỉ giống như một bài viết trong sổ tay của bạn mà thôi. Ở công đoạn này, với một số người làm báo đang bị chểnh mảng, coi thường nhưng nó là công đoạn sống còn của báo chí thời 4.0. Mỗi một "view" nhỏ bé kia, chính là danh dự, là tên tuổi, là bát cơm của bạn, là ý nghĩa xã hội của bài báo, của tờ báo. Quay lưng lại với view là bạn đang bạc với nghề, bạc với bát cơm của bạn và bạc cả với xã hội.
Nhà báo chân chính không đến với nghề báo vì nghĩ nó nhàn, nó oai, nó sạch sẽ... Nghề báo cũng như nhiều nghề khác, có đặc thù riêng của mình. Nhìn bề ngoài thì thanh lịch, cao sang, nhàn hạ nhưng bên trong nó là sự dồn đập, xô đẩy và lắng đọng bất kể đêm hôm, lễ tết. Đừng bao giờ than nghề báo vất vả khi phải trắng đêm để thực hiện một bài hay phải bỏ một bữa nhậu vui, một cuộc hẹn hò…
Trong nghề cũng có lúc có một vài nỗi buồn riêng khiến nhà báo đau xót, tự ti. Song những cái chưa được, những cái khiếm khuyết thì ở đâu chả có, ở đâu chả mắc phải, riêng gì nghề báo của mình, tờ báo của mình. Hãy tự tin và mạnh mẽ bước tiếp lên. Quan trọng nhất là biết mình đang làm gì và mục đích chung là vì sự tiến bộ của cả xã hội.
Nghề báo hơn nhau ở vốn sống, ở sự tích lũy. Thời đại 4.0 này cho phép nhà báo tự học trên mạng những kiến thức từ làm nông nghiệp tới khoa học kĩ thuật công nghệ cao. Đừng bao giờ viết về nông nghiệp khi không phân biệt được đâu là vụ mùa, đâu là vụ chiêm xuân; đừng viết về văn hoá dân tộc khi không phân biệt được đâu là trang phục người Mông hay người Thái; Đừng viết về các vụ án khi không biết đâu là nghi phạm, đâu là tội phạm… Nhưng nhà báo không phải chỉ ngồi tra Google. Khi đến với cơ sở, lội xuống ruộng bùn lầy, ngồi cùng dân bên bếp lửa vừa nướng ngô, vừa trò chuyện hay nằm qua đêm lại với bà con, dân bản, nhà báo có cái nhìn sâu và nhiều chiều. Có thể nói, với nghề báo, tri thức nằm trên hành trình, đề tài nằm trong sự quan sát và hứng khởi. Đó là cách để nhà báo hơn trí tuệ nhân tạo (AI) viết báo. Không tự rèn luyện mình, ngay cả nhà báo cũng sẽ bị đào thải bởi máy móc.
Nhân ngày kỉ niệm nghề, tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều nhà báo chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn của mình tới cách anh, chị, các bạn đồng nghiệp, các quan chức, chính khách, các doanh nghiệp, doanh nhân, người dân, bạn đọc đã chỉ bảo, dạy dỗ, giúp đỡ, nâng bước chúng tôi trong hành trình sống và làm việc của mình.
Những giúp đỡ ấy lớn lắm và không thể kể hết!
Có 4 câu thơ của nhà thơ Huy Cận mà tôi cho là hay nhất khi khái quát về dân tộc Việt Nam, và tôi thấy muốn "giành" nó cho nghề của mình hôm nay, bởi đó là khát vọng nghề của chúng tôi:
"Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa"...