Sau bao nhiêu năm tồn tại lúc lặng yên khi sôi động, vừa rồi chính quyền Hà Nội đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của dãy phố cà phê nổi tiếng này với thái độ khá cương quyết và dứt khoát. Cộng đồng trên mạng và truyền thông ngoài xã hội lập tức nổi sóng theo với những quan điểm cách nhìn khác nhau, với những lý lẽ riêng dường như ai cũng cho cách nhìn nhận của mình là có lý.
Chung quy lại có hai quan điểm:
Thượng tôn pháp luật: bảo đảm khoảng cách an toàn giao thông đường bộ và tính mạng con người.
Vì lợi ich kinh tế, cái cần câu khách du lịch hiếu kỳ, có thể linh hoạt "điều chỉnh" luật, cho cà phê đường tàu tồn tại".
Về bản chất hành lang này là khoảng cách bảo đảm cho sự an toàn giao thông đường sắt chứ không phải không gian dành cho giao thông hay các hoạt động công cộng khác cũng như nơi sinh hoạt của các hộ gia đình. Việc kinh doanh ở đây lại càng không phải phép.
Không biết nó bắt đầu thế nào, có thể cũng nẩy sinh tự nhiên như một sinh vật sống, bắt đầu là có hạt rơi trong đất, nẩy mầm, thành cây và phát triển lan rộng. Nhà chật một ông nào đó kê cái bàn ra ngồi uống cà phê, trà thuốc hóng mát, ông hàng xóm kê theo hóng chuyện. Một bà làm cái tủ bánh rán kèm mấy thứ lặt vặt kiểu hàng xén, rồi cái "tư duy thương mại" đồng loạt nẩy sinh, lớn dần hình thành ra cái hành lang cà phê đặc biệt đó. Đến cao tốc còn có tủ nước ven đường huống chi mảnh đất đô thị đầy mầu mỡ này
Khung cảnh với góc nhìn khác lạ, tạo cảm giác khác lạ và thu hút, theo thời gian, những thói quen lan toả, lôi cuốn biến thành món "đặc sản thị giác" vừa thân thuộc gần gũi, vừa phấn khích mạnh mẽ khi nhìn đoàn tầu sầm sập chạy đến ngay bên cạnh mình.
Qua thời gian, nó được coi như một giá trị cũ với đặc điểm như một thứ "đặc sản" cần lưu giữ. Sự duy trì nó mang lại lợi ích kinh tế và thu hút, hấp dẫn khách du lịch, và cộng đồng cư dân. Và bây giờ mặc định người ta coi nó là một giá trị đặc trưng riêng, mang lại lợi ích kinh tế và thoả mãn thú vui cảm giác của du khách và giới trẻ.
Nẩy sinh, phát triển gắn chặt với sinh hoạt đời sống, giờ dẫy hành lang ấy tồn tại có vẻ giống như một "sinh thể có sự sống", có lụi tàn rồi lại tái sinh. Biện pháp hành chính khó bề giải quyết triệt đề, lâu dài nếu không có cái giải pháp khác từ việc thay đổi nhận thức chứ không phải chỉ bằng mấy anh dân phòng và gác chắn.
Nghĩ cho cùng dù có hay không dãy cà phê ấy, một khi vẫn tồn tại nhà ở và sinh hoạt đời sống sát sạt đường tầu thì không có sự bảo đảm an toàn nào cho cả cư dân và con tầu. Chỉ một sơ sẩy nhỏ của bà nội trợ ngồi rửa rau vo gạo hay cháu bé chạy chơi cũng có thể thành thảm hoạ.
An toàn tuyệt đối chỉ có được khi "có cái này không có cái kia", mà đường tầu thì không thể nhường nhịn và cư dân cũng gan lỳ không kém, cuộc chiến ai thắng ai sẽ không có hồi kết và dù cộng đồng có cùng "mổ bò" trên mạng, chính quyền thỉnh thoảng ra oai rồi mấy anh dân phòng cũng có lúc hai bàn chân mỏi, nắng nôi rét mướt buộc dời vị trí thì cái "sự sống" tiềm ẩn kia đến mùa xuân lại đâm chồi nẩy lộc. Cứ vậy cái "cây đời mãi xanh tươi" kia vẫn lại xanh trên ban công, nơi vệ đường cùng đoàn tầu hoả sầm sập chạy qua.
Nhưng dù thế nào thì câu hỏi "an toàn hay là chết?" không thể bỏ qua. Không thể gì cũng tuỳ tiện mãi, mối lo thảm hoạ, điều chưa xảy ra không có nghĩa sẽ không bao giờ xảy ra!
Hãy bắt đầu từ nhận thức và ý thức con người.
Hà Nội ta có nhiều thói quen cũ, hình ảnh xưa thô sơ mà rất đẹp, đầy sức hấp dẫn. Quán nước chè dưới mái hiên, bên gốc sấu, dù buổi tối mùa hè hay đêm đông gió rét ngọn đèn dầu vẫn leo lét trong ánh nhập nhoạng của đêm. Những công nhân làm đêm, khách qua đường dừng chân rít hơi thuốc lào sảng khoái, nhấp ngụm chè xanh hay nhấm thanh kẹo lạc. Bên ngọn đèn dầu vỉ than đỏ rực và những bắp ngô xem xém đen thơm nức nở. Nếu sau này phục hồi được hàng phở gánh, xe lục tào xá, tào phớ chí mà phù di động, hay những quán rượu đêm hấp dẫn, những thứ đó khó làm thực khách cả ta tây thờ ơ được.
Khung cảnh lạ mắt ư? Chỉ cần một dẫy các anh thợ khoá với cái thùng gỗ nhỏ trước mặt trong đồng phục vét tầu, mũ cối run run rung đùi đợi khách trên đường Nguyễn Thái Học trong chiều đông sương giá cũng đủ tạo hình như một kiểu sắp đặt người vô cùng độc đáo với khách tây.
Rất nhiều thú vui, hình ảnh cũ có thể khai thác, tạo ra những thú vui, sự hấp dẫn mới mà an toàn sẽ có sức lôi cuốn hơn cái cũ đầy hiểm hoạ người ta sẽ lựa chọn. Khi đó cái "đường tầu cà phê" kia có lẽ cũng tự lui về trong căn nhà chật.
"Một lạ bằng tạ quen", lạ mà mới độ lạ tăng bội phần. Lâu nay, cái lạ mang lại niềm sung sướng, cũng mang lại cả bi kịch cho con người.
Nghĩ cho cùng sướng vì gì cũng dễ chết vì nó, nhưng dường như người ta như cũng dễ chọn cái sướng dù chết!
Nhưng thực ra vấn đề của đô thị không phải ở dẫy hành lang với mấy quán cà phê nhỏ nhoi kia, mà phải là vấn đề rất căn cốt, rộng lớn hơn sâu xa hơn, ấy là việc quy hoạch kiến tạo lại tổng thể không gian, chức năng nhà ga.
Theo thông tin đã được công bố, người ta có dự án lớn về ga Hà Nội, trong đó dự kiến chuyển ga đường sắt quốc gia ra xa trung tâm, nhà ga cũ quy hoạch lại thành ga đường sắt đô thị, tức là cho các tuyến đường sắt nội đô.
Nhưng đồng thời trong dự án đó quy hoạch lại thành một tổng thể có khu dân cư và các công trình dịch vụ thương mại, quy mô cao từ 40-70 tầng với dân số tăng thêm 10% so với dân hiện tại lên tới 44.000 dân.
Lý do đầu tiên di dời ga Đường sắt Quốc gia ra xa trung tâm được giải thích là giãn mật độ và lượng phương tiện giao thông nội đô tránh ùn tắc. Thoạt nghe đã thấy đầy mâu thuẫn, dàn cái này nhưng lại nén thêm cái khác khủng khiếp hơn vào cái miếng bánh ngon to khủng gần 100ha đấy.
Sau khi có thông tin đã có nhiều ý kiến phản biện, đặc biệt là việc phá vỡ chỉ tiêu quy hoạch đã ra trước đó và những hiểm hoạ tiềm tàng trong dự án nếu được thực hiện. Chả cần xem kỹ cũng thấy mùi của lợi ích nhóm, của sự chờ đợi nhấp nhỏm của những cá mập bất động sản đang rình rập.
Ngay chuyện dời ga Đường sắt Quốc gia cũng là một vấn đề cần mổ xẻ, cái dải đất chữ S gần 4000km dọc chiều dài đất nước trong tương lai không thể không có tuyến đường sắt xuyên suốt từ Mũi Cà Mau đến ải Mục Nam Quan. Đơn giản thử tưởng tượng cảnh hành khách phía Nam đi Lạng Sơn, Bằng Tường qua Trung Quốc đến Ngọc Hồi lễ mễ xách va li hành lý xuống ga tìm tuyến đường sắt nội đô đi Yên Viên lên tầu đi tiếp sẽ vất vả thế nào.
Quy mô đất theo dự án quy hoạch đường sắt nội đô là 98ha, với diện tích ấy nếu chỉ dành cho nhà ga và giao thông đường sắt thì quá đủ cho xây dựng một nhà ga hiện đại và vẫn có thể tồn tại dấu ấn nhà ga cũ với cả hai chức năng là ga đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị như ở nhiều nước. Một nhà ga như thế sẽ đầy đủ tiện ích của một ga trung tâm có sự kết nối giao thông công cộng và các khu vực dịch vụ thương mại không chỉ phục vụ khách đi và cả cư dân trong thành phố.
Tôi đã nhiều lần được đến "gare du Nord" ở Paris khi lên tầu từ "station St. Pancras" (cũng đồng thời là ga đường sắt đô thị) ở London. Từ đấy có thể kết nối với mạng lưới metro đi nhiều nơi trong Paris tuỳ chọn. Quy mô nhà ga này không lớn hơn quy mô 98ha ở Hà Nội.
Hãy để đất nhà ga chỉ dành cho nhà ga, đừng lợi dụng ăn theo bằng những lý lẽ đẹp đẽ chỉ để nguỵ trang.
Câu chuyện ga Hà Nội bàn thì rất dài, và sâu rộng, tôi chỉ muốn nói một điều trong các vấn đề đô thị, thì đầu tiên và quan trọng bạc nhất là sơ sở hạ tầng, môi trường đô thị trong đó gồm giao thông, điện, nước (cấp và thoát), môi trường, cảnh quan. Ngoài hạ tầng kỹ thuật còn "hạ tầng văn hoá", sự an toàn, an sinh xã hội cho cư dân.
Chất lượng sống trong một đô thị không phải ở bề nổi, những công trình mà là ở nền tảng hạ tầng, điều mà ở ta dường như người ta hay xây dựng ngược.
Cho nên câu chuyện "cà phê đường tầu" chỉ là chuyện nhỏ như câu chuyện trên bàn cà phê mỗi sáng.