Thiếu trường không phải vì thiếu đất

Lương Hoài Nam Thứ năm, ngày 01/09/2022 09:21 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp không được phép tự xây dựng trường học trên diện tích đất đã được quy hoạch là xây trường công trong dự án của mình. Thẩm quyền đó thuộc về chính quyền.
Bình luận 0

Chuyện phụ huynh phải bốc thăm lấy suất gửi con vào trường mầm non ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) làm nhiều người bức xúc, làm nóng các diễn đàn báo chí và mạng xã hội trong mấy ngày gần đây. Đây không phải trường hợp đầu tiên, mà ngược lại, thiếu trường mầm non, trường tiểu học ở các thành phố lớn nước ta là tình trạng khá phổ biến. Trách nhiệm thuộc về ai? Giải quyết tình trạng này như thế nào một cách căn cơ, triệt để?

Không ít người quy trách nhiệm cho các doanh nghiệp bất động sản, rằng họ xây nhà bán thu bộn tiền mà không xây trường, để dân khốn khổ vì thiếu trường. Thực ra không phải như thế.

Thiếu trường không phải vì thiếu đất - Ảnh 1.

Hàng trăm phụ huynh chờ đợi bốc thăm cho con vào trường mầm non Hoàng Liệt. Ảnh: Gia Khiêm

Ở khu đô thị chỗ tôi có một lô đất đẹp, hai mặt phố, rộng mấy trăm mét vuông được quy hoạch để xây trường mầm non. Lô đất đó bị bỏ hoang suốt từ khi khu đô thị được xây dựng vào đầu những năm 90. Người ta xây tạm ở đó một căn nhà cấp 4 làm chỗ đánh bóng bàn cho các cụ hưu trí, khi cần thì dẹp bàn bóng bàn lấy chỗ họp hành, trong khi dân thì cần trường mầm non. Gặp Chủ tịch quận, tôi hỏi sao  trường mầm mon chỗ khu tôi mãi chưa xây, để trẻ em thiếu nơi đi học, bà con bức xúc. Ông Chủ tịch quận nói chưa được cấp ngân sách xây trường, chưa được cấp biên chế giáo viên, xin mãi chưa được. Tôi nói, thế thì quận cho tôi thuê lô đất đó để tôi xây trường mầm non theo đúng quy hoạch, cho trẻ em có chỗ đi học, được không? Ông Chủ tịch quận nói, cho anh thuê đất thì tôi sẽ ăn cả núi đơn kiện, không được đâu! Mãi gần đây, một trường mầm non công lập mới được xây lên ở đó, sau gần 20 năm xây khu đô thị.

Thiếu trường không phải vì thiếu đất. Từng làm việc ở một doanh nghiệp bất động sản lớn, tôi biết đất giáo dục được quy hoạch ở các dự án bất động sản vẫn còn rất nhiều. Theo các quy định của pháp luật, dự án phát triển đô thị nào cũng phải quy hoạch đất giáo dục. Ví dụ, theo quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN 01:2008/BXD), tính cho 1.000 dân, phải có 50 chỗ mẫu giáo, 65 chỗ tiểu học, 55 chỗ trung học cơ sở, chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu 1 chỗ là 15m2. Không ai dám phê duyệt quy hoạch một dự án khu đô thị mà không có đất giáo dục vì trái luật một cách rõ ràng, không kiểu gì lấp liếm, che chắn được, nhất là khi bị khiếu kiện, khiếu nại.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng nêu ý kiến: "Cần phải thanh tra toàn bộ đất dành cho giáo dục tại các khu đô thị, làm rõ bao nhiêu đất dành cho giáo dục để hoang, bao nhiêu lô đất "lòng vòng" chuyển đổi mục đích sử dụng?". Đó là cách đặt vấn đề đúng. Theo hình dung của tôi, đất giáo dục bị bỏ hoang là phần lớn. Ở một số nơi có chuyện "lòng vòng chuyển đổi mục đích sử dụng", nhưng không nhiều vì việc này quá phức tạp và đầy rủi ro cho người ký quyết định.

Lý do đất giáo dục bị bỏ hoang chủ yếu là như với lô đất trường mầm non chỗ tôi: chưa được cấp kinh phí xây và chưa được duyệt biên chế giáo viên trường công. Có đất mà chưa có tiền xây và biên chế giáo viên thì cũng không có trường công. Mà cho tư nhân như tôi thuê đất xây trường tư cũng không ai dám quyết. Nhu cầu thuê đất giáo dục xây trường tư rất lớn, nhưng các cơ quan quản lý không hướng dẫn nổi nhà đầu tư lập hồ sơ xin xã hội hóa dự án trường học thế nào, cũng không ai dám ký duyệt giá cho thuê đất, vì theo luật, đất giáo dục được miễn tiền sử dụng đất.

Các doanh nghiệp bất động sản không có lỗi trong việc thiếu trường học. Tính chung cho cả một thành phố hay cả nước, dân số vẫn vậy, số trẻ em cần trường học vẫn vậy, không vì các dự án bất động sản mà dân số và trẻ em thay đổi. Không có dự án khu đô thị chỗ này thì dân sống ở những chỗ khác, không thiếu trường chỗ này thì thiếu trường ở những chỗ khác. Chính nhờ các dự án của các doanh nghiệp bất động sản mà quỹ đất giáo dục tăng lên đáng kể, với các khu đất sạch, có kết nối hạ tầng giao thông, điện, nước sẵn sàng cho việc xây trường. Vấn đề là làm thế nào để quỹ đất giáo dục đang có và sẽ có được sử dụng hiệu quả cho việc xây dựng các trường học mới. Nguyện vọng của đa số người dân đối với các cấp mầm non, tiểu học là trường công gần nhà, do vậy việc tăng ngân sách xây dựng trường công và tăng biên chế giáo viên tương ứng là cấp thiết. Nơi nào đất giáo dục bị bỏ hoang mà thiếu trường học cho trẻ em thì lãnh đạo chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm. Nếu chính quyền nơi đó đã đề xuất xây trường rồi mà chính quyền cấp trên chưa phê duyệt thì chính quyền cấp trên phải chịu trách nhiệm. Phải rõ ràng như thế mới được.

Ở những nơi không thiếu trường công, xã hội hóa một số khu đất giáo dục để phát triển trường tư cần được khuyến khích và tạo điều kiện. Các thủ tục pháp lý và chính sách về đất cần rõ ràng, chi tiết để các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư giáo dục dễ dàng thực hiện một cách minh bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem