Tự do kinh tế cho nông dân để tăng sức bật cho dân tộc

Hoàng Hải Vân Thứ ba, ngày 13/09/2022 13:53 PM (GMT+7)
“Người cày có ruộng”, tức là nông dân được toàn quyền định đoạt mảnh đất của mình. Khi đó tai ương mới không còn rình rập người nông dân nữa. Khi đó, nông dân mới thực sự được tự do, dân tộc mới có sức bật mạnh mẽ trên con đường thịnh vượng.
Bình luận 0

Sáng nay, 13/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022. Hội nghị đánh giá những đóng góp của nông dân, trong xoá đói giảm nghèo, trong làm giàu và cho sự phát triển của đất nước. Một lần nữa, đây là thành tựu sinh động "cởi trói" cho nông dân của công cuộc Đổi Mới. Nó cũng cho thấy, khi nông dân được tự do kinh tế thì sức sáng tạo được phát huy như thế nào.

Công cuộc Đổi mới được khởi xướng từ năm 1986 đang mang lại những thành tự ngoạn mục trong xoá đói giảm nghèo và làm hồi sinh đất nước. Nhưng công cuộc Đổi Mới bắt nguồn từ rất lâu trước đó, khi ông Kim Ngọc bắt đầu cho khoán chui, làm tiền đề cho Chỉ thị 100, rồi đến khoán 10, rồi giao đất lại cho nông dân sản xuất.  

Cho nên, tự do kinh tế là nền tảng của Đổi Mới. Mà tự do kinh tế bắt đầu từ tự do kinh tế cho nông dân. Các nhà lãnh đạo tiền nhiệm từng được nông dân nuôi nấng che chở, nên đã nhanh chóng thoát khỏi giáo điều để đưa đất nước theo con đường đúng đắn.

Ông Kim Ngọc khoán chui bị lên án gay gắt, nhưng nếu không được Tổng Bí thư Lê Duẩn bảo vệ thì ông đã nhanh chóng phá sản mọi động lực và kế hoạch khoán hộ.

Cái cơ chế hồi khoán chui thật là kinh khủng, nó đè bẹp tất cả sự sống. Đến sau năm 1975, ông Mười Thơ (Nguyễn Thành Thơ, trong chiến tranh từng làm Bí thư Khu uỷ miền Tây Nam bộ) được giao phụ trách Ban Trù bị thành lập Hội nông dân tập thể, nhưng trù bị 10 năm mà Hội vẫn không ra đời được. Là vì người cầm trịch là ông Mười Thơ, người bị cơ chế kia quy kết “theo đuôi nông dân”. 

Ông từng phản đối cải cách ruộng đất, không tán thành phong trào đưa nông dân vào tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Khi nông dân đòi giải tán tập đoàn sản xuất và hợp tác xã, ông bị cho “lên bờ xuống ruộng”. 

Tự do kinh tế cho nông dân để tăng sức bật cho dân tộc - Ảnh 2.

Nông dân Giàng A Sáu (Yên Bái) chăm sóc đồi quế. Khi nông dân được toàn quyền định đoạt mảnh đất của mình, họ mới thực sự được tự do và có sức bật mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Hữu.

Cho đến khi ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, đã nói với ông: "Anh thương dân, thương nước, anh phải đi cởi trói nông dân". Khi ấy Hội Nông dân mới ra đời và ông được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực.

Khi làm báo Nông thôn Ngày nay, tôi đã lục lại những tờ Nông dân mới, đọc những lời tâm huyết bảo vệ và cởi trói cho nông dân của ông. 

Từ khoán chui, đến khoán hộ, đến giao lại đất và xác lập hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, là con đường tự do kinh tế cho nông dân. Đó là con đường kiên trì của những nhà lãnh đạo như ông Kim Ngọc, ông Mười Thơ, được những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước từng được nông dân nuôi nấng đùm bọc hậu thuẫn. 

Hồi chiến tranh, ở đô thị miền nam có một lời hát “Nuôi con khôn mai này giữ nước”. Lời hát đó nói về nông dân đấy. Từ ngàn đời nay phần lớn các chiến sĩ ra sa trường giữ nước đều sinh ra và lớn lên từ gốc rạ. Nhưng nông dân phải có đất mới có thể “nuôi con khôn mai này giữ nước”.  

Bởi thế mà trong chống Pháp, kháng chiến phải kiên trì khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Ở miền Nam sau 1954, những người đứng đầu chính quyền cũng phải nêu khẩu hiệu này. Không dựa vào nông dân thì không lực lượng chính trị nào có thể tồn tại.

Các nhà lãnh đạo khởi xướng công cuộc Đổi Mới rất hiểu điều này: Chỉ cần cởi trói, nông dân tự khắc no đủ, chẳng cần ai cho cái gì. Thành tựu của công cuộc xoá đói giảm nghèo ngoạn mục mấy chục năm nay chứng minh điều đó. Nông dân chỉ cần được tự do định đoạt mảnh đất của mình, sản xuất giỏi cũng từ đó mà ra, không cần gì hết.

Hiện nay nông dân ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tai ương vẫn đang rình rập. Tai ương do thiên nhiên thì người nông dân có thể tự thích nghi, như bao đời nay họ vẫn tự thích nghi. Còn tai ương do con người gây ra thì họ không đủ sức chống chọi. 

Được giao đất, nhưng không có toàn quyền định đoạt mảnh đất của mình, đó là tai ương. Trong nhiều trường hợp, chính quyền địa phương vẫn có thể thu hồi đất của nông dân, thu hồi để phục vụ cho an ninh quốc phòng thì không có gì đáng nói, nhưng thu hồi để giao cho các doanh nghiệp đại gia làm dự án với giá đền bù rẻ mạt, đó là tai ương. Hơn 80% tổng số khiếu kiện trong nước là khiếu kiện liên quan đến đất đai, các nhà lãnh đạo đất nước cũng thừa nhận điều đó. 

Một doanh nghiệp bình thường như ông Trịnh Văn Quyết, dưới sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương, chỉ trong một thời gian ngắn đã thâu tóm hàng vạn hecta đất đai của nông dân, nông dân kêu không thấu, cho đến khi ông này bị bắt, nông dân vẫn kêu chưa thấu nếu Luật Đất đai chưa sửa đổi bằng cách bỏ điều khoản chính quyền thu hồi đất của nông dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế.

“Người cày có ruộng”, tức là nông dân được toàn quyền định đoạt mảnh đất của mình. Khi đó tai ương mới không còn rình rập người nông dân nữa. Khi đó, nông dân mới thực sự được tự do, dân tộc mới có sức bật mạnh mẽ trên con đường thịnh vượng.

Ngày trước chỉ mới khoán sản phẩm thôi đã tạo một sức bật mãnh liệt, nay nếu tự định đoạt được mảnh đất của mình thì sức bật sẽ mãnh liệt nhường nào!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem