Trong một ngày gió rét các đây 8 năm, tôi đi từ Paris ra ngoại ô thành phố, khá xa, để đến nhà một bác Việt kiều già. Bác khi ấy đã gần 100 tuổi, hoàn toàn tỉnh táo minh mẫn nhưng chỉ còn ngồi một chỗ. Bác và vợ bác nghe tôi là phóng viên từ Việt Nam sang thì mừng lắm.
Cả buổi chiều hôm ấy họ lôi hết ảnh gia đình từ những năm 20, 30 đầu thế kỷ trước ra cho tôi xem. Từ giấy khai sinh khi bác đi lính thợ cho Pháp, đến bằng công nhân kỹ thuật mà bác có được sau này, rồi đến những giấy công nhận rằng bác đã là đốc công nhà máy cho Renault. Bác khoe chỉ để nói với tôi rằng "tôi gặp Bác Hồ năm 46 ở Biaritz, Bác bảo tôi nên cố học để không bị coi thường, thế là tôi cố học".
Con trai bác Phúc Kỳ - tên của ông già ấy ngồi lặng lẽ theo dõi chúng tôi trò chuyện, không góp câu nào, nhưng khi tôi hỏi bác về những bức ảnh của phong trào Việt kiều, thì anh kể cho tôi tường tận. Ảnh này là mẹ anh làm bánh để bán trong các chợ phiên cuối tuần để có tiền đóng góp cho phong trào, ảnh này là bố anh cùng các bác trong hội Việt kiều, ảnh kia là anh em anh tham gia làm đồ ăn giúp bố mẹ...
Buổi chiều ấy là một ký ức rất khó quên với tôi, nhất là khi chỉ vài năm sau khi tôi chưa tiếp tục làm được những cuộc phỏng vấn sâu hơn với bác, thì bác Phúc Kỳ mất.
Người như ông cụ gần 100 tuổi mà minh mẫn và nói sang sảng về những năm tháng hoạt động cho phong trào Việt kiều phản đối chiến tranh tại Việt Nam thì nhiều, và chưa lần nào gặp họ mà trong lòng tôi không khởi lên xúc cảm vừa yêu quí, vừa trân trọng vừa thân ái như đã biết nhau lâu lắm rồi.
Giờ này, một ông cụ khác cũng đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời - với tôi là một cuộc đời đáng trân trọng. Sang Pháp để du học từ sớm, ông Lâm Bá Châu tham gia phong trào hoạt động phản chiến tại Việt Nam từ đầu những năm 60. Phong trào hoạt động hồi ấy còn bí mật, bị cảnh sát Pháp cấm.
Việt Nam của cờ đỏ sao vàng những ngày tháng ấy khác với Việt Nam cờ đỏ sao vàng của những ngày sau này, khi diễn ra Hiệp định Paris, quan hệ Việt Pháp cũng khác. Ông Lâm Bá Châu bảo tôi quyết định tham gia phong trào phản chiến ở Việt Nam là một quyết định khiến ông nghĩ rất mông lung.
Vốn là người miền Nam, khi đứng về phía miền Bắc để chống lại đế quốc Mỹ, nghĩa là ông đã tự khoá lại con đường về thăm quê hương miền Nam của mình. Suốt gần 20 năm trời ông không được về Việt Nam. Tham gia lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước, hội họp phản chiến khiến ông gặp không ít rắc rối. Có lúc bị theo dõi, bị những người "phía bên kia" làm phiền đến phải chuyển nhà và chỉ cho đến khi quê hương được hoà bình, thì ông mới về và khi đó thì cha già đã mất.
Tết này, một cụ bà khác mà tôi luôn thân thương gọi là cô Ký, bà Therese Phan - một bác sĩ về hưu, từ Sài Gòn đến Pháp đầu thập niên 50 và suốt cả cuộc đời dành nhiều thời gian cho phong trào Việt kiều hơn cả thời gian để chơi với các con của mình đã nhắc tôi rằng, nếu con làm được gì, hỏi được gì, lưu lại được gì về các bác thì làm sớm đi, kẻo họ sắp đi hết, và mang hết một quãng đời tha thiết của họ với quê hương của họ đi theo.
Vâng, quãng đời tha thiết với quê hương.
Điều này, nếu nghe nói ở ngày hôm nay thì có thể giống như một sự cường điệu, nhưng ở những năm tháng trước thì nó là một sự thật. Sự thật về xúc cảm trong lòng những người Việt Nam sống tại Pháp và xúc cảm ấy dẫn dắt cuộc đời của họ.
Nhiều người mà tôi đã gặp như bác Phúc Kỳ, như Lâm Bá Châu, như cô Ký, như bác Bổn, như Pascal, như ông Cấn Văn Kiệt… đều không thể quên về những ngày tháng mà đối với họ là một giai đoạn chi phối suốt cuộc đời. Giai đoạn của những năm chiến tranh ở Việt Nam và đặc biệt là giai đoạn 1968 – 1973, giai đoạn mà mỗi lần nhắc đến họ vừa tự hào, vừa ngậm ngùi "sao mà có cái hiệp định nào nó lại kéo dài đến thế hả trời" – theo cách mà bà Therese Phan nói.
Họ thở theo nhịp thở của tin nhà đưa sang, họ đau đáu theo dõi tin từ chiến trường Quảng Trị, tin B52 rải thảm… Người là kỹ sư thì tham gia công việc tổ chức, người làm bác sĩ thì tham gia chăm sóc sức khoẻ cho phái đoàn đàm phán, người là sinh viên thì tham gia công tác dân vận, soạn và đi rải báo Đoàn Kết, phát các tài liệu nói về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam trong các trường đại học của Pháp, lôi kéo sự ủng hộ của thanh viên và sinh viên Pháp đối với cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của Việt Nam, thúc đẩy cho cuộc ngoại giao nhân dân xung quanh hiệp định Paris được lớn mạnh.
Tại nước Pháp khi ấy có nhiều hội nhóm người Việt khác nhau, tạo nên cái gọi là liên hiệp hội Việt kiều tại Pháp. Ở Paris và các tỉnh phía Bắc tập hợp nhiều trí thức; ở phía Nam, đặc biệt là Marseille tập hợp nhiều Việt kiều vốn là lính thợ. Khác nhau về nguồn gốc xuất thân và thân phận khi ở Pháp, nhưng họ có cùng một mong muốn là hoà bình được lập lại trên quê hương Việt Nam và mong muốn ấy khiến họ cùng nhau, tạo nên một khối đoàn kết, ủng hộ phái đoàn đám phán.
Trong ký ức của nhiều người Việt Nam giai đoạn ấy, hình ảnh những bà mẹ Việt Nam mang theo con ra chợ cuối tuần để bán nem tự gói, lấy tiền làm chi phí hoạt động vẫn còn lưu giữ. Cũng như thế, nhiều người ở thế hệ thứ hai là con cái của các cô bác Việt kiều này vẫn nhớ như in những lúc theo bố mẹ xuống đường biểu tình hay đi đón đoàn đại biểu "bên nhà sang".
"Chúng tôi gọi bà là chị Hai" khi nói về nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; "Chị Hai ân cần lắm, chúng tôi rất gần gũi với chị"; "chúng tôi thương các anh lắm, 5 năm trời vất vả"... Khi nghe những lời này, tôi thấy như họ đang nói về người thân. Vâng, 5 năm trời chia sẻ cùng nhau những giờ phút cam go vì một lý tưởng hoà bình cho dân tộc - chắc đã tạo nên sự gắn bó và điều gì đó lớn hơn cả tình thân.
Tôi hay hỏi một câu hỏi chung cho những người già này, rằng họ có bao giờ băn khoăn, thậm chí áy náy về những tháng ngày ấy không khi mà nhiều người sau này chia sẻ với tôi rằng quả thật họ đã còn rất ít thời gian dành cho gia đình, con cái. Đi làm kiếm sống, hoạt động phong trào ủng hộ cho Hiệp định Paris, thậm chí có người phải tranh thủ đánh máy các tài liệu vào ban đêm để ngày hôm sau kịp đi phát, đã lấy của họ đi quỹ thời gian dành cho con cái...
Có người im lặng mất một lúc, rồi họ bảo tôi rằng, so với sự hy sinh của nhiều bà mẹ Việt Nam ở trong nước, mất đi không chỉ một giọt máu thì việc đôi lúc lơ là với con là cái giá vẫn có thể thông cảm được, và con cái họ sau này đều thông cảm được – cho sự tha thiết trong lòng của cha mẹ họ với hoà bình ở quê hương và vì nó mà họ được xếp xuống thứ yếu.
Trong những ngày này, nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris ở Pháp, tôi đã gặp những người ở thế hệ thứ hai, nghĩa là những đứa trẻ đã theo cha mẹ xuống đường, ra chợ, những đứa trẻ có cơ hội được cầm cờ reo vang trong ngày trọng đại của lịch sử Việt Nam 27/1/1973 ấy, lại đi tiếp cùng cha mẹ họ đến dự lễ kỷ niệm, hoặc đi thăm lại căn nhà mà "phái đoàn" đã lưu lại trong những ngày tháng ấy.
Đi cùng với họ đôi khi là cả những người Pháp đã từng xuống đường vào những năm tháng ấy, nay đã trở thành những người bạn chung thuỷ với Việt Nam, có lẽ đúng hơn là với nền hoà bình của Việt Nam.
Còn gì hạnh phúc hơn, được chứng kiến vẻ đẹp ấy, từ những người mà ta nghĩ họ cũng hoàn toàn có thể chỉ chăm lo cho đời sống hạnh phúc riêng tư, tận hưởng sự tiện nghi mà đời sống nước Pháp có thể mang đến cho họ, nhưng họ chọn điều khác, một điều thật đẹp đẽ. Vâng, thật đẹp đẽ.