Từ cổ chí kim, nhân tài luôn là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Nhân tài hiển nhiên luôn có trong nhân dân, chỉ có thời kỳ này so với thời kỳ khác ít hay nhiều. Tuy nhiên quan trọng chưa phải nằm ở số lượng nhân tài, mà nhân tài có được trọng dụng đúng cách để xây dựng và phát triển đất nước hay không.
Trong giới hạn một bài viết, tôi muốn đề cập đến sự liêm chính của lãnh đạo các cấp trong vấn đề trọng dụng nhân tài cho đất nước. Theo quan điểm của tôi, nhân tài (người tài) trong thời đại mới trước hết là người giỏi về chuyên môn nào đó xuất chúng, có năng lực làm việc tốt, có đóng góp nhiều cho cộng đồng và có tầm nhìn xa, bao quát và rộng mở, có lối sống phù hợp với pháp luật đương thời…
Vậy nhân tài trong khu vực công sẽ là người như thế nào? Phải chăng là người giỏi hơn hẳn trong một tập thể cơ quan về nhiều mặt, người có nhiều sáng kiến trong công việc hay là người biết tập hợp sức mạnh của tập thể và luôn sẵn sàng cống hiến cho đất nước, cho nhân dân? Quả là nhân tài hội tụ nhiều yếu tố tiêu biểu mà nhân dân, đất nước rất cần họ cho dù ở hoàn cảnh nào.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cho đất nước, vì theo Người, "cán bộ là cái gốc của mọi công việc... Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng đề cao phẩm chất "Liêm chính". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Liêm" là trong sạch, không tham lam; luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước và của nhân dân; không tham địa vị, tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình.
Vì vậy mà người cách mạng luôn quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa; chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Người nói rõ: "Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta tron sạch, siêng năng được".
Như vậy có thể nói liêm chính của người lãnh đạo phải hội tụ đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ của người đó, là việc tuân thủ pháp luật, chuẩn mực chung của cộng đồng. Vậy ai sẽ là người thu hút và sử dụng nhân tài, có phải bằng sự liêm chính của lãnh đạo các cấp, các ngành trong trọng dụng nhân tài, tác giả xin đề cập một vài biểu hiện sau:
Liêm chính trong thu hút và tuyển dụng nhân tài
Một thực tế hiện nay có rất nhiều người tài giỏi muốn cống hiến cho đất nước, tuy nhiên cơ hội của họ để nhận được tấm vé để vào "cửa quan" không hề dễ. Vì vậy hơn bao giờ hết, người lãnh đạo phải hết sức liêm chính thể hiện sự công tâm, tầm nhìn xa trong quyết định lựa chọn người tài vào phục vụ nhân dân, tuyệt đối không vì tư lợi cá nhân mà chọn sai, hay vì không có "vé" nên không cho vào sân. Cần loại bỏ tư tưởng tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đệ tử thậm chí là "bạn gái" trong công tác tuyển chọn nhân tài, nhằm mục đích để người tài không bị lẫn lộn, người tài không bị chạm vào lòng tự ái của con người có trí tuệ.
Bước khởi đầu của sự liêm chính trong tuyển dụng nhân tài là không lấy tư cách lãnh đạo, cấp trên để can thiệp, làm lệch kết quả thu hút và tuyển dụng, ngoài ra cũng không được lồng ghép các rào cản trong tuyển dụng gây ra nút thắt ách tắc trong đường đi của nhân tài trong xã hội khi bước vào "cửa quan". Tư tưởng, hành động của lãnh đạo mà liêm chính thì chắc chắn không có cửa cho cấp dưới cản trở nhân tài vào cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Mặt khác thông qua uy tín cá nhân lãnh đạo là không những chọn nhân tài qua thi cử mà còn là mời gọi, là tiến cử nhân tài cho xã hôi, cho dân tộc để người tài thấy đó là trách nhiệm là vinh dự, tự hào của bản thân họ, đó chính là sự liêm chính cần có của người lãnh đạo trong thu hút nhân tài.
Liêm chính để loại bỏ "lại quả"
Nếu đảm bảo được liêm chính cho nhân tài vào làm việc một cách công khai, minh bạch là điều quan trọng nhất thì vấn đề sử dụng nhân tài trong quá trình làm việc lại là yếu tố quyết định thành bại của một cá nhân.
Nhiều cơ quan hiện nay sau khi lựa chọn được nhân sự tốt đã giao việc không đúng chuyên môn, năng lực của người được tuyển dụng, hoặc giao những việc vụn vặt không ngang tầm gây tâm lý chán nản, hay cho làm cấp dưới của người có năng lực chuyên môn kém hơn… bởi lý do tuyển vào theo yêu cầu hoặc nặng về mặt hình thức, cho người mới vào làm vị trí quan trọng sợ bị tranh chức hoặc mất lộc hay lộ hết việc làm sai trái… làm cho nhân tài không có cửa để phát huy trình độ chuyên môn hay năng lực lãnh đạo.
Đặc biệt đối với những cơ quan nhạy cảm dễ nảy sinh tiêu cực tiền bạc thì lãnh đạo lại chọn người nhà hoặc đệ tử để "thu rồi lại quả cho lãnh đạo" tạo thành vòng tròn khép kín. Hơn bao giờ hết sự liêm chính trong vấn đề phân công nhiệm vụ công tác cần dựa vào trình độ chuyên môn, năng lực của nhân tài để phát huy thế mạnh sẵn có, lấy mục tiêu cho sự phát triển và công bằng để hành động, lấy thước đo phục vụ nhân dân để làm tiêu chuẩn thì tôi nghĩ đây là cửa sáng để nhân tài tiến lên tầm cao mới.
Liêm chính để bổ nhiệm đúng người
Tôi chưa bao giờ bi quan nhìn một màu tối trong công tác nhân sự ở nước ta, vì đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong lựa chọn và sử dụng nhân tài. Nhưng cần nói thêm để mảng tối trong lĩnh vực này ngày càng giảm hơn. Có lẽ nhân dân ta đã quá quen thuộc với câu nói sau khi bổ nhiệm lãnh đạo là ông này con cháu ai, đệ tử ông nào và ông ấy thiếu gì tiền lên là phải rồi.
Vậy liêm chính thể hiện ở ngay chỗ đó, đừng để bổ nhiệm lãnh đạo là ý chí của cá nhân lãnh đạo cấp trên. Ví dụ bổ nhiệm một cán bộ lãnh đạo cấp huyện, sở ngành, tỉnh cũng phải chạy ra "thăm các anh" ở Trung ương thì sự liêm chính, công bằng, minh bạch ở đâu, kết quả đó lấy gì là chuẩn mưc. Vấn đề nêu gương liêm chính trong bổ nhiệm lãnh đạo các cấp phải từ trên xuống dưới và cả hệ thống chính trị, không thì trên bất chính thì dưới hạ tác loạn.
Liêm chính trong công tác cán bộ là để tránh chạy chức, chạy quyền, tránh hối lộ tình dục, tránh nhận hối lộ, tư lợi … để tạo ra một đội ngũ lãnh đạo có đủ đức, đủ tài, vì dân, vì nước thì tôi tin chắc rằng không mấy chốc Việt Nam đủ sức sánh vai với các cường quốc năm châu, bốn biển như Bác Hồ hằng mong muốn.
Tuy nhiên vấn đề thu hút và tuyển dụng nhân tài luôn là vấn đề khó, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị đất nước. Đặc biệt là sự gương mẫu, đức liêm chính, chí công vô tư của của người đứng đầu các ngành, các cấp. Xem nhân tài là sự phát triển của quốc gia, dân tộc, phải đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, không được lợi dụng chức vụ quyền hạn để lấy làm của riêng, cán bộ là người phục vụ nhân dân, không phải nhân dân là tài nguyên vô tận để cán bộ, lãnh đạo khai thác mang về gia đình, dòng họ mình.
Để nhân tài gắn bó với khu vực công, phục vụ toàn xã hội thì nhà nước cũng cần quan tâm hơn nữa về vấn đề thu nhập đảm bảo đủ cuộc sống hạnh phúc tối thiểu cần có. Vì vậy cần có sự liêm chính từ lãnh đạo các cấp để nhân tài - hiền tài là nguyên khí quốc gia, là sự thịnh vượng mà nhân dân ngày đêm khát vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.