Phạm Anh Xuân
Thứ tư, ngày 11/01/2023 22:02 PM (GMT+7)
Những ngày giáp Tết này, tình trạng kẹt xe tắc đường ở các đô thị lớn và cả dọc tuyến quốc lộ huyết mạch đang trở lại và có phần "mãnh liệt" hơn sau hai cái Tết khá thưa thoáng vì đại dịch.
Ngoài nguyên nhân mật độ lưu thông tăng đột biến và tình trạng làm đường, sửa đường giải ngân cuối năm đã thành vấn nạn mà báo chí và công luận phản ánh quá nhiều, cần một lần nữa nhìn thẳng và thừa nhận một thực trạng: Tắc đường do... kinh tế mặt đường
Ở Việt Nam, có một loại "mô hình phát triển kinh tế" bắt nguồn từ tư duy "mặt đường". Để xảy ra điều này là bởi "bám mặt đường" đã trở thành thứ tư duy thâm căn cố đế trong tiềm thức của các "nhà quy hoạch" ở nhiều cấp cũng như các cộng đồng dân cư. "Mô hình" này không chỉ là nguyên nhân của nhiều vụ mâu thuẫn xã hội và tai nạn giao thông; mà nguy hại hơn là nó làm chậm sự tiến bộ và phát triển.
Nếu chiếu theo luật lệ và quy định thì việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường chính là sự bất thường và vi phạm. Thế nhưng ở Việt Nam, tình trạng chiếm dụng vỉa hè - thậm chí là cả lòng đường; họp chợ ở đường - thậm chí là họp chợ trên quốc lộ; quy hoạch khu dân cư và xây nhà ở sát mặt đường… đã trở nên phổ biến và mang tính hệ thống. Và chính sự phổ biến và mang tính hệ thống này khiến cho sự bất thường đã trở nên… bình thường.
Nhưng rồi chính sự bình thường này đã kéo theo hàng loạt bất thường và bất cập.
Ở thành phố, việc sở hữu một ngôi nhà mặt đường có giá trị như vàng - thậm chí là như kim cương. Nhưng giá trị vàng hay kim cương ấy không hẳn đến từ giá trị thực chất của ngôi nhà; thay vào đó, phần không nhỏ của giá trị này đến từ… mặt đường. Chính vì thế mà người ta luôn rình rập, rắp tâm và dùng mọi thủ đoạn chiếm dụng phần vỉa hè - vốn theo luật lệ cũng như quy định xã hội là để dành cho người đi bộ.
Chưa dừng lại ở đó, vào những dịp cao điểm và nếu có cơ hội, người ta sẽ chiếm dụng thêm một phần lòng đường. Và phần đất và không gian công cộng ấy được dành cho buôn bán, để xe máy hay ô tô cho khách hàng. Vô hình trung, vỉa hè hay lòng đường - những thứ vốn không thuộc về bất kỳ thành phần kinh tế nào, lại mặc nhiên trở thành lợi thế vượt trội và "đặc hữu" của không ít pháp nhân kinh tế.
Đến đây thì không quá khó để thấy được những bất cập và hệ lụy. Điều cần nói đến trước nhất đó là việc hệ thống pháp luật về vấn đề này đã bị xâm hại nghiêm trọng. Tiếp đó là không gian văn hóa và quy định xã hội cũng bị phá vỡ. Khi ấy, người đi bộ mặc nhiên phải đi xuống lòng đường - gián tiếp "buộc phải vi phạm" luật lệ an toàn giao thông; đồng thời tiềm ẩn rủi ro tai nạn.
Trên thực tế, không chỉ người Việt Nam mà đặc biệt là khách du lịch quốc tế cũng bị ám ảnh với vấn nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch quốc tế.
Trở lại với nông thôn, tình trạng "chiếm dụng không gian công cộng" cũng trở nên phổ biến. Nhưng phổ biến và nguy hiểm hơn thế chính là tình trạng họp chợ ở đường, ở quốc lộ và xây nhà sát đường, sát quốc lộ - thậm chí là bước khỏi cửa nhà đã là quốc lộ.
Điểm chung của nông thôn và thành phố trong vấn đề này chính là vấn đề tai nạn giao thông. Về lý thuyết, việc các phương tiện giao thông hoàn toàn có thể bị mất lái do yếu tố khách quan, hay chủ quan của người điều khiển và gây ra tai nạn. Nhưng khi tai nạn xảy ra, nếu vỉa hè, lòng đường, quốc lộ không bị lấn chiếm trái phép để buôn bán, sử dụng, xây công trình… thì rất có thể hậu quả của tai nạn là không lớn, thậm chí là rất nhỏ. Nhưng nếu tại thời điểm xảy ra tai nạn, phần vỉa hè, lòng đường, quốc lộ bị chiếm dụng trái phép và có nhiều người tụ tập ăn uống, buôn bán… thì hậu quả sẽ nặng nề đến khó lường.
Nhưng, hệ lụy nặng nề nhất của vấn nạn này chính là sự hạn chế tầm nhìn và tốc độ giao thông; từ đó cản trở giao thương. Ví dụ điển hình là xe tải chở nông sản hoặc thủy sản từ Quảng Ngãi đến cửa khẩu tại Lạng Sơn để xuất khẩu với quãng đường khoảng 1.050km.
Theo tính toán thực tế và nếu nghiêm túc chấp hành quy định (lái xe tải không được làm việc quá 10 giờ/ngày và không lái xe quá 4 giờ liên tục) thì với tốc độ lưu hành 40km/giờ và 2 lái xe thay phiên nhau, 1 xe tải nông sản phải chi phí tới trên dưới 30 giờ di chuyển. Đây là chi phí thời gian quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nông sản, thủy sản và khiến chi phí cơ hội bị tác động tiêu cực kéo theo.
Như vậy có thể thấy, "mô hình kinh tế mặt đường" thực sự méo mó và nguy hại. Điều này tác động xấu trong hiện tại và kéo dài trong tương lai bởi nó làm chậm sự tiến bộ và văn minh xã hội; đồng thời kìm hãm sự phát triển kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.