Chuyện cho con cái đi du học bây giờ, đã trở thành bình thường đối với nhiều gia đình trung lưu. Có nhà cho con đi du học từ khi con trung học, có nhà thì lên đại học mới cho đi, có nhà thì ở hệ sau đại học. Cô cậu nào giỏi mà đạt được học bổng nữa thì bố mẹ càng đỡ phải lo lắng.
Cũng như nhiều gia đình khác, cậu con trai lớn của tôi cũng đi học tại New Zealand. Những ngày đầu khi sang học trung học, ở "homestay", chỉ có việc học và quan hệ tốt với nhà chủ để có không gian sống thêm phần thoải mái. Tôi cũng chỉ nhắc nhở cu cậu sinh hoạt điều độ, có ý thức tự lập tự giác. Nhắc thì nhắc vậy thôi chứ tôi cũng biết là thừa. Vì ở cái tuổi mới lớn ấy thì cũng khó mà đi vào nề nếp được khi không sống cùng gia đình.
Rồi cũng qua mấy năm phổ thông, con trai tôi vào học Đại học. Nhu cầu của nó nhiều lên và cần nhiều tiền hơn. Nó đi làm. Nếu như với nhiều gia đình thì điều đó đã là mãn nguyện. Tự đi học, tự đi làm, tự trang trải mọi sinh hoạt của bản thân, không phụ xin tiền cha mẹ, mãn nguyện quá còn gì? Nhiều anh em bạn bè mỗi lần nhắc đến cậu con trai tôi là cũng đều xuýt xoa, khen ngợi. Ai cũng bảo, học xong thì đi làm bên đấy mấy năm, rồi về làm ở Việt Nam là sẽ phát triển tốt.
Nhưng hình như cái thời đại bây giờ nếu chỉ có như thế thì hơi lãng phí. Bây giờ đi đâu, dự sự kiện nào thì cũng có thời gian "networking", cả thế giới này đều cần tìm liên kết. Và môi trường tại các trường Đại học của nước ngoài là một nơi tuyệt vời để làm điều đó. Sinh viên có thể kết bạn với nhau không chỉ trong học tập, trong sinh hoạt mà còn cả để tìm kiếm cơ hội sau này. Mỗi sinh viên đều có gia đình của mình, mỗi gia đình đều có thế mạnh riêng, phía sau một số gia đình có thể là thế lực chính trị hoặc kinh tế. Vậy nên nếu mỗi sinh viên là đầu mối, kết nối các gia đình với nhau thì việc gì sẽ xảy ra???
Hôm nay tôi ăn trưa cùng con trai, ngoài việc hỏi han, chia sẻ thì tôi có dặn nó: "Con hãy để ý kết thân với những bạn có bố mẹ là chính khách hoặc doanh nhân lớn, chơi với họ, tìm hiểu họ và giới thiệu về mình. Ở đâu thì người giàu và người có quyền cũng đều muốn gia tăng sự giàu có và quyền lực. Việt Nam là một nơi thích hợp về đầu tư, về thương mại, về ngoại giao chính trị để họ thực hiện mong muốn đấy. Nếu họ tin con họ và tin con, con sẽ trở thành cầu nối của họ với Việt Nam. Và lúc đó con sẽ là người giá trị, gia đình mình kinh tế sẽ càng vững chắc hơn, và con sẽ tạo được cơ hội không chỉ cho con mà cho nhiều người hơn!"
Nghe thật là thực dụng! Đúng như vậy! Tôi đang dạy cho con tôi tư tưởng liên kết sức mạnh. Nếu nó làm được, nó sẽ là đầu mối của rất nhiều sức mạnh, nó sẽ có cơ hội mở to mắt để nhìn thế giới sinh động của những bậc cha chú, nó sẽ được nhiều người cần đến để tiếp cận với những gì nó đang đại diện, nó sẽ nhanh chóng học được mặt phải và mặt trái của những vụ áp phe, tiền và danh tiếng sẽ tự tìm đến nó, còn nhiều và nhiều thứ khác sẽ đến nữa.
Sau nhiều năm kinh doanh xe ô tô siêu sang, tôi đã hiểu rất sâu sắc giá trị của các mối quan hệ đặc biệt và sức mạnh của sự liên kết. Tôi đã không chỉ được công chúng biết đến, mà quan chức và giới tài phiệt cũng biết đến tôi. Và tôi muốn gặp ai thì hầu như đều có thể gặp được. Nếu tôi đề nghị với một vị lãnh đạo hay một vị doanh nhân lớn một việc gì đó mang lại lợi ích cho họ, cho tôi, cho nhiều người khác thì tôi thường nhận được sự đồng ý và phối hợp. Quan trọng là mình phải có việc đúng và nghiêm túc. Và kết quả thường đều được như ý!
Trên thế giới này, chỉ có liên kết mới có thể tạo ra được những thành tựu to lớn. Đó chính là lý do có G7, G8, G20. Và mọi sự liên kết đều phải dựa trên cơ sở lòng tin lâu dài. Vậy sao không bắt đầu hướng dẫn con cái chúng ta có tư tưởng liên kết sức mạnh ngay từ khi trên ghế giảng đường? Điều đó là vì tri thức, tiền tài và danh vọng của chúng, và nếu chúng trở thành những doanh nhân,những chính khách thành công đúng nghĩa, đó cũng là sự đóng góp chung cho xã hội của những phụ huynh "thực dụng" như chúng tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.