Theo số liệu từ Cục đăng kiểm Việt Nam, trong tháng 3.2023, sẽ có 75.682 xe ô tô đến hạn kiểm định, con số của tháng 4 là 83.728, và của tháng 5 là 86.044 xe. Với số lượng 22 dây chuyền kiểm định có thể đi vào hoạt động từ hôm 21/3 và năng lực kiểm định tối đa của mỗi dây chuyển là 60 xe/ngày (thực tế hiện nay là 50 xe/ngày), thì mỗi ngày các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội có thể kiểm định cho 1.320 xe ô tô. Nếu làm việc cả thứ bảy và chủ nhật, mỗi tháng các trung tâm đăng kiểm của Hà nội có thể kiểm định được 39.600 phương tiện (con số thực tế sẽ thấp hơn khá nhiều).
Điều này cũng có nghĩa là, sẽ có khoảng 4 vạn phương tiện đến hạn đăng kiểm trong tháng 3 không thể đăng kiểm (con số thực tế sẽ nhiều hơn, do năng lực kiểm định trong tháng 2 và tháng 3 có lúc chỉ còn dưới 10 trung tâm, tức chỉ khoảng 600 xe/ngày), con số luỹ kế của tháng 4 sẽ là 4,7 vạn, khoảng 5 vạn xe trong tháng 5, và tất nhiên, câu chuyện phục hồi năng lực đăng kiểm đến mức có thể kiểm định khoảng 3000 đến 4000 xe/ngày không hề đơn giản và không thể tính bằng tháng, kể cả khi Bộ Giao thông Vận tải kịp xây dựng Nghị định mới về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm.
Khi Bộ giao thông Vận tải và Cục đăng kiểm tuyên bố sẽ sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT theo quy trình rút gọn, và sẽ không chỉ miễn kiểm định xe ô tô mới, mà sẽ thay đổi chu kỳ kiểm định theo thông lệ quốc tế, đã có không ít người kỳ vọng, cuộc khủng hoảng đăng kiểm sẽ phần nào được giải quyết, cảnh ùn tắc, xếp hàng ăn chực nằm chờ kiểm định, cảnh hàng vạn phương tiện không thể vận hành,…sẽ được xử lý.
Kỳ vọng ấy còn được tiếp sức bởi quan điểm chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ công an hôm 8/3/2023 để xử lý tình trạng khủng hoàng, ùn tắc kéo dài ở các trung tâm đăng kiểm. Nhiều người kỳ vọng ngành Giao thông vận tải và Đăng kiểm sẽ có giải pháp để thực hiện ý kiến của Phó thủ tướng: "Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân".
Thông tư 02/2023/TT-BGTVT được "ký trong đêm 21/3 và có hiệu lực từ 0 giờ ngày 22/3" của Bộ Giao thông Vận tải đã khiến nhiều người bất ngờ và hẫng hụt, bởi vì, ngoài một số thay đổi để giãn chu kỳ đăng kiểm, sau khi thông tin được nêu rộng rãi cho thấy bức trang về chu kỳ đăng kiểm ở Việt nam đang "quái dị" thế nào so với thế giới, thì không có bất kỳ biện pháp nào được đưa ra, để giải quyết phần nào tình trạng ùn tắc ở các trạm đăng kiểm, đặc biệt ở các đô thị lớn, là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và ở nhiều địa phương khác.
Khoản 2, điều 3 của Thông tư 02/2023/TT-BGTVT quy định "2. Các Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định", tức là tất cả phương tiện đến hạn sẽ vẫn phải xếp hàng kiểm định, cho dù năng lực của hệ thống đăng kiểm còn xa mới đáp ứng được một phần nhu cầu tuân thủ của người dân. Không có giải pháp nào để giải quyết tình trạng khủng hoảng ở các trung tâm đăng kiểm như chỉ đạo của PTT Trần Hồng Hà hôm 8/3.
Không có gì có thể biện minh cho việc quay lưng với thực tiễn, là chi phí vô lý và khổng lồ của người dân, doanh nghiệp và xã hội đang bị lãng phí, lạm dụng để chờ đợi đăng kiểm, và sẽ còn kéo dài. Không có gì có thể biện minh cho thực tiễn là sẽ có hàng trăm nghìn phương tiện phải nằm chờ đợi đăng kiểm, thậm chí ảnh hưởng đến các dịch vụ vận tải, làm xáo trộn xã hội. Ở Hà Nội, trung tâm đăng kiểm 2903S ở Mỹ Đình đã "phát số' cho người đăng ký kiểm định đến 25/4, tức là nếu hôm nay, bạn muốn đi kiểm định xe ô tô, thì sẽ phải chờ hơn một tháng nữa. Liệu có thể có bất kỳ lý do gì để biện minh hay giải thích cho tình trạng này và việc không có giải pháp nào từ cơ quan quản lý hay không?
Kiểm định phương tiện là hoạt động dịch vụ công, người dân và doanh nghiệp đang buộc phải sử dụng dịch vụ đó để tuân thủ pháp luật, và không có bất kỳ lựa chọn nào khác cho họ. Trong khi năng lực thực tế của hệ thống đăng kiểm đang không thể đáp ứng nhu cầu tuân thủ của xã hội, mà cơ quan quản lý nhà nước quay lưng lại với thực tiễn ấy, không có giải pháp, thì không phải chỉ là biểu hiện của vô cảm, mà còn là sự vô trách nhiệm.
Chưa kể còn là sự vô kỷ luật, khi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cũng không biết đến bao giờ mới thực hiện, và như lời của Phó thủ tướng "Chính phủ không thể họp mãi, Bộ Giao thông vận tải phải có thay đổi về đăng kiểm".
Lẽ ra, với năng lực thực tiễn của hệ thống kiểm định như hiện nay, với vai trò và chức năng, quyền hạn của mình, Bộ giao thông vận tải cần và nên có các giải pháp cụ thể, có hiệu lực ngay, ví dụ gia hạn kiểm định với các phương tiện cá nhân đến hạn kiểm định, vốn đang chiếm số lượng lớn, nhưng ít có nguy cơ về an toàn hơn, nên ưu tiên sử dụng năng lực hạn chế hiện tại của hệ thống đăng kiểm, để kiểm định các phương tiện kinh doanh, dịch vụ, như xe khách, xe bus, xe tải, taxi,… thay vì có các giải pháp nửa vời như thông tư 02/2023/TT-GTVT, vốn chỉ để sửa đổi một phần sự dị biệt về chu kỳ đăng kiểm của Việt Nam so với thế giới.
Chắc chắn, không thể nào có chuyện Chính phủ và những cơ quan cao hơn sẽ mặc kệ cho tình trạng khủng hoảng đăng kiểm tiếp tục kéo dài, nhưng tại sao Bộ Giao thông Vận tải và Cục đăng kiểm, trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình, lại sẵn sàng bỏ qua cả chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, quay lưng với những gì nhân dân và doanh nghiệp đang phải chịu đựng, bỏ qua thực tiễn hiện tại mà không có giải pháp nào, chắc chắn nên là một câu hỏi đáng để không chỉ người dân phải đặt ra với các cán bộ có trách nhiệm.