Đề xuất bán bớt vốn nhà nước để đầu tư hạ tầng - cổ phần hóa nhanh để thúc đẩy phát triển

Quốc Phong Thứ tư, ngày 22/02/2023 09:29 AM (GMT+7)
Một trí thức Việt kiều ở Singapore gợi ý Chính phủ ta nên bán bớt vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, như vậy sẽ đủ tiền xây tàu điện, đường sắt trên cao, dần giảm ùn tắc cho Hà Nội, T.P HCM. Song các nhà kinh tế lâu nay vẫn ngao ngán trước tình trạng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quá chậm.
Bình luận 0

Các nhà kinh tế lâu nay vẫn lắc đầu ngao ngán trước tình trạng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quá chậm. 

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm mùng 8/2 vừa rồi với cộng đồng người Việt ở Singapore trong chuyến công du của Thủ tướng, bà con đã có nhiều ý kiến tâm huyết góp ý cho chúng ta,đặng mong muốn đóng góp trí tuệ cho đất nước...

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore, NUS) đã đề xuất" 5 đột phá Việt Nam cần có để thành nước phát triển vào năm 2045".

Theo đó có một chuyện rất đáng phải suy nghĩ thêm, đó là việc ông gợi ý Chính phủ ta nên tính chuyện bán bớt vốn tại doanh nghiệp Nhà nước. Như vậy, theo ông sẽ đủ tiền xây tàu điện, đường sắt trên cao, giảm ùn tắc cho Hà Nội, T.P HCM trong thời gian sau hai chục năm tới....

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, riêng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Tính toán sơ bộ cho thấy, quy mô tài sản bình quân của một doanh nghiệp Nhà nước khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần khu vực FDI và 109 lần doanh nghiệp tư nhân. Nhưng cơ quan ngành kế hoạch nhận xét, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. 

"Nếu khối này quản trị yếu, lợi nhuận thấp, công nghệ kém, năng suất thấp sẽ bỏ phí rất nhiều nguồn lực. Thoái bớt vốn, cải cách hiệu quả khu vực Nhà nước, theo nghiên cứu của tôi, Việt Nam sẽ có dư địa để tăng trưởng thêm 0,5-1%", TS Vũ Minh Khương nêu.

Tôi nghĩ, đây cũng là một giải pháp nên xem xét sớm, hạn chế vay nhiều khiến nợ công vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, cũng không dễ để có thể làm nhanh như đề xuất của Tiến sĩ Khương được.

Nhức nhối chuyện cổ phần hoá như... rùa bò và  bộ, tỉnh thành nào triển khai cũng có sai phạm.

Các nhà kinh tế trong nước và quốc tế lâu nay vẫn lắc đầu ngao ngán trước tình trạng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay quá chậm. Nó gần như "bất động", đặc biệt là những dấu hiệu của giai đoạn 2021-2025 càng thấy rõ điều này.

Rồi trước đó, chúng ta còn nhớ, trước tiến trình CPH, thoái vốn đang lâm vào thế khó nên vừa kỳ họp vừa rồi, khi gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hải Nam, đại biểu Quốc hội , Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng có nhắc lại những con số đạt được giai đoạn 2016-2020 khá ảm đạm .

Theo đó, chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện cổ phần hóa, chỉ đạt 28,4% theo kế hoạch. Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị phải thoái...

Người ta cho rằng, có vài lý do khiến tiến trình CPH của nhà nước hiện khá chậm là bởi nhiều lãnh đạo DNNN vẫn không muốn thực hiện bởi lợi ích của họ sẽ bị mất nhiều hơn là được.

Họ sẽ bị thay quyền lãnh đạo nếu tỷ lệ chi phối không thuộc về nhà nước nữa. Thậm chí, có còn chi phối nhưng cũng sẽ bị kiểm soát chặt hơn trước; họ sẽ dễ bộc lộ khả năng quản lý không còn phù hợp nữa do quá quen với cung cách làm ăn cũ, dễ bị mất vị trí điều hành hơn  và cũng còn do nhiều vụ việc gần đây xảy ra trong quá trình CPH DNNN, nhiều người làm sai nên đã bị pháp luật sờ gáy. Mà nếu làm đúng thì họ lại chả có chấm mút gì được. Chi bằng họ cứ "câu giờ hưởng lộc chùa" là hơn ?...

Một trong những vướng mắc và cũng là lỗ hổng dẫn đến những sai phạm khi chúng ta tổ chức CPH chính là vấn đề định giá đất đai không minh bạch.

Từ đó khiến nhóm lợi ích chi phối.

Từ đó, vốn Nhà nước thì mất đi ghê gớm và chỉ béo mấy DNTN biết lách luật và biết ăn chia cùng người có chức có quyền trong bộ máy công quyền.

Hàng loạt các vụ việc khiến quan chức Đảng, Nhà nước bị kỷ luật (cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị đứng đầu một thành phố lớn, cỡ Phó Thủ tướng Chính phủ) hoặc vướng vòng lao lý (cỡ Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương…) cũng từ đây mà ra. Và điển hình nhất có lẽ phải kể ra là một vài doanh nghiệp thuộc các Bộ Công Thương , Bộ GTVT và TP Hồ Chí Minh.

Theo tôi được biết, để khắc phục "gót chân Achilles" này trong xác định giá trị đất của doanh nghiệp khi CPH cho chính xác, hiện Bộ Tài chính đang rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Cùng với đó, các cơ chế chính sách sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi đồng bộ đảm bảo tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ CPH .

Tiếp đó, quyền lợi của người lao động khi CPH  cũng không được quan tâm, vai trò làm chủ của người lao động nhiều khi không còn trong thực tế mà quyền lợi vật chất cũng teo tóp.  Có không biết bao nhiêu người lao động vốn làm tại DNNN, khi CPH đã bị mất việc do không đáp ứng được yêu cầu của chủ mới. Nghỉ hưu họ cũng trắng tay luôn khi không có tổ chức nào nhớ đến họ mỗi khi lễ tết đến, chứ không nói gì đến quyền lợi vật chất khác từ cổ phần/ cổ tức mà họ được mua, được trả  cũng bị teo tóp. Họ chán nản mà bán đi không thương tiếc .

Đó cũng là lỗi và trách nhiệm của nhà nước ta với người lao động và rất cần chấn chỉnh.

"Bán bớt vốn tại doanh nghiệp Nhà nước sẽ đủ tiền xây tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội, TP HCM"?

Một trong 5 đột phá- theo TS Khương, người từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đề xuất, là Việt Nam phải phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nhất là hệ thống tàu điện ngầm tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Việc này để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày càng trầm trọng.

Ông Khương lấy ví dụ như Bangladesh trong vài năm đã phát triển hàng trăm km tàu điện ngầm, giúp thay đổi bộ mặt đô thị, tăng năng suất lao động, phát triển nền kinh tế...

Ông cũng ước tính, mỗi năm các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM mất cả tỷ USD do giảm năng suất lao động vì tắc nghẽn giao thông. Do đó, Việt Nam cần đặt mục tiêu tới năm 2030, hai thành phố này có khoảng 150 km đường sắt đô thị, tàu điện ngầm.

Ngoài nguồn lực xã hội hoá, TS Khương cho rằng, bán bớt vốn, tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước sẽ "hoàn toàn đủ tiền đầu tư hệ thống tàu điện ngầm, thay đổi bộ mặt đô thị, quốc gia".

Người viết bài này thì không nghĩ chúng ta lại có thể xoay chuyển nhanh tới mức như TS Khương nêu và kỳ vọng. Tức là chỉ 7 năm nữa chúng ta sẽ có 150 km đường giao thông (tàu điện ngầm hoặc đường sắt trên cao) cho 2 thành phố lớn nói trên cho dù có tiền để làm nó.

Bài học triển khai đấu thầu và thi công  2 chặng đường sắt trên cao (chưa được 50 km) của Hà Nội mà hàng chục năm không xong rồi chưa kể đội vốn kinh khủng như chặng Hà Đông - Cát Linh. Nó đã cho thấy  kỳ vọng trên của TS Khương là cực khó khăn nếu không nói 2 từ bi quan là "không thể!".

Nội kiếm đủ tiền thông qua hình thức bán bớt doanh nghiệp một cách không bị thất thoát gì, tốt đẹp cả thì có nhanh cũng mất vài năm làm việc đầy quyết tâm và sự quyết liệt chưa từng có thì khi đó mới ra tiền chứ chưa nói chuyện GPMB và nhiều thứ việc khác khi xây dựng.

Tuy nhiên, nếu như chủ trương này được thông qua thì  đó cũng là hướng đi có sức thuyết phục, tránh được tình trạng nhà nước ôm đồm kém hiệu quả trong kinh doanh của nhiều DNNN hiện nay. Không có lý gì nhà nước phải ôm đồm, nhất là tình trạng DNNN làm ăn bết bát, kém hiệu quả, nguồn thuế thu sẽ kém hơn so với để DNTN tham gia. 

Trừ các DNNN  chủ đạo mang tính chiến lược và  sống còn như điện lực, dầu khí... thì không nên bán hết vốn mà chỉ nên bán một phần và Nhà nước vẫn phải nắm quyền chi phối.

Với  các DN công nghiệp tiêu dùng, các doanh nghiệp vận tải kể cả đường sắt và hàng không thì có lẽ cũng nên CPH mà đâu nhất thiết chúng ta phải nắm CP chi phối! 

Câu chuyện mấy năm qua, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines,Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thua lỗ nghiêm trọng khiến chúng ta không thể không suy nghĩ.

Cũng ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 kéo dài , nhưng các hãng bay khác họ không lỗ thảm hại như VNA tính trên tỷ lệ % của đầu máy bay. Nó có phần xuất phát từ  bộ máy vốn quá cồng kềnh, con ông cháu cha đưa vào không ít người gây khó cho doanh nghiệp không còn được tự chủ thực sự; việc chi tiêu, đầu tư lại thiếu chắt chiu theo lối "không phải tiền của cá nhân mình bỏ ra" như hãng Vietjet Air họ rất tiết kiệm...

Câu chuyện Nhà nước bán hãng bia Sabeco có lẽ cũng là điều hay mà chúng ta nên nghiên cứu để hoàn thiện chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tránh thất thoát, bởi đây là lần đầu nhà nước bán một doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả ... xét ở khía cạnh kinh tế khi bán DNNN ra thị trường  .

Đành rằng có làm thì có thể có sai. Song điều này đã và đang được Đảng cởi nút thắt bởi chủ trương tháo gỡ cơ chế để động viên và bảo vệ người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nếu vì cái chung. 

Việc Bộ Chính trị giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu, soạn thảo một Nghị định cho Chính phủ để thực hiện đang mở ra một hướng đi tích cực hơn, tránh hiện tượng người lãnh đạo co cụm, sợ trách nhiệm mà không làm gì, mong được an toàn cho bản thân.  Suy nghĩ này rất có hại cho một xã hội đang mong muốn phát triển nhanh và lành mạnh như văn kiện Đại hội Đảng khoá 13 đã đề ra, trong đó công tác CPH DNNN  hiện đang có phần ì ạch, trì trệ cần phải có một quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem