Gỡ nút thắt đăng kiểm

Phạm Quang Vinh Thứ tư, ngày 01/03/2023 14:32 PM (GMT+7)
Các quy định hiện tại về chu kỳ kiểm định của Việt Nam đang thuộc diện "khắt khe" nhất trên thế giới. Hầu hết các loại phương tiện đang được lưu hành phải kiểm định mỗi 6 tháng, thậm chí mỗi 3 tháng. Trong khi đó, chu kỳ kiểm định thông thường ở hầu hết các quốc gia là 2 năm hoặc 1 năm, tùy mục đích sử dụng.
Bình luận 0

Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một hoạt động thông thường, một dịch vụ công do chính quyền cung cấp, dịch vụ này không được quy định cụ thể trong Luật, mà được điều chỉnh bởi một thông tư do Bộ Giao thông và Vận tải, là cơ quan cấp trên trực tiếp của Cục Đăng kiểm ban hành. Thông tư này được soạn thảo bởi chính Cục Đăng kiểm Việt Nam, là cơ quan điều hành việc thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm định phương tiện.

Dù là một hoạt động đặc thù của ngành, những quy định tại thông tư này lại có tác động trực tiếp đến quyền lợi của các tổ chức và cá nhân sở hữu, vận hành phương tiện. Các phương tiện giao thông đường bộ không thể vận hành hợp pháp nếu không được kiểm định và cấp chứng nhận kiểm định, bởi các đơn vị kiểm định do chính Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý, giám sát. 

Sau nhiều năm, với nhiều tai tiếng về những tiêu cực có hệ thống ở các trung tâm đăng kiểm, mà những kết quả điều tra được cơ quan công an công bố cho thấy, không chỉ biết rõ, nhiều cán bộ ở nhiều cấp của Cục đăng kiểm còn trục lợi trực tiếp từ những tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm. Thiệt hại với xã hội cũng đã rõ, không chỉ là những đồng tiền bị tham nhũng vặt, mà còn là nguy cơ tai nạn từ các phương tiện không đảm bảo chất lượng được lưu hành.

Những sai phạm ấy bị phát hiện, thì đương nhiên cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải xử lý, chắc chắn không có ai có thể đưa ra đề xuất nào để có thể nhượng bộ, khi các sai phạm đã rõ.

Ở một khía cạnh khác, không thể không nhắc đến một khía cạnh khác, là những "nút thắt"chính sách được xây dựng bởi chính các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, tôi muốn nhắc đến các quy định hiện tại về đăng kiểm phương tiện. Chính các quy định của Bộ giao thông vận tải về đăng kiểm đã làm gia tăng áp lực và tạo thêm ra ách tắc ở các trung tâm đăng kiểm hiện nay, gây ra tốn kém không cần thiết cho xã hội.

Một ví dụ cụ thể, là quy định về chu kỳ kiểm định.  Theo quy định tại phụ lục 11 của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2021, việc kiểm định là bắt buộc với mọi phương tiện mới sản xuất, nhập khẩu. Trong nhiều năm, đã nhiều người đề cập đến sự vô lý của quy định này, nhưng chưa bao giờ có được câu trả lời từ Cục Đăng kiểm hay Bộ Giao thông Vận tải, cho đến gần đây, sau một loạt vụ bê bối ở cơ quan này, bỗng dưng chính Cục Đăng kiểm và sau đó, Bộ Giao thông Vận tải lại công bố "sẽ miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới từ 1/7" khi sửa đổi, bổ sung thông tư 16/2021/TT-BGTVT.

Các quy định hiện tại về chu kỳ kiểm định của Việt Nam đang thuộc diện "khắt khe" nhất trên thế giới, khi không chỉ là quốc gia gần như duy nhất buộc xe mới sản xuất và nhập khẩu phải được đưa đến đơn vị kiểm định, mà còn đưa ra chu kỳ kiểm định rất ngắn và khắt khe. 

Theo quy định hiện hành, hầu hết các loại phương tiện đang được lưu hành sẽ phải kiểm định mỗi sáu tháng (xe cá nhân trên 12 năm, xe chở khách trên 5 năm, xe tải trên 7 năm), và thậm chỉ là mỗi 3 tháng (tất cả các loại xe trên 15 năm). 

Để tiện so sánh, thì chu kỳ kiểm định thông thường ở hầu hết các quốc gia là 2 năm hoặc 1 năm, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng phương tiện. Một phép so sánh khác, là quy định về kiểm định này còn khắt khe hơn quy trình bảo trì được khuyến nghị của hầu hết các nhà sản xuất ô tô hiện nay.

Việc Cục Đăng kiểm thừa nhận sự phi lý của kiểm định đối với xe mới và sửa đổi điều kiện này, tôi nghĩ, nên được xem xét một cách nghiêm túc, tức là cần rà soát lại căn cứ của các quy định hiện tại, không chỉ về việc kiểm định xe mới và chu kỳ kiểm định khắt khe, mà còn là những lý do và cơ sở được đưa ra trước đây về chu kỳ kiểm định, cũng như những quy định khác về quy trình thực hiện việc kiểm định. 

Một ví dụ khác về việc buộc phải rà soát, là chất lượng của công tác kiểm định và sự tác động của các quy định hiện hành về kiểm định phương tiện. Chẳng hạn, nhiều phương tiện bị "đánh trượt" khi kiểm định vì những lỗi rất nhỏ và đến từ các đánh giá chủ quan của kiểm định viên trong thời gian vừa qua, có phần xuất phát từ chính những quy định định tính như "đèn không đúng kiểu loại" hay "hình dạng của chùm sáng không đúng"…

Sửa đổi hợp lý những quy định hiện hành cũng sẽ khắc phục được chính tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm, mà còn đưa công việc và chất lượng đăng kiểm trở nên quy củ hơn. Và nó cần thiết, hợp lý hơn là sự than vãn một cách đáng ngạc nhiên về việc "đăng kiểm viên không dám đi làm vì sợ công an bắt", hoặc đòi hỏi một cơ quan khác đồng thuận việc áp dụng không đầy đủ các quy định pháp luật về tuyển dụng viên chức.

Việc chấn chỉnh, sửa đổi cả hệ thống đăng kiểm chắc chắn và cần phải bắt đầu từ các quy định hiện hành và không thể không xem xét các văn bản, quy định hiện nay có hay không sự trục lợi chính sách nhằm mang lại lợi ích cho một nhóm doanh nghiệp, cá nhân nào đó, mà việc yêu cầu đưa phương tiện mới xuất xưởng, mới nhập khẩu (vốn đã phải đáp ứng nhiều quy định rất khắt khe về thiết kế, kiểm định an toàn sản xuất,…của chính cơ quan đăng kiểm) là một ví dụ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem