Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày Thầy thuốc năm nay đến với chúng tôi bằng rất nhiều chuyện buồn.
Nhiều đồng nghiệp đã đồng loạt xin nghỉ việc ở bệnh viện công do "quá tải": Liên tục khám và liên tục mổ tăng ca trong một thời gian dài khiến nhiều người kiệt sức sau suốt gần 2 năm ròng rã chiến đấu với đại dịch. Một người bạn thân của tôi đã phát bệnh hiểm nghèo thời kỳ cuối, trong khi cũng căn bệnh đó, nếu được tầm soát đúng lúc, nghỉ ngơi đúng lúc, có thể dễ dàng phát hiện và chữa trị.
Báo chí thì dồn dập đưa tin: Bệnh viện Việt Đức, từ 1/3 sẽ hạn chế mổ xếp lịch để ưu tiên cho cấp cứu. Lý do: Còn tuần nữa là sạch bách vật tư, hóa chất...trong khi không thể đấu thầu mua sắm đồ các vướng mắc về thủ tục.
Bệnh viện Bạch Mai, sểnh cái là mất người, do suốt 3 năm qua các y bác sĩ lương ko đủ ăn sáng. Lý do: Cơ chế - một cơ chế khiến ví dụ một lần siêu âm ổ bụng chỉ được thu 43.900 đồng (trong khi các bệnh viện khác được thu đến 150 nghìn).
Bệnh viện Chợ Rẫy đang phải chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác do máy móc hỏng ko thể sửa, trang thiết bị vật tư không thể mua. Lý do: Vướng mắc cơ chế.
3 bệnh viện tuyến cuối đầu ngành, xương sống của nền y tế nước nhà, đều đang hoạt động cầm chừng vì cơ chế.
Ở bất cứ quốc gia nào, y tế luôn là lĩnh vực ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mọi người dân. Để việc chăm sóc sức khỏe người dân được tốt thì đòi hỏi cả 3 yếu tố: Chính sách từ các cơ quan quản lý và tài chính đảm bảo; cơ chế đào tạo và đãi ngộ với nhân viên y tế; ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế.
Chúng ta đang vướng mắc loay hoay cả ở 3 khâu đó.
Chính sách bảo hiểm y tế của chúng ta đang có nhiều điểm bất cập: Người nghèo thì không mua BHYT, nhiều người có thẻ BHYT nhưng lại thích khám dịch vụ… chứng tỏ chính sách BHYT chưa thu hút, chưa hấp dẫn, cần phải thay đổi.
Mức giá dịch vụ y tế tại các cơ sở công lập còn quá thấp, thu không đủ bù chi cho việc khám chữa bệnh một cách hiệu quả. Hậu quả là đang có sự dịch chuyển nhân sự giỏi nghề từ y tế công lập sang tư nhân.
Hệ thống bác sĩ gia đình chưa hiệu quả. Y tế xã, phường hầu như chưa đảm nhiệm được việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Khi có bệnh, thay vì được bác sĩ gia đình thăm khám thì người bệnh tự điều trị hoặc ra hiệu thuốc, nhân viên bán thuốc kê đơn, hoặc nếu bị nặng thì đến thẳng bệnh viện, làm tăng áp lực lên các bệnh viện.
Sự chênh lệch lớn về trình độ giữa các cơ sở y tế tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… với các tỉnh lân cận, dẫn đến tình trạng cứ đau ốm là người bệnh kéo về các thành phố lớn, gây quá tải hệ thống y tế.
Cách gỡ khó theo tôi vẫn phải là phát triển mạnh hệ thống bác sĩ gia đình, hoàn thiện chính sách BHYT, tính đúng tính đủ giá các dịch vụ y tế và tăng cường đãi ngộ cho nhân viên y tế.
Về phía đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, y bác sĩ cần được tạo đủ điều kiện để mưu cầu công việc và được chi trả xứng đáng để mưu cầu cuộc sống tử tế.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, muốn có dịch vụ chăm sóc tốt thì đều cần có cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ, nhân sự thực hiện trực tiếp phải được đãi ngộ xứng đáng.
Hiện nay, do những bất cập về chính sách, không ít bệnh viện lớn đang thiếu thuốc và thiết bị y tế để dùng cho bệnh nhân, trong khi đó thì thu nhập của nhân viên y tế còn eo hẹp, khiến chất lượng chăm sóc y tế không thể tốt nổi. Tôi sẽ không nhắc lại những con số đau lòng mà báo chí đã nói nhiều về thù lao cho bác sỹ chống dịch, về việc nợ tiền chống dịch của nhân viên y tế và sinh viên y khoa tình nguyện.
Chỉ muốn nhấn mạnh rằng bác sỹ chữa bệnh cứu người vì sứ mệnh, vì lương tâm, vì đã chọn đó là nghề đề theo, nhưng bác sỹ cũng cần sống, cần ăn đủ ngủ đủ để tái tạo sức lao động, cần đủ tiền cho gia đình sinh hoạt bình thường..., nên bên cạnh sứ mệnh, nghĩa vụ, chúng tôi chỉ cần được bình đẳng về quyền lợi.
Về việc chăm lo đời sống y bác sĩ, theo tôi nghĩ chỉ cần đảm bảo cho họ một môi trường làm việc tốt, và có một mức lương có thể sống thoải mái, không phải lo việc làm thêm ngoài giờ hay tìm cách "kiếm thêm" từ người bệnh.
Tất nhiên, việc này không thể đáp ứng ngay lập tức, nhưng các cơ quan quản lý cũng nên có những động thái, những phương án để nhân viên y tế cảm thấy yên tâm hơn để làm việc.
Về sự an toàn của họ khi hành nghề, thứ nhất là phải đảm bảo không bị người nhà bệnh nhân hay bất kỳ đối tượng nào đe dọa trong khi làm việc; thứ hai là an toàn về mặt nghề nghiệp: Có dụng cụ bảo hộ đầy đủ, không phải làm việc quá sức, có bảo hiểm nghề nghiệp…
Chúng tôi cũng ý thức được sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà y học hiện đại không ngừng bước tới.
Trên con đường hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại của cả nền y tế, theo tôi rào cản lớn nhất trong mỗi y bác sĩ chính là sự thụ động, chưa chú trọng việc tự học, tự đào tạo, tự nghiên cứu.
Bằng cấp, học hàm, học vị chỉ là điều kiện cần để một cơ sở y tế quyết định sử dụng một nhân viên y tế hay không. Tuy nhiên, để làm tốt thì mỗi y bác sĩ phải tăng cường việc tự học, tự nghiên cứu để cập nhật với những thông tin y tế luôn thay đổi tứng ngày. Không chỉ chuyên môn, còn phải tích cực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng các loại máy móc và công nghệ.
Nghề y đã cho tôi nhiều thứ. Thứ nhất là sự bình yên về mặt tâm hồn, cảm giác tích cực khi những kiến thức hay sự cố gắng của mình đã giúp ích được cho cộng đồng. Thứ hai là mở mang những mối quan hệ trong nhiều lĩnh vực, thường các bác sĩ quen biết khá nhiều, và những mối quan hệ đó giúp cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, dễ chịu hơn. Thứ ba, là đảm bảo cho những người thân trong gia đình sự chăm sóc sức khỏe ban đầu, ví dụ trường hợp này có cần vào viện hay không, nên sử dụng thuốc gì ngay, trước khi phải nhập viện…
Ví dụ như đợt dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội cách đây vài năm, mình tôi chăm sóc hơn mười người thân tại nhà của họ, vì các bệnh viện đều quá tải, chỉ nhận nếu tiểu cầu xuống quá thấp; hay như trong đại dịch Covid vừa qua, những người họ hàng có nhiều bệnh nền như tiểu đường, huyết áp… không thể nhập viện vì nhiều lý do, đều được tôi chăm sóc tại nhà một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng không ít kỷ niệm buồn, ví dụ từ chính những đàn anh của mình, dù là những bác sĩ giỏi, nhưng lại không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, đến khi phát hiện thì đã ung thư giai đoạn muộn, hoặc bị đột tử, đột quỵ.
Tôi nghĩ, một khi đã chọn ngành y, là chúng ta xác định vất vả, hy sinh. Không nên so bì với những ngành nghề khác, bởi trong mắt người dân, nhân viên y tế luôn là những người anh hùng áo trắng.
Hiện tại, dù hệ thống y tế nước nhà còn nhiều bất cập, nhưng là những người được đào tạo bài bản, chúng ta luôn có cách để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không ở trong môi trường bệnh viện thì ở ngoài xã hội, khám bệnh miễn phí cho bà con lối xóm, khu phố chẳng hạn, đâu khó khăn gì.
Chăm sóc sức khỏe không chỉ là khám bệnh, xong kê đơn hay mổ xẻ. Sức khỏe tốt bao gồm cả trạng thái tinh thần tốt cộng với sự khỏe mạnh về thể chất. Do đó ngoài thuốc men, cần quan tâm đến cả tinh thần của người bệnh cũng như việc tập luyện, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của họ, bởi đó mới là những yếu tố ảnh hưởng thường xuyên, lâu dài.
Niềm vui của bác sỹ, cuối cùng thì vẫn là được sống giữa một cộng đồng khoẻ mạnh. Nên tôi vẫn tin rằng, ngày Thầy thuốc buồn năm nay và 2 năm qua, chỉ là sự cố đặc biệt, hy hữu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.