Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 1.

Giống như các ông trùm khác nằm rải rác khắp các quốc gia thời hậu Xô Viết, giới nhà giàu của Ukraine đã tận dụng quá trình tư nhân hóa tài sản công còn thiếu sót để tạo ra những khối tài sản kếch xù, chủ trì các đế chế truyền thông, ngân hàng, viễn thông, thép, than và công nghiệp nặng.

Nhưng trái ngược với Nga, nơi Tổng thống Vladimir V. Putin đã cấm các nhà tài phiệt tham gia chính trị, các gia tộc giàu có của Ukraine vẫn giữ được ảnh hưởng to lớn, hoạt động như một "Nội các bóng đêm" với các phe nhóm trong Quốc hội.

Chiến lược gia Timothy Ash của Bluebay Asset Management từng nhận xét rằng: "Không ở đâu thuộc châu Âu mới nổi - nơi các quốc gia đã áp dụng cách tiếp cận phương Tây, các nhà tài phiệt lại chiếm ưu thế như ở Ukraine. Chắc chắn, sẽ có một vài nhân vật quyền lực trong một nền kinh tế nào đó, nhưng họ không chi phối tuyệt đối nền kinh tế như ở Ukraine ".

Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 2.

Đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh BBC

Tài phiệt Ukraine là nhóm các doanh nhân siêu giàu đang chi phối đời sống kinh tế và chính trị của đất nước. Hầu hết họ trở nên giàu có trong những năm 1990, nhờ mua rẻ tài sản nhà nước khi chúng được tư nhân hóa. Khi đó, chỉ qua một đêm, những người này bỗng chốc trở thành chủ sở hữu của những công ty độc quyền béo bở.

Với sự hậu thuẫn vô hình, những xúc tu của giới tài phiệt đã thâm nhập sâu vào xã hội Ukraine. Nhiều người thậm chí có đảng phái chính trị riêng và cả các hãng truyền thông hỗ trợ. Một số còn có các thẩm phán và công chức cấp cao sẵn sàng thực hiện các yêu cầu nếu họ cần. Với một thiết lập ban đầu như vậy, thật khó để thúc đẩy bất kỳ cải cách nào mà nó có khả năng "đe dọa" tới hệ sinh thái hàng đầu đó.

Thời kỳ những năm 90, Ukraine chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với quá trình tư nhân hóa nhanh chóng các tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Ảnh hưởng của các nhà tài phiệt Ukraine đối với chính trị trong nước và khu vực, đặc biệt là mối liên hệ của họ với Nga, là nguồn gốc của những lời chỉ trích từ các nguồn thân phương Tây chỉ trích việc Ukraine thiếu cải cách chính trị hoặc hành động chống tham nhũng.

Sự nổi lên của giới tài phiệt có liên quan đến quá trình tư nhân hóa các tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Các quy trình này thường liên quan đến việc phân phối các quyền sở hữu tài sản của các doanh nghiệp như vậy, đất đai và bất động sản thông qua các công cụ như chứng từ tư nhân hóa, giấy chứng nhận và phiếu giảm giá.

Lịch sử cho thấy, ảnh hưởng của các nhà tài phiệt đối với Chính phủ Ukraine là cực đoan. Năm 2011, một số nhà phân tích và chính trị gia Ukraine tin rằng một số ông trùm kinh doanh Ukraine, có "quan hệ béo bở" với Nga, đang cố tình cản trở sự hội nhập Liên minh châu Âu của Ukraine.

Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 3.

Cựu tổng thống Petro Poroshenko (trái) và nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky. Ảnh BBC

Nhiều doanh nhân Ukraine đã "nắm quyền kiểm soát" các đảng chính trị (ví dụ về điều này là Đảng Những người xanh của Ukraine, Lao động Ukraine và Đảng Dân chủ Xã hội của Ukraine (thống nhất) hoặc bắt đầu các đảng mới để giành được ghế và ảnh hưởng tại Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine).

Oleksandr Danyliuk, một cựu bộ trưởng tài chính Ukraine, người đã giúp quốc hữu hóa ngân hàng PrivatBank từng tiết lộ trên tờ Carnegiemoscow rằng, các nhà tài phiệt Ukraine từng cố gắng tư nhân hóa hệ thống nghị viện Ukraine bằng cách mua lại các đảng chính trị và kênh truyền hình. Và thực tế, đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky đã đau đầu với những chiếc vòi bạch tuộc của giới siêu giàu trong nước ăn sâu bám rễ vào hệ thống chính trị Ukraine. Giờ đây, tổng thống Zelensky đang cố gắng lấp đầy hệ thống đó bằng nội dung của riêng mình.

Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 4.

Kể từ khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Ukraine Zelensky đã nung nấu dùng "bàn tay sắt" để chặt đứt những chiếc vòi bạch tuộc của giới tài phiệt. Thực tế, với sự hậu thuẫn của Mỹ, ông Zelensky đã được Washington cung cấp cho một số loại "đạn dược" mới để đấu lại giới tài phiệt.

Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 5.

Các nhà chức trách Ukraine ít nhất đã gửi đi một thông điệp rằng, "thời đại của những kẻ đầu sỏ" sắp kết thúc.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được áp đặt vào đầu tháng 3 năm nay đối với hàng hóa và ông trùm truyền thông Ihor Kolomoisky, một trong những con cá lớn nhất trong cái ao của giới tài phiệt Ukraine.  Cách đây 7 năm, Ihor Kolomoisky đã mua được chiếc ghế thống đốc ở một khu vực đông nam Ukraine và cũng từ thời điểm đó, bàn tay tham nhũng của ông ta đã đục khoét được một khoản "đáng kể".

Tài phiệt Kolomoisky và toàn bộ thành viên trong gia đình bị cấm đến Mỹ. Đối phó với Kolomoisky cũng có thể là trường hợp thử nghiệm quan trọng nhất đối với Zelensky - để chứng minh bản lĩnh chống lại "đầu sỏ".

Ông Kolomoisky có lẽ cũng là nhà tài phiệt nổi tiếng nhất của Ukraine. Nổi tiếng về những phát ngôn mạnh mồm và các vụ việc gây nhiều tranh cãi. Vị doanh nhân quyền lực này có nhiều mối quan tâm kinh doanh khác nhau, từ công nghiệp khai thác cho đến các hãng hàng không.

Vào năm 2016, ngân hàng lớn nhất Ukraine PrivatBank do ông Kolomoisky thành lập đã bị quốc hữu hóa để tránh nguy cơ khủng hoảng cho hệ thống ngân hàng, sau khi 4,5 tỷ USD bị "mất tích" trong bảng cân đối kế toán và những tin đồn về nợ xấu. Tất nhiên, ông này vẫn đăng đàn tuyên bố phủ nhận bất cứ việc gì sai trái.

"Đầu sỏ" tiếp theo phải kể đến là Viktor Medvedchuk - một doanh nhân giàu có và là bạn thân của Tổng thống Nga V. Putin, cũng vừa bị buộc tội phản quốc và bị quản thúc tại gia.

Trong nhiều năm, ông Medvedchuk, lãnh đạo đảng Vì cuộc sống (OPFL) thân Nga, đã được các giới chức Ukraine dung nạp vì được coi là một kênh liên lạc quan trọng với Điện Kremlin. Với việc ông Zelensky không đạt được tiến bộ nào trong nỗ lực đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh ở miền Đông, có vẻ như đã có những toan tính khác. Vào ngày 19 tháng 2, họ đã phong tỏa tài sản của Viktor Medvedchuk. Medvedchuk đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ kể từ tháng 3 năm 2014.

Cựu Tổng thống Petro Poroshenko có thể là trường hợp tế nhị nhất. Ông trùm cửa hàng đồ ngọt từng giành chiến thắng vào năm 2014, trước khi chịu thua trong cuộc đua gay cấn với người mới và "ngoại đạo" là danh hài Zelensky, 5 năm sau đó.

Kể từ khi rời nhiệm sở, ông Poroshenko vẫn phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra và truy tố. Tổng thống Zelensky trong tuần trước đã cáo buộc người tiền nhiệm đã làm "nhiều điều tồi tệ và nghiêm trọng" khi đương nhiệm và hiện đang phải đối mặt với "nghiệp chướng".

Chính quyền Ukraine nhận thấy rằng viện trợ lớn hơn của phương Tây và các khoản vay quốc tế phụ thuộc vào việc giảm bớt ảnh hưởng của giới tài phiệt này.

Một hợp đồng cho vay trị giá 5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang bị hoãn khi chính quyền Ukraine cố gắng thuyết phục các quan chức IMF rằng họ nghiêm túc trong việc giải quyết tham nhũng.

Tài phiệt Ukraine - Nội các bóng đêm - Ảnh 6.

Quyết định quản thúc ông Medvedchuk đã khiến Tổng thống Nga Putin tức giận. Ảnh Reuters

Sự thành công của một chiến dịch chống lại những "kẻ đầu sỏ" cũng có thể quyết định tương lai chính trị của ông Zelensky trong một cuộc đấu tái tranh cử có thể xảy ra vào năm 2024.

Zelensky đã đặt một câu hỏi cho các nhà tài phiệt trong một video rằng: "Các ông đã sẵn sàng làm việc hợp pháp và minh bạch chưa hay các ông muốn tiếp tục tạo độc quyền, kiểm soát truyền thông, ảnh hưởng đến các cấp phó và các công chức khác?"

Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Zelensky, giới quan sát cho rằng, thật khó để chặt đứt những chiếc vòi bạch tuộc của giới tài phiệt Ukraine và những tuyên bố của Zelensky chỉ là "chiêu PR" của ông mà thôi. Danylyuk- cựu Bộ trưởng Tài chính Ukraine, nói rằng bất kỳ biện pháp nào chống lại hoạt động kinh doanh của các nhà tài phiệt cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraine và bản thân ông Zelensky đang "không biết mình đang làm gì và hậu quả ra sao".

Năm 2008, tổng tài sản của 50 nhà tài phiệt giàu nhất Ukraine bằng 85% GDP của Ukraine. Vào tháng 11 năm 2013 con số này là 45% (GDP). Đến năm 2015, do cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea sau đó và cuộc chiến ở Donbass, tổng tài sản ròng của 5 người Ukraine giàu nhất và có ảnh hưởng nhất vào thời điểm đó (Rinat Akhmetov, Viktor Pinchuk, Ihor Kolomoyskyi, Henadiy Boholyubov và Yuriy Kosiuk) đã giảm từ 21,6 tỷ đô la vào năm 2014 xuống còn 11,85 tỷ đô la vào tháng 6 năm 2015 (Năm 2014, GDP của Ukraine giảm 7%; năm 2015 giảm 12%).

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem