Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa. Trò chuyện với Dân Việt, Tiến sĩ Luật học Trần Kiên, chuyên gia nghiên cứu Luật và Chính trị Hoa Kỳ, đã phân tích động thái của mỗi ứng cử viên trong chặng đua nước rút.

TRUMP CHƯA TẠO THẾ THẮNG

Đến chặng tranh cử nước rút vài ngày nay, ông Trump đã thu hẹp khoảng cách với ông Biden. Theo Tiến sĩ, đó có là một chỉ dấu tốt cho ông Trump?

- Tôi cho rằng việc thu hẹp khoảng cách không nằm ngoài dự đoán, vì một số lý do:

Thứ nhất, từ trước đến nay, đặc biệt sau bầu cử 2016 người ta ít tin vào dự đoán vì sai lệch lớn. Vì thế nên họ nhìn con số dự đoán rất hoài nghi, coi đó là một nguồn tham khảo nhưng không phải là nguồn tham khảo chủ chốt.

Ngoài ra, người ta biết có một lực lượng ủng hộ Trump lớn, gọi là "silenced majority" - "đa số thầm lặng". Số ủng hộ này được dự đoán là lớn nhưng chưa bao giờ thể hiện rõ quan điểm. Có thể vì họ không muốn đối đầu với người khác trong xã hội. Bởi số người chống Trump rất đông nên họ lựa chọn ủng hộ trong im lặng và đến cuối mới thế hiện.

Cũng không thể không tính mấy tháng cuối Trump có thành tích đặc biệt tốt. Kinh tế khả quan hơn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành mà tăng trưởng GDP quý 3 lên tới 33%, đó là con số đáng nể. Ông cũng thành công liên tục về mặt ngoại giao, đặc biệt trong việc thúc đẩy 3 quốc gia Arab ký Hiệp định hòa bình với Israel. Thế nên nhiều người chợt nhận thấy, hóa ra ông không tệ như mình từng nghĩ, và họ sẽ thể hiện quan điểm ủng hộ.

Còn nhiều lý do khác, trong đó có thể là cuộc tranh luận giữa Trump và Biden gần nhất, nơi mà nhiều người đánh giá Trump thể hiện tốt hơn, kiềm chế hơn, tấn công đúng mực, thể hiện quan điểm về các vấn đề tốt hơn. Kết hợp các yếu tố đó lại, tỷ lệ ủng hộ Trump tăng lên thông qua điều tra xã hội học hoặc khảo sát là bình thường.

Nhưng tôi nhấn mạnh, điều đó chỉ có nghĩa là Trump rút ngắn khoảng cách so với Biden chứ không phải là có thế thắng Biden.

Thế và lực của Trump và Biden ra sao trong chặng đua nước rút? - Ảnh 1.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đối đầu của hai "võ sĩ" lão luyện. Ảnh: NBC.

Vụ laptop được tung ra vào phút cuối. Liệu đó gây ra nhiều bất lợi cho Biden?

- Ngay từ đầu tôi đã ngửi thấy mùi "thuyết âm mưu" trong vụ này. Nhưng phóng sự điều tra của NBC News hôm 1/11 đã chứng minh bản báo cáo có người viết nên, còn người cung cấp thông tin là do phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. Có một chút liên quan đến Việt Nam ở đây: Một Phó Giáo sư của Đại học Fulbright Việt Nam bị cho là đã tham gia viết báo cáo và ngay lập tức ông này bị trường cho thôi việc.

Vụ này không khéo lại là đòn phản lại Trump. Hiện nay tôi thấy đa số người ủng hộ Trump, tạm gọi là cánh hữu, sử dụng vụ "Smoking Guns" (nòng súng bốc khói) này như bằng chứng để tấn công Biden nhưng tôi thấy cơ sở rất yếu. Tôi không nói người ủng hộ Trump tạo ra vụ này và cũng không rõ ai tạo ra, song NBC là kênh truyền hình lớn, họ đã chứng minh được ảnh người cung cấp thông tin là AI tạo ra, là nhân vật không có thật.

Mặt khác, vụ này liên quan con trai của Biden là Hunter đã diễn ra từ 3 năm nay. 3 năm trước Trump đã tấn công vào Hunter nhưng không hiệu quả. Luật sư riêng của Trump là Giulliani đã bị phát hiện bay sang Ukraina mặc cả nếu truy tố con trai Biden thì sẽ đổi lại bằng tiền. Nên việc tung "đòn" này ra không ăn thua. 

Chưa kể đến việc người dân và báo chí Mỹ đã có kinh nghiệm với vụ tương tự của FBI nhắm vào Hillary Clinton ngay trước ngày bầu cử năm 2016 và sau đó là báo cáo điều tra của công tố viên đặc biệt về việc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ 2016 và đồng lõa hay tiếp tay của một số nhân viên của Tổng thống Trump. Thế nên, có thể thấy là vụ laptop lần này sẽ khó mà tác động tới kết quả bầu cử.

Thế và lực của Trump và Biden ra sao trong chặng đua nước rút? - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Kiên - giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông nhận xét thế và lực mỗi bên ra sao?

- Rất khó nói điều đó. Mỗi bên có những lợi thế và hạn chế riêng. Donald Trump đang là đương kim Tổng thống với ekip của mình. Nhưng Biden lại có được sự ủng hộ của nhiều người (bao gồm cả những lực lượng đối lập) và báo chí. Ngoài ra, nếu chỉ nhìn vào số tiền gây quỹ thì cho đến nay, Biden đang nhiều gấp đôi Trump. Nhìn vào đó chúng ta có thể thấy người ủng hộ Biden đông hơn, bởi tiền là thật.  

"Khó mà bóc tách được thế và lực của mỗi người đến đâu. Nhưng một chỉ dấu là Biden đến đoạn cuối phải sử dụng đến cả sức ảnh hưởng của vợ chồng cựu Tổng thống Obama và Michelle giúp vận động tranh cử liên tục cho thấy, có lẽ phe của Biden đang lo lắng".

TS. Trần Kiên

Tuy nhiên nhìn những người ủng hộ phe Cộng hòa, đặc biệt ở các bang Trung Tây, người da trắng gốc Mỹ rất đông đảo và họ đặc biệt trung thành. 

Quan sát giai đoạn cuối Trump tổ chức vận động tranh cử rất lớn với các màn tranh cử hoành tráng như hạ trực thăng xuống đám đông hàng nghìn người rất ấn tượng. Còn Biden vẫn chọn cách mềm mỏng, an toàn, với vài chục người ngồi cách xa nhau cũng cho thấy phần nào thế và lực của hai bên. 

Nhưng theo tôi, hai bên đang tương đối cân bằng. Trump có lợi thế vẫn là Tổng thống, còn Biden lại có sự ủng hộ áp đảo của báo chí truyền thông. Nhiều khi tôi ngạc nhiên khi thấy các tin bài tích cực về Trump trên thuyền thông, báo chí hiếm hoi đến thế.

Khó mà bóc tách được thế và lực của mỗi người đến đâu. Nhưng có một chỉ dấu là Biden đến giai đoạn cuối phải sử dụng đến cả ảnh hưởng của vợ chồng cựu Tổng thống Obama và Michelle giúp vận động tranh cử liên tục cho thấy, có lẽ phe của Biden đang lo lắng.

Có lẽ bởi ngay từ đầu Đảng Dân chủ đã không tìm được ứng cử viên mạnh cho kỳ bầu cử này?

- Biden là lựa chọn an toàn của Đảng Dân chủ. Tôi nghĩ ông Bernie Sanders có thể là ứng viên tốt hơn Biden vì được ủng hộ đông hơn trong Đảng Dân chủ. Nhưng Sanders là lựa chọn nhiều rủi ro trong khi Đảng Dân chủ không có ứng viên tạo sức hút như Trump. 

Còn Biden là chính trị gia có kinh nghiệm, hài hòa, cổ súy những giá trị cũ mà đa số người Mỹ vẫn theo đuổi. Đảng Dân chủ cũng có những ngôi sao đang lên, nhưng họ quá trẻ, chưa đủ sức đối đầu với Trump. Để họ chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới thì hay hơn.

Nhiều người Mỹ bầu cho Biden không phải vì ông ấy sẽ là tổng thống tốt, mà vì chán Trump và muốn loại Trump. Đọc bức thư của 200 trí thức cánh tả Mỹ kêu gọi cánh tả Mỹ hãy bầu cho Biden có thể thấy rõ điều đó.

Thế và lực của Trump và Biden ra sao trong chặng đua nước rút? - Ảnh 4.

Cựu Phó Tổng thống Biden - chính trị gia lão luyện của Đảng Dân chủ, người biết lắng nghe và thuyết phục. (Ảnh: Arizona Republic)

TRUMP KHIẾN CÁC NƯỚC TỰ TIN HƠN

KHI ỨNG XỬ VỚI TRUNG QUỐC

 Nhìn lại 4 năm của Tổng thống Trump, ông đánh giá như thế nào?

- Sự hỗn loạn. Ông Trump xuất hiện đã thay đổi nhiều thứ và nếu ông ấy tiếp tục 4 năm nữa thì sẽ còn thay đổi hơn nữa. Sự hỗn loạn đó xuất phát từ tính cách: Ông ấy là người có nhiều quyết định bất ngờ và mang tính cá nhân, ngay cả chuyện ông mất 4 năm ổn định bộ máy hành pháp, loại người này đưa người kia làm bộ trưởng cũng thể hiện sự hỗn loạn đó rồi.

Thứ hai là các chính sách của ông ấy: Dù đưa ra khẩu hiệu Make America great again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), nhưng thực tế ông không có chiến lược cụ thể nên một số chính sách đưa ra tùy hứng. Có thể ông ấy có ý tưởng, nhưng thông thường các tổng thống khác sẽ tham vấn một bộ máy gồm tất cả các bên trước khi triển khai, nhưng Trump triển khai luôn. Và khi chịu sức ép, ông sẵn sàng sử dụng chiêu trò để gạt bỏ hoặc vượt qua các sức ép đó. 

Thứ ba, Covid-19 khiến mọi thứ khó dự đoán, mọi hoạt động, chính sách, quyết định của Trump đều rơi vào tình trạng không thể thực thi và dự đoán được.

Nhưng hãy lưu ý, ngay từ khi ông mới lên nắm quyền, người ta đã phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Và ông Kissinger đã nói: Trump có thể là một tương lai. Bởi vì toàn bộ hệ thống hiện nay xơ cứng và bất lực. Để giải quyết tình huống mới, cần cơ chế mới, con người mới, cách làm mới. Và Trump có thể là con người đó!

Đâu là thành công và thất bại của ông Trump?

- Tôi nghĩ nên đánh giá từng mảng. Ông ấy thất bại về đối nội, vì đã làm nước Mỹ chia rẽ hơn, đến mức khó lòng hàn gắn. Cách ông ấy phản ứng trước đại dịch Covid-19 khiến thất bại càng nặng nề cả về kinh tế, y tế, con người. Ông ấy phải chịu trách nhiệm chính cho việc này. 

Trump cũng có những thành tựu kinh tế nhưng không đủ thuyết phục. Các thành tựu đó rất mong manh, chưa đủ thời gian ngưng tụ thành kết quả có tính biểu hiện. Ông ấy hứa mang công ăn việc làm trở lại Mỹ, rút công ty Mỹ khỏi Trung Quốc và các quốc gia khác. Ban đầu nhiều người hồ hởi nhưng có ai xây dựng nhà máy ở Mỹ đâu. 

Thứ hai, các chính sách đó luôn đặt trong bối cảnh không biết thay đổi như thế nào. Các nhà đầu tư kinh doanh cần chính sách, tầm nhìn dài hạn, nếu chính sách thay đổi hàng năm thì họ không thể tự tin yên tâm đầu tư.

Ngoài ra yếu tố Covid-19 đã làm thành tích của Trump như tăng trưởng công ăn việc làm biến mất. Dù ông ấy đổ lỗi cho nước nào thì hậu quả của Covid-19 chính là do phản ứng của ông ấy. Covid-19 làm mất hết mười mấy triệu việc làm mới tạo ra, giờ là âm. Nếu Trump có chính sách phù hợp, không phải lockdown (lệnh đóng cửa) thì có thể mọi thứ vẫn vận hành bình thường trong lòng nước Mỹ. Mỹ là nước tiêu thụ lớn, không lockdown thì việc làm chưa chắc đã mất. 

Nhưng phải thừa nhận, ông Trump thành công về đối ngoại. Ông ấy có nhiều ý tưởng, rõ nhất là việc thúc đấy 3 nước Hồi giáo ký hiệp định hòa bình với Israel. Đây là điều không tưởng, đến mức Arab Saudi cũng phải bắt đầu cân nhắc. Chính sách ban đầu của Trump trong việc buộc các đồng minh chịu trách nhiệm nhiều hơn, ai cũng nghĩ ông ấy bỏ rơi đồng minh nhưng không phải.

Có vẻ ông đã bắt đầu tái cân bằng thành công, từ việc đặt vị trí quân sự của Mỹ đến đóng góp của Mỹ vào các tổ chức hiệp ước mà Mỹ dẫn dắt. Các nước đồng minh của Mỹ bắt đầu chi tiêu quân sự nhiều hơn, Mỹ tái triển khai quân đến vị trí cần thiết hơn, ví dụ từ Đức đến Thụy Điển, đến Ba Lan, kề sát với Nga.

Thế và lực của Trump và Biden ra sao trong chặng đua nước rút? - Ảnh 6.

Donald Trump - ứng cử viên đầy sức hút của Đảng Cộng hòa. Ảnh: Detroit News.

Cũng không thể không nói đến chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trump, việc đưa Ấn Độ vào thành lập Nhóm bộ tứ Quad là ý tưởng tuyệt với, ai cũng biết việc đó nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Một thành tựu nổi bật của Trump nữa: Ông là Tổng thống duy nhất trong vài nhiệm kỳ tổng thống gần đây không phát động bất kỳ một cuộc chiến tranh nào khi tại vị. Ngay cả Obama cũng đã phát động chiến tranh dù ông ấy được trao giải Nobel Hòa bình.

Nhưng Trump cũng có nhiều hành động tiêu cực: Việc rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiếp tục cô lập Iran, tìm cách tránh việc thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao với Cuba...

Xét về đối ngoại đó là những quyết định có lẽ không phù hợp, không nhất thiết phải làm thế. Ví dụ việc Trump làm với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) rất xuất sắc, thay vì rút khỏi thì ông ấy buộc Mexico và Canada đàm phán lại có lợi cho nước Mỹ.

"Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trump, việc đưa Ấn Độ vào thành lập Nhóm bộ tứ Quad là ý tưởng tuyệt vời. Trump cũng là tổng thống duy nhất trong vài nhiệm kỳ tổng thống gần đây không phát động cuộc chiến tranh nào".

TS Trần Kiên

Nhưng với Trung Quốc, Trump đã gây căng thẳng hơn nhiều. Tiến sĩ đánh giá thế nào về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump làm tổng thống?

- Tôi nghĩ đó là thành công của ông Trump. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chắc chắn khiến Mỹ phải giải quyết dù sớm hay muộn. Trump là người "khơi mào" cho cuộc chiến đó dù Obama đã nhận ra và bắt đầu triển khai với TPP, TPP là chiến lược nhằm kiềm tỏa Trung Quốc. Nhưng cách làm của Obama rất nho nhã. Ngược lại Trump thấy cách đó không hiệu quả, thiếu mạnh mẽ, và không tạo sự tin tưởng với đồng minh. Nên Trump đã phát động cuộc chiến thương mại, buộc Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ thừa nhận cuộc chiến và phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với bình thường mới, và khiến Mỹ có lý do để có thể tập trung nguồn lực cho cuộc chiến đó.

Thêm nữa, qua đó các đồng minh của Mỹ tự tin hơn khi ứng xử với Trung Quốc.  Ví dụ Australia trước rất dè chừng nhưng giờ sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc hơn, gửi quân, tàu ngầm, tàu chiến tham gia tuần tra, tập trận. Anh, Pháp cũng tự tin hơn; một ông Thị trưởng ở Czech thậm chí còn dám viết thư chỉ trích Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - điều trước đây chưa từng có.

Liệu sự đối đầu đó có trở thành cuộc chiến giữa hai mô hình hay không? Tôi nghĩ là sẽ là cuộc chiến giữa hai mô hình. Không chỉ về thương mại mà có thể là chính trị, văn hóa - như việc Mỹ tìm cách đóng hết các Viện Khổng Tử ở Mỹ; hay về công nghệ - là một yếu tố cốt lõi của cuộc chiến này.

BƯỚC ĐI PHÙ HỢP CỦA NƯỚC NHỎ

Rõ ràng sự đối đầu Mỹ - Trung đó đã khiến thế giới quan tâm sâu sát hơn trước động thái của mỗi bên?

- Chắc chắn rồi. Suốt thế kỷ 20 chúng ta đã chứng kiến thế giới chia phe giữa tư bản và xã hội chủ nghĩa, sự chia phe rõ rệt hơn bây giờ. Đó là cuộc chơi giữa các nước lớn. Nước lớn đối đầu và nước nhỏ buộc phải lựa chọn. Nhưng khác với thế kỷ 20, giờ đây việc chia phe không rõ ràng.

Quan hệ thương mại đã đan xen đến mức không thể không làm ăn với nhau nữa, không phải như xưa là cấm vận tuyệt đối luôn. Kể cả là chiến tranh thương mại thì đồ của Ivanka vẫn là Made in China. Làn sóng toàn cầu hóa và hội nhập đủ lớn đến mức không thể đóng cửa hoàn toàn.

Cuộc chiến lần này rất thú vị, họ tìm cách kiềm tỏa nhau về thương mại, an ninh chính trị, công nghệ thay vì cấm vận tuyệt đối.

Nhưng chắc chắn trong cuộc chiến này các nước nhỏ phải lựa chọn, phải tìm bước đi phù hợp. Tôi cho rằng, các nước nhỏ chọn "đi trên dây" có thể là lợi bất cập hại. Khi cần thể hiện quan điểm nhưng anh nghĩ mình chọn chơi với cả hai phía, thu lợi và nghĩ cách đó ổn là nhầm. Nước lớn họ luôn biết rõ ai là đồng minh, ai là đối thủ, và ai là người tìm cách "đi dây". 

Không ai chia sẻ chiến thắng cho người không phải đồng minh cả. Nếu họ có ve vãn người đang "đi dây" tại thời điểm này thì chẳng qua họ cũng chỉ muốn lợi dụng cho mục tiêu của họ thôi.

Thế và lực của Trump và Biden ra sao trong chặng đua nước rút? - Ảnh 6.

Bầu cử Mỹ: Ai sẽ là người chiến thắng? Ảnh: Bloomberg.

Trump hay Biden thắng cử, quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam sẽ thay đổi ra sao, thưa ông?

- Tôi nghĩ là Trump thắng sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn. Trump có thái độ và chính sách kiềm tỏa Trung Quốc rõ ràng. Ông ta đã phát động cuộc chiến này nên sẽ không thể rút lại, dù có muốn. Trong chiến lược đó Mỹ sẽ cần tìm kiếm và hỗ trợ đồng minh, đặc biệt hỗ trợ các nước bị Trung Quốc gây sức ép...

Giờ thì không còn trắng - đen rõ ràng như ngày xưa. Nhưng tôi thấy Việt Nam cần suy xét kỹ. Một sự lựa chọn phù hợp có thể là bước đệm giúp biến Việt Nam thành cường quốc tầm trung trong khu vực, điều đó cũng sẽ góp phần làm ổn định tình hình trong khu vực. 

Nhưng tất nhiên thành cường quốc hay không thì phải do lựa chọn và quyết định của chính chúng ta, chứ không phải do Mỹ hay do Trung Quốc quyết định.

Vậy ai thắng cử sẽ tốt hơn cho thế giới?

- Tôi nghĩ là Biden. Biden sẽ không dại gì phá hủy thành quả mà Trump đạt được, đặc biệt là việc chuyển hướng đối ngoại chính trị. Ông ta sẽ biết cách tiếp thu và phát triển các thành tựu đó. Mặt khác, Biden cũng biết cách thiết lập lại các quan hệ cũ, các giá trị cũ tạm gọi là có lợi cho Mỹ, như các đồng minh trung thành, không gây sức ép, không bắt nạt, dọa nạt. Ông ấy sẽ lắng nghe và biết tập hợp hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ Trần Kiên - giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội.

Ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ Luật tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh. Trước đó, ông tốt nghiệp cử nhân luật học tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem