Ngay từ nhỏ, tôi đã có một chút năng khiếu cùng với niềm đam mê mãnh liệt dành cho những giai điệu dìu dặt và những nhạc cụ truyền thống ở quê mình. Những buổi theo người lớn dự ngày vui của bản, ánh mắt tôi luôn đau đáu không rời những pí, những sáo; bước chân cứ lẽo đẽo theo sau những người có tài thổi kèn lá, kèn môi.
Lớn lên một chút, khi đã biết chăn trâu phụ giúp gia đình, nẻo đường từ nương về nhà của tôi thường dong trâu qua nhà một nghệ nhân già và luôn được nghe tiếng sáo của ông. Và rồi sự cuốn hút kỳ lạ ấy đã giúp tôi thuyết phục được bố mẹ cho phép sang xin thầy được học thổi sáo, thổi pí, thổi kèn lá, kèn môi- lễ nhập môn chỉ là một bó chè xanh cắt từ vườn nhà.
Nghệ nhân sáo “chân đất” Quán Vi Cầu. (Ảnh: Cao Duy Thái)
Năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ và hành trang mang theo là cây sáo dắt lưng. Biết tôi có năng khiếu, đơn vị đã phân công cho đảm nhận các nhiệm vụ ở tuyên huấn, đội văn nghệ của sư đoàn... Phục viên về với bản làng năm 1984, hành trang giá trị nhất của tôi vẫn chính là cây sáo, cây pí quen thuộc và bắt đầu từ đó, tôi hòa mình vào, lăn lộn cùng phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Với tôi, cây pí, cây sáo đã trở thành một phần của cuộc sống, chẳng thế mà, tôi hiểu chúng đến từng âm sắc, chi tiết nhỏ...
Niềm vui lớn nhất của tôi giờ đây đâu chỉ là mỗi buổi chiều thanh thản ngồi thổi sáo ru cháu ngủ mà còn phần nào lan tỏa niềm đam mê văn hóa văn nghệ, nhạc cụ dân tộc ra khắp bản làng để tạo nên một bản Ạng luôn là điểm sáng trong phong trào nghệ thuật quần chúng, và không chỉ ở xã mà còn cả ở huyện, ở tỉnh đều biết đến. Tôi vẫn tin rằng, thế hệ của tôi sẽ giữ lại được những âm sắc, nhạc cụ dân gian để truyền lại cho con cháu...
(Ông Quán Vi Cầu - bản Ạng, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.