Năng suất và diện tích vượt trội
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2014 là năm gặp không ít khó khăn trong sản xuất lúa lai F1. Vụ đông xuân, miền Bắc gặp nhiều đợt rét đậm kéo dài, thời vụ gieo trồng và sinh trưởng chậm. Quá trình phát triển cũng gặp nhiều đợt rét hại làm cho lúa phân nhánh kéo dài, dòng bố mẹ phát dục không đều, cuối vụ nắng nóng gay gắt. Vào vụ mùa, một số tổ hợp gieo sớm gặp mưa lớn, giai đoạn trỗ đòng gặp bão số 3, đã ảnh hưởng lớn đến năng suất hạt lai F1.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại, năm 2014 vẫn được xác định là năm thành công của chương trình sản xuất lúa lai F1 với việc sản lượng, diện tích và năng suất hạt lai F1 trên toàn quốc đều tăng ngoài mong đợi. Theo chương trình phát triển lúa lai F1 đã được Bộ NNPTNT phê duyệt, vùng sản xuất hạt lai F1 được mở rộng trên toàn quốc và đã rất thành công.
Theo TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, quy mô sản xuất hạt lai F1 năm nay đã lên 2.500ha với 12.500 hộ gia đình tham gia. Năng suất bình quân toàn quốc đạt hơn 2,9 tấn/ha. Số lượng tổ hợp lúa lai được chọn tạo, nhân dòng trong nước đã tăng đáng kể, trong đó có một số tổ hợp có ưu thế vượt trội về thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng rộng, năng suất và chất lượng rất tốt. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã cơ bản làm chủ được công nghệ, kinh nghiệm về nhân dòng mẹ bất dục, dòng duy trì và công nghệ sản xuất hạt lai F1 của nhiều tổ hợp lai.
Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai Trần Thị Hằng thông tin, mặc dù là tỉnh miền núi, điều kiện sản xuất hạt lai F1 rất khó khăn nhưng Lào Cai đã thành công. Năm 2014, Lào Cai đã sản xuất với tổng diện tích lúa F1 là 131,3ha với năng suất vụ xuân đạt 3 tấn/ha, vụ Mùa đạt 2,8 tấn/ha. Lào Cai đang dân chủ động được công nghệ và chọn tạo được một số dòng bố mẹ phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Tiếp tục nghiên cứu đột phá cho dòng bố mẹ
Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu hoàn toàn hạt giống lúa lai, từ dòng bố mẹ đến hạt lai F1, đến nay đã từng bước nghiên cứu, chọn tạo thành công các dòng bố, mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước, giảm dần lượng giống nhập khẩu. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Cằng - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng, các dòng bố mẹ đang sử dụng được các nhà khoa học chọn tạo từ những 1990, đã đạt ngưỡng về năng suất và đang trở nên cũ kỹ. Để tạo đột phá, rất cần các nhà khoa học, nhà quản lý đầu tư nghiên cứu để chọn tạo các dòng bố mẹ vượt trội, tạo các tổ hợp lai mới thì mới có những đột phá về lúa lai như trong những năm vừa qua. Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng các nhà khoa học để có những giống lúa mới, tạo đột phá nhưng cũng rất cần các chính sách cụ thể của Bộ NNPTNT để bảo đảm quyền lợi cho các nhà khoa học, doanh nghiệp khi đầu tư vào nghiên cứu. Rất cần lộ trình cụ thể của Bộ NNPTNT cho doanh nghiệp và nhà khoa học nghiên cứu.
Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Vai trò của các doanh nghiệp và hoạt động khuyến nông rất quan trọng trong chương trình này. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho chương trình sản xuất lúa lai F1 nhằm chủ động trong sản xuất, giảm giá lúa giống cho nông dân. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu để ổn định lộ trình phát triển lúa lai F1, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp phát triển và sẽ sớm chấm dứt việc các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn chụp giật trong sản xuất F1”.
Đã chủ động được 40% giống lúa lai
TS Phan Huy Thông cho biết: “Chương trình sản xuất hạt lai F1 đã đào tạo được đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất lúa lai F1 trên toàn quốc, xác định được một số vùng sản xuất hạt lai F1 có lợi thế. Đặc biệt, chương trình đã xây dựng thành công chuỗi liên kết lúa lai F1 khép kín gồm nghiên cứu, sản xuất và tiêu thu theo mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất giống lúa lai F1. Với kết quả của chương trình sản xuất lúa lai F1 năm 2014, chúng ta đã chủ động được 40% nhu cầu của nông dân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.