"Những đứa trẻ mang bầu" là một bộ ảnh được thực hiện bởi Shine Academy - Học viện đào tạo kỹ năng mềm, với sự góp sức của MC Công Tố và MC Minh Trang trong vai trò giám đốc sáng tạo, cùng giám đốc hình ảnh là nhiếp ảnh gia Dạ Miêu.
Bộ ảnh thuộc dự án truyền thông với ý nghĩa nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Với hình ảnh chủ đạo là những bé gái, hóa thân thành những nạn nhân của xâm hại tình dục, mang trong mình hậu quả của tội ác này, các em trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi đều đang mang bầu. Bộ ảnh hiện được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
MC Phí Linh ủng hộ dự án nhưng không thích màu ảnh và typo của bộ ảnh cũng như cho rằng giới hạn của sự phản cảm và gây shock đã đến ngưỡng rồi nên các êkíp khác không nên học theo. Cô cũng cho rằng nên tập trung vào những kẻ xâm hại tình dục sẽ có nhiều tính giáo dục hơn là tập trung vào các nạn nhân.
MC Phí Linh chia sẻ: "... Vậy nên có lẽ phải cảm ơn bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu. Cảm giác ghê rợn, sợ hãi là tâm trạng chung của mỗi người tiếp cận. Có ý kiến khen chê, đồng thuận, trái chiều. Riêng về thẩm mỹ thì mình không thích màu ảnh và typo một chút nào. Nhưng dù đang khen hay chê, những tiếng nói đang nhiều thêm để cùng dấy lên mạnh mẽ thông điệp bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi quấy rối, xâm hại tình dục và nạn ấu dâm.
Người mẫu nhí trong Những đứa trẻ mang bầu
Chúng ta có thể phê bình nhưng không nên chỉ trích êkip thực hiện, cũng đừng phê phán các em bé và bố mẹ các em khi đã đồng ý cho con em mình tham gia dự án này. Mình tin những suy nghĩ đúng, những tiếp cận văn minh sẽ không làm ảnh hưởng gì đến tuổi thơ trong sáng của các em, thậm chí các em ý thức rõ ràng hơn trong việc bảo vệ bản thân và chia sẻ với bố mẹ một cách gần gũi hơn, rồi còn nói cho bạn bè ở lớp cùng nhận thức nữa, chứ sẽ không ngu si như mình ngày xưa. Êkip có lý của họ khi tung những hình ảnh chạm ngưỡng ranh giới của sự phản cảm chứ không chỉ là lên án và nâng cao nhận thức.
Một bức ảnh trong bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu
Có điều, giới hạn của việc gây shock và phản cảm như vậy mình nghĩ đã đủ chạm ngưỡng rồi. Các êkip khác không nên lấy đây là tiên phong để theo cách này mà đi xa thêm nữa, sẽ hứng nhiều gạch đá và phản tác dụng. Và xin góp ý với các nhóm, hội nếu tiếp tục có ý định nâng cao nhận thức thì tôi muốn xin đừng nhắm đến nạn nhân nữa mà hãy có một và nhiều dự án đánh vào đối tượng chủ thể hành động, tác nhân gây ra ấu dâm, xâm hại tình dục, các chương trình hành động cho nam giới để giảm thiểu những tên yêu râu xanh thiếu hụt về nhận thức, yếu kém về bản lĩnh, thừa thãi hành vi và hoocmon không kiểm soát, thậm chí bêu tên, công khai danh tính ở mỗi khu vực làng xã để chị em phụ nữ biết đường mà phòng vệ, để anh em nam khác biết đường mà tránh và tự giáo dục mình.
Xã hội nào tôn trọng vị trí của những người phụ nữ và trẻ em, xã hội đó có những người đàn ông văn minh! Cho nên hãy lên tiếng vì những phụ nữ và trẻ em xung quanh ta! Lên tiếng vì những người đàn ông văn minh, chân chính.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng bộ ảnh vẫn là thông điệp cần chia sẻ dù có hoàn hảo hay không. Anh viết: "Bên trang cá nhân của tôi sau khi chia sẻ bộ ảnh này đã nhận được hơn 200 bình luận và gần 1.000 lượt chia sẻ, chung tay truyền đi thông điệp mạnh mẽ với vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Dù có những ý kiến trái chiều về bộ ảnh này nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng nó cần được chia sẻ. Chúng ta không thể ngồi chờ mãi một thông điệp hoàn hảo rồi mới lên tiếng, rồi mới chia sẻ khi mà ngoài kia, những đứa trẻ của chúng ta vẫn chưa được an toàn.
Quan điểm của tôi vẫn là: CHA MẸ KHÔNG LÊN TIẾNG thì làm sao để CON CÁI DÁM LÊN TIẾNG? Nên một lần nữa tôi chia sẻ bộ ảnh này đến 157.000 thành viên của trang này. Xin hãy chung tay lan toả thông điệp này đến nhiều hơn nữa những cha mẹ - cộng đồng.”
Diễn viên Xuân Lan - một người mẹ đang có con gái nhỏ thì cho rằng bộ ảnh đang ở lằn ranh giữa nhạy cảm và phản cảm.
Diễn viên Xuân Lan nói thẳng: "KHÔNG ĐỒNG TÌNH!
Với chủ đề nhạy cảm thì phải cẩn trọng. Lằn ranh giữa nhạy cảm và phản cảm chỉ mỏng bằng 1/10 sợi tóc.
- Những bàn tay đặt trên bụng bầu của các bà mẹ trên thế giới này là thể hiện tình yêu thương, muốn che chở ôm ấp con mình. Vậy những nạn nhân của bộ ảnh "Những Đứa Trẻ Mang Bầu” toàn đặt tay lên bụng theo kiểu đấy?? Chúng có đủ tình thương và hiểu biết để làm vậy không? Tôi chắc chắn là không! Nếu có chúng nó sẽ hoảng sợ, kinh khủng, khóc lóc và shock như bị gặp quái vật. Chứ không như trong ảnh!
- Đây là những người mẫu chụp chứ không phải nạn nhân nhỏ tuổi bị xâm hại có bầu thật. Nếu vậy tại sao không dùng câu chú thích “ảnh này chỉ mang tính chất minh hoạ, không phải nhân vật thật" vào trong ảnh? Mà thay vào đó chỉ là tên nhiếp ảnh thật to, logo trung tâm đào tạo các bé cũng thật to.
- Tuyệt đối tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các bé. Trước khi kêu gọi bảo vệ những đứa trẻ khác thì hãy bảo vệ chính những đứa trẻ trong ảnh!
- Làm truyền thông cho cộng đồng thì tốt. Rất tốt. Nhưng sai một bước sẽ ảnh hưởng nặng nề đến trẻ.
- Nên chống ấu dâm. Nên diệt ấu dâm. Cũng nên học cách dùng hình ảnh trẻ em chống ấu dâm cho phù hợp".
Trước nhiều ý kiến trái chiều, MC Công Tố - một trong các thành viên của êkip thực hiện bộ ảnh đã chia sẻ trên một tờ báo mạng về việc chụp rõ nét gương mặt các em mà không có một chú thích nào thể hiện người mẫu nhí chỉ là diễn viên, ảnh chỉ mang tính minh họa, vì "che mặt mới gây hiểu nhầm".
Anh cho biết: "Khi thực hiện dự án này, tôi và êkip đã có những bàn bạc kĩ lưỡng với gia đình và các em nhỏ về việc các em sẽ lộ mặt bởi đây là một bộ ảnh nghệ thuật. Và chúng tôi cũng công bố các em là những người mẫu nhí tham gia dự án này. Êkip cho rằng việc che mặt các em sẽ khiến người khác hiểu nhầm các em không phải là diễn viên mà là các nạn nhân thật".
Anh cũng thừa nhận khi đặt bụng bầu giả vào người, các bé người mẫu nhí thấy sợ. Tuy nhiên anh nói muốn thông qua việc này để mọi người thấy được một trong những hậu quả nghiêm trọng mà các bé gặp khi bị xâm hại.
"Mang bầu là một trong những hậu quả mà các bé gái có thể phải gánh chịu khi bị xâm hại. Do ý thức rõ được điều ấy nên khi thực hiện bộ ảnh, các người mẫu nhí rất vô tư. Khi đặt bụng bầu vào người, các con đều biết là giả thôi và đã thấy sợ rồi. Chúng tôi có hỏi thêm chuyên gia y tế về việc những đứa trẻ ở độ tuổi 8 - 12 có khả năng gánh hậu quả ấy khi bị xâm hại hay không, thì các bác sĩ cho biết khả năng này là có thể. Thông qua việc đó, tôi chỉ muốn những hình ảnh của các người mẫu nhí trong bộ ảnh sẽ có tác động trực diện để mọi người có thể thấy được một trong những hậu quả nghiêm trọng mà các bé gái có thể gặp phải khi bị xâm hại.
Êkip cũng đã phải gặp gỡ rất nhiều lần với các gia đình để chia sẻ thông điệp của bộ ảnh, cũng như trao đổi về những hệ quả tiêu cực có thể xảy ra để mọi người cân nhắc. Êkip cũng có một bản cam kết riêng với gia đình từ việc hình ảnh như thế nào, concept thực hiện ra sao, các bạn nhỏ sẽ xuất hiện như thế nào...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.