Mới xuất hiện từ tháng 8-2005 và tháng 5-2006, song nhiều tờ tiền polymer 10.000 đồng và 20.000 đồng đã sờn màu hay nhăn nheo. Không ít người bán hàng đã từ chối không nhận những tờ tiền bạc màu này.
|
Không khó để thấy những tờ tiền polymer bị nhòe mực, mất chữ, sờn màu hay nhăn nheo trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Đông Nhiên. |
Thực tế, những tờ tiền polymer mệnh giá nhỏ như 10.000, 20.000 đồng bị nhòe mực, mất chữ, sờn màu hay nhăn nheo vì những nếp gấp ngày càng xuất hiện nhiều. Có những tờ tiền phần mực in bị mất hẳn 1, 2 chữ số 0 nơi dãy số ghi mệnh giá, hay các chữ in trên bề mặt tiền bị nhòe không đọc được, dấu vết những đường gấp gồ lên và bạc màu, chằng chịt như vết chỉ trên lòng bàn tay…
Hiện không ít điểm bán hàng ở ngoài chợ hay các cửa hàng tạp hóa, thậm chí một vài siêu thị nhỏ cũng bắt đầu từ chối nhận những tờ tiền polymer “xuống sắc”.
Từ cách đây hai năm, tại Trung tâm thương mại Zen Plaza ở TP.HCM đã có không ít quầy hàng thông báo không nhận tiền polymer đã mờ, cũ. Song vì quy định thế nào là mờ, cũ chỉ là tương đối, không cụ thể nên có trường hợp cùng một đồng tiền mà gian hàng này từ chối, gian hàng khác lại vẫn nhận.
Theo kết quả phân tích công bố ngày 29-2-2008 của Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành trên tiền polymer đang lưu thông, thì tiền polymer ở Việt Nam có tuổi thọ trung bình khoảng từ 8 đến 9 năm, cao gấp đôi tiền giấy cotton. Song thực tế, không phải loại tiền nào tuổi thọ trung bình cũng như nhau.
Phó giám đốc một siêu thị lớn tại Hà Nội cho biết, siêu thị này thường xuyên nhận được những tờ tiền polymer mệnh giá nhỏ đã sờn, cũ, bạc màu, song từ trước đến giờ vẫn chưa có quy định cấm nhận loại tiền này, trừ khi tiền bị rách hay mất góc, thủng lỗ.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi cho hay, với những loại tiền polymer mệnh giá lớn như 500.000 đồng ít được chuyền tay qua các hoạt động mua bán nhỏ lẻ hàng ngày thì tuổi thọ trung bình có thể lên tới hơn 10 năm.
Tuy nhiên những loại tiền mệnh giá nhỏ 10.000, 20.000, thậm chí 50.000 đồng, vì được lưu thông, sử dụng nhiều nên tất nhiên nhanh xuống cấp hơn, do đó tuổi thọ của nhiều tờ tiền có thể chỉ được vài năm.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá xem một đồng tiền polymer có đủ tiêu chuẩn lưu thông hay không là mức độ mòn mực in, còn đối với tiền cotton thì tiêu chí quan trọng nhất là nhàu nát, bẩn.
|
Tiền polymer ở Việt Nam được đánh giá có "tuổi thọ" trung bình 8, 9 năm. Ảnh: Đông Nhiên. |
Theo tiến sĩ Nhi, tiền xuống cấp do hai nguyên nhân, khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do quá trình lưu thông, biểu hiện là tiền bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoặc hoa văn, chữ số, nhàu nát, nhòe bẩn... Nguyên nhân chủ quan là do quá trình bảo quản bị ố bẩn, thủng lỗ, rách mất một phần, cháy hoặc biến dạng do tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, viết vẽ tẩy xóa lung tung lên tiền…
Hiện nhiều ngân hàng cho phép người dân tới đổi những tờ tiền polymer không đủ chuẩn lưu thông, tuy nhiên chỉ miễn phí với những tờ tiền bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt, nhàu nát do quá trình lưu thông, còn với tiền bị rách, cháy một phần hay thủng lỗ, viết vẽ tùy tiện thì người đổi phải mất 4% tiền phí.
Tiền polymer có ưu điểm là không thấm nước, phù hợp với môi trường khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, độ bền đồng tiền cao gấp đôi tiền giấy và qua đó giảm được chi phí in tiền, khả năng chống giả cao hơn tiền giấy cotton.
Theo Đất Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.