Theo nhà dân tộc học Khổng Diễn, để xác định thành phần dân tộc của nước ta, các nhà khoa học xã hội đã vận dụng sáng tạo những thành tựu của khoa học trên thế giới, đồng thời căn cứ vào thực tiễn ở trong nước để đưa ra ba tiêu chí: ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác dân tộc. Ở huyện Minh Hóa, người Nguồn (theo cách gọi dân gian) sinh sống phân bố ở hầu hết các địa phương nhưng đến nay chưa có một văn bản mang tính pháp lý nào công nhận.
Các báo cáo tham luận được trình bày tại hội thảo khoa học về “Xác định thành phần dân tộc của người Nguồn” do Viện khoa học xã hội Việt Nam, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp tổ chức tại thành phố Đồng Hới (tháng 10.2004) đều thể hiện việc xác định thành phần dân tộc đối với người Nguồn là vấn đề đã được đặt ra từ lâu.
Chế biến nhộng tằm- món ăn đặc trưng của người Minh Hóa.
Tuy nhiên, kết thúc hội thảo vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong xác định thành phần dân tộc của người Nguồn. Cho đến nay, việc xác định thành phần dân tộc, tộc danh cho người Nguồn vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong cuốn sách viết về các dân tộc thiểu số của Việt Nam xuất bản năm 1959, trong phần thống kê ở cuối sách, các tác giả đã xếp người Nguồn vào dân tộc Mường cùng với người Sách ở Quảng Bình và người Thổ ở Nghệ An. Nhà dân tộc học Mạc Đường trong cuốn “Các dân tộc miền núi Bắc Trung bộ” đã xếp người Nguồn là một bộ phận của người Việt và cho rằng: “Người Nguồn là bộ phận lớn của người Việt ở đồng bằng Nghệ - Tĩnh di cư vào miền Tây Quảng Bình hồi đầu thế kỷ XV”.
Tại hội nghị bàn về xác định thành phần các dân tộc Việt Nam do Viện Dân tộc học phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và Trường đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức tháng 11.1973, đã nhất trí xếp người Nguồn vào dân tộc Việt (Kinh).
Trong khi các nhà khoa học còn chưa thống nhất quan điểm, tiêu chí xác định thành phần dân tộc, tộc danh đối với người Nguồn, thì ý thức “trỗi dậy” của một bộ phận dân cư tự nhận là “người Nguồn”, dân tộc “Nguồn” ở huyện Minh Hóa càng lớn hơn. Đồng bào đã nhiều lần đề nghị Quốc hội và các ngành chức năng xem xét, công nhận “người Nguồn” là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhiều người còn muốn chứng minh “Người Nguồn chúng tôi chính là dân tộc Nguồn”. Ngày 8.2.1998, Huyện uỷ Minh Hoá có văn bản số 72-NQ/HU đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu Đề án "Người Nguồn là dân tộc Nguồn". Tiếp sau đó, ngày 14.2.1998, UBND huyện Minh Hóa có văn bản số 02/TT-HMH về việc xin công nhận dân tộc Nguồn; HĐND huyện Minh Hóa (khóa XV) tại kỳ họp thứ 8 đã ra Nghị quyết số 03/NQ-HĐ đề nghị tỉnh và Trung ương nghiên cứu và công nhận tộc danh cho người Nguồn ở huyện Minh Hóa.
Từ năm 1994 trở lại đây, UBND tỉnh đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) xem xét về vấn đề xác định tộc danh “người Nguồn” ở Minh Hóa, nhằm giải đáp vấn đề: Có hay không có người Nguồn? người Nguồn thuộc thành phần dân tộc nào?
Trong tham luận “Trở lại thành phần dân tộc của người Nguồn”, nhà dân tộc học Khổng Diễn cho rằng, “Hiện nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa người Nguồn có khoảng 4 vạn người, trong đó 3,5 vạn người cư trú ở huyện Minh Hóa, còn lại sinh sống rải rác ở Tuyên Hóa, thành phố Đồng Hới và một số tỉnh phía Nam. Đặc biệt, theo cuộc điều tra dân số của nước CHDCND Lào vào năm 1995 thì ở Lào có trên 1.300 người với tên gọi là Nguane”.
Còn theo những tư liệu thành văn được công bố và các bản gia phả của các dòng họ lớn của người Nguồn ở huyện Minh Hoá thì người Nguồn có mặt ở đây sớm nhất vào thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Đồng bào thừa nhận trước khi họ vào đây đã có người Chứt sinh sống.
Thi hong bồi tại lễ hội Rằm tháng 3.
Về nguồn gốc lịch sử của nhóm cư dân người Nguồn, hiện nay có rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu nhất trí cho rằng họ từ các vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh di cư vào vùng đất này trong nhiều thế kỷ, về sau còn được bổ sung thêm những cư dân của vùng đồng bằng thuộc vùng hạ lưu sông di cư lên.
Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Dương Bình cho rằng thời gian đi đến vùng Minh Hóa, Tuyên Hoá hiện nay của người Nguồn không giống nhau. Một số người Nguồn có quan hệ họ hàng với người ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Bình. Như vậy có khả năng người Nguồn đến đây không phải bằng một con đường duy nhất do dân cư từ Thanh Hoá, Nghệ An vào mà có thể bằng hai đường chủ yếu: từ nam Hà Tĩnh qua vùng Thanh Lạng, và một hướng từ hạ lưu sông Gianh - có lẽ là hướng chủ yếu- theo các triền sông lên vùng này.
Trong các gia phả tìm được ở huyện Minh Hoá, phần lớn người Nguồn có gốc tích là người từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến vùng đất này trong những thời kỳ khác nhau. Theo gia phả của họ Đinh ở thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa (do ông Đinh Biều giữ) thì tổ tiên của ông là ông Đinh Liệt, là một võ tướng cầm quân đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam. Sau khi dẹp xong giặc rút về qua vùng Quy Đạt ông thấy đất đai tươi tốt nên đã mộ dân vào khai khẩn và định cư ở đây.
Gia phả của dòng họ Đinh ở thôn Tân Lý, xã Minh Hóa, thì tổ tiên của họ là ông Đinh Ổi người Nam Đàn (Nghệ An) vào Quảng Bình khai khẩn và lập ra làng Tân Lý; gia phả họ Cao ở làng Cổ Liêm ghi ông cha của họ vốn gốc ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vào Cổ Liêm được 12 đời (khoảng 300 năm); gia phả họ Trương ở thôn Tân Lý ghi họ từ Nghệ An vào từ đời Hồng Đức (1470-1497).
Theo các cụ già họ Thái ở thôn Tân Lý, cụ tổ của họ là Thái Văn Cơ từ Nghệ An vào khai hoang lập ấp ở vùng này từ thời Hồng Đức; gia phả họ Đinh, một họ lớn ở làng Sạt thuộc xã Quy Hóa ghi rõ cụ tổ là Đinh Văn Tồn, quê ở tỉnh Thanh Hóa, có công giúp nhà Lê, sau giúp nhà Nguyễn đánh Chiêm Thành, sau khi đánh thắng giặc đã xin chúa Nguyễn chiêu mộ dân đến lập nghiệp ở đất này tính đến nay đã được 12 đời, khoảng 280 năm.
(
Kỳ II: Các nhà nghiên cứu nói về người Nguồn)
Báo Quảng Bình (Theo Báo Quảng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.