Điệp viên khoác áo doanh nhân hay “nông nghiệp yêu nước” kiểu Trung Quốc

Thứ tư, ngày 30/07/2014 11:11 AM (GMT+7)
Năm 1978, ông Đặng Tiểu Bình chủ trương cải cách kinh tế, hiện đại hóa Trung Quốc bằng khoa học và công nghệ. Để thực hiện mục tiêu này, ông khởi xướng chính sách “nhanh chóng bắt kịp và vượt qua” phương Tây bằng mọi cách, kể cả ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Bình luận 0

Trong số 27 lĩnh vực và 108 dự án nghiên cứu ưu tiên mà hội nghị toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978 chọn để thể hiện quyết tâm hiện đại hóa đất nước, dự án 863 với tên gọi “Kế hoạch phát triển đất nước bằng công nghệ cao” thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Dự án này chọn công nghệ sinh học làm mũi nhọn.

Hơn 30 năm nay, tốc độ phát triển ngành công nghệ tiên tiến này ở Trung Quốc thuộc loại nhanh nhất thế giới. Nhờ đâu?

Các nhà phân tích quốc tế nghi ngờ Trung Quốc có được sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ sinh học nhờ các hoạt động gián điệp. Trường hợp dưới đây cho thấy mối nghi ngờ đó không phải là vô căn cứ.

Ngày 1.7 ở TP Los Angeles được đánh dấu trong ký ức nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) như một cột mốc quan trọng trong vụ án ăn cắp bí mật thương mại nước này.

Bà Mo Yun - 42 tuổi, công dân Trung Quốc - bị bắt tại sân bay quốc tế Los Angeles về hành vi “Âm mưu ăn cắp bí mật thương mại” của những công ty sản xuất và phân phối giống bắp OGM (biến đổi gien) của Mỹ.

Bà Mo đến Mỹ tham quan khu giải trí Disneyland từ ngày 25.6 với 2 con. Bà ta đã được tại ngoại sau khi đóng 250.000 USD tiền bảo lãnh nhưng phải mang thiết bị GPS giám sát từ xa và không được ra khỏi nơi cư trú ở Des Moines trong khi chờ ra tòa vào ngày 1.12 tới.

Việc bắt giữ bà Mo là diễn biến mới nhất của vụ án ăn cắp bí mật thương mại gây chấn động dư luận Mỹ cuối năm ngoái. Bà ta là người thứ bảy có tên trong cáo trạng của tòa án Des Moines.

Theo đó, tất cả - đều là thành viên Tập đoàn Beijing Dabeinong Technology Group Co. (DBN) - bị tình nghi ăn cắp hạt giống bắp của các công ty Mỹ ở Iowa và Illinois. Sau đó, họ lén lút chở về Trung Quốc bằng đường biển để sản xuất trong nước, tiết kiệm được hàng chục năm và hàng chục triệu USD nghiên cứu khoa học.

Ngoài việc thêm tên Mo Yun vào danh sách nghi can, bản cáo trạng ngày 2.7 của tòa án Des Moines còn cung cấp nhiều chi tiết mới về chuyên án mà chính quyền Mỹ tiến hành điều tra từ tháng 1-2007 đến nay.

Tài liệu của FBI cho biết bà Mo là vợ của Shao Genhou, nhà sáng lập và đương kim chủ tịch Tập đoàn DBN, một tỉ phú với số tài sản ước tính 1,4 tỉ USD - theo tạp chí Forbes. Bà là chị ruột của ông Mo Hailong - thường gọi là Robert Mo, người Mỹ gốc Hoa.

Ông này bị bắt hồi cuối năm ngoái cũng về hành vi âm mưu ăn cắp giống bắp OGM trị giá hàng chục triệu USD của 2 công ty Monsanto Co. và DuPont Co.

Chị em họ Mo đều là cán bộ quản lý cấp cao của Tập đoàn DBN. Tập đoàn này có công ty con mang tên Kings Nower Seed S&T chuyên về bắp giống đặt trụ sở ở Mỹ. Tiến sĩ thú y Mo Yun từng làm giám đốc dự án phát triển nghiên cứu của DBN từ tháng 8.2001 đến tháng 3.2009, còn Robert Mo là giám đốc ngoại thương của tập đoàn.

Ông ta bị bắt tại Miami, Florida, sau đó được di lý về Iowa. Luật sư riêng của Robert Mo cho biết thân chủ của ông không nhận tội và đã đóng tiền tại ngoại hầu tra chờ ngày ra tòa (1.12, cùng với chị gái).

Nhận định về tầm quan trọng của vụ án, đặc vụ FBI Thomas Metz cho biết: “Xác định và răn đe những kẻ âm mưu ăn cắp bí mật thương mại, tài sản và thông tin mật, thông tin an ninh quốc gia là ưu tiên thứ hai của FBI, chỉ đứng sau ưu tiên số 1 là khủng bố".

------------

Còn tiếp

(Theo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem