Cải thiện nông nghiệp có tưới: Nông dân sản xuất thuận lợi hơn

Lâm Anh Thứ ba, ngày 19/08/2014 16:35 PM (GMT+7)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định chỉ định Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) phục vụ cho Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Việc triển khai dự án này, theo WB, người nông dân Việt Nam sẽ được “tiếp sức” trong canh tác, sản xuất nông nghiệp…
Bình luận 0

Động lực chưa đủ lớn…

Huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) có diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm khoảng 9.100ha, trong đó vụ xuân 4.600ha, vụ mùa 4.500ha. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích trên có tới 1.400ha không chủ động được nguồn nước tưới. Nguyên nhân theo ông Ngô Tiến Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc là do những diện tích này nằm trên độ dốc cao, trong khi hệ thống thủy lợi xuống cấp, thiếu nguồn nước, năng lực tưới kém, do vậy, hiệu quả sản xuất không cao. Tuy nhiên tới đây, tỉnh Thanh Hóa sẽ là một trong những địa phương được thụ hưởng Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” này.

Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” được triển khai căn cứ vào đề xuất của Bộ NNPTNT đề nghị WB hỗ trợ cho một số tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng, mục tiêu của dự án là nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi, theo định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo bà Lê Thị Kim Cúc - Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ và hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), thực tế hiện nay việc áp dụng tưới tiết kiệm, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn rất hạn chế do thông tin về tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người nông dân và đòi hỏi có một kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng nên người nông dân chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Hỗ trợ là thiết thực

Tổng mức đầu tư của dự án là 4.431 tỷ đồng, tương đương 210 triệu USD. Phạm vi dự án gồm 7 tỉnh là Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam.

Trước khi triển khai dự án này, đại diện WB cũng đã đi thực địa tại các tỉnh vùng dự án. Theo bà Victoria KwaKwa – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, dự án này sẽ rất thiết thực cho người nông dân. Cụ thể, theo bà Victoria KwaKwa, WB sẽ hỗ trợ hoàn thiện các hệ thống công trình chưa được đầu tư đồng bộ. Nâng cấp một số đập đầu mối hồ chứa và đập dâng đảm bảo an toàn. Xây dựng hệ thống kênh để chuyển đổi một số diện tích tưới bơm sang tưới tự chảy. Xây dựng mới và nâng cấp các hồ chứa nhỏ đa mục tiêu cho nông thôn tại 2 tỉnh vùng núi phía Bắc. Xây dựng hệ thống bơm tiêu để tăng hiệu suất sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống tưới tiêu nội đồng để phục vụ các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bộ NNPTNT cho biết, dự án này triển khai tốt sẽ giúp ngành nông nghiệp vươn tới phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Theo bà Lê Thị Kim Cúc, kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem