Sau 7 vòng V.League 2017, số lỗi cơ bản của trọng tài Việt Nam là không hề ít. Trong đó, riêng ông Nguyễn Trọng Thư - con trai Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, đã mắc lỗi cơ bản ở 2 trận Cần Thơ - CLB Hà Nội (vòng 2) và Quảng Ninh - Nam Định (vòng 6). Có mặt trên khán đài trong vai trò giám sát ở vòng 6, Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền cho rằng “lỗi của trọng tài Thư không ảnh hưởng tới trận đấu, đã được xử lý êm đẹp nên tôi không ghi vào biên bản”.
Tại sao ông Hiền không báo cáo sai phạm của trọng tài Thư dù với cùng lỗi đó, nhiều trọng tài khác đã bị “treo còi”?
Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền và Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở đây. Ông Hiền không thể báo cáo sai phạm của trọng tài Thư vì ông không chỉ là giám sát trận đấu mà còn là người phân công trọng tài. Nếu báo cáo trọng tài Thư, ông Hiền cũng thừa nhận chính mình đã sai. Báo cáo trọng tài Thư nghĩa là ông Hiền thừa nhận sắp xếp và đánh giá trước đó của mình cho trọng tài này là không hợp lý. Báo cáo trọng tài Thư cũng có nghĩa là ông Hiền báo cáo chính mình.
Cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ấy chính là điểm bất cập lớn nhất của Ban trọng tài. Sự việc trên là bằng chứng cho thấy khi Ban trọng tài vừa có quyền phân công và giám sát, tổ chức này sẽ đủ khả năng che giấu mọi sai lầm. Lẽ ra, quyền phân công và giám sát trọng tài phải thuộc về 2 tổ chức riêng biệt, phải tạo thành một cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Như bầu Đức đã nói, cơ chế hiện tại của Ban trọng tài là “hoàn toàn sai và không thể chấp nhận được”.
Vì không có ai giám sát Ban trọng tài, đơn vị này có thể thoải mái mắc lỗi và bưng bít sai phạm. Tổ chức này còn được bảo vệ bởi “quy tắc im lặng” của FIFA, đảm bảo các án phạt của trọng tài không được tiết lộ ra ngoài.
Những cơ chế đặc thù ấy biến Ban trọng tài trở thành một vương quốc tự trị trong lòng VFF. Họ vừa phân công, vừa điều hành, vừa giám sát trận đấu. Họ trực tiếp đánh giá lỗi của các trọng tài và tự đưa ra các án phạt nội bộ. Ban trọng tài không chịu tác động từ bên ngoài nhưng tầm ảnh hưởng vươn ra bao trùm cả giải đấu. Trong quá trình khép kín ấy, VPF không nắm chút quyền lực nào.
Môi trường khép kín ấy cũng là cái nôi hoàn hảo cho những quyền lực ngầm trong Ban trọng tài. Thống kê không chính thức cho thấy rất nhiều trọng tài, giám sát trong Ban này là người nhà, người quen của ông Nguyễn Văn Mùi. Họ tập hợp nhau lại, tạo thành “một dây”. Nhiều người tin rằng Ban trọng tài tồn tại chuyện bảo vệ lẫn nhau, trù dập người giỏi, kỳ thị người không cùng phe cánh.
Chia sẻ với Zing.vn, cựu Còi Vàng Dương Mạnh Hùng kể lại: “Ngày tôi còn cầm còi, có những trận bắt rất tốt mà giám sát trọng tài vẫn phê kém. Bởi tôi không cùng dây với bất kỳ ai. Tôi biết ngày nay, có nhiều trọng tài trẻ chuyên môn rất tốt nhưng họ không được trọng dụng. Võ Minh Trí (người được xem là trọng tài số một Việt Nam nhiều năm qua - PV) cũng biết nhưng không làm được gì. Anh ta cũng phải im lặng để tồn tại trong cơ chế ấy”.
Vì quyền lực như vậy nên Ban trọng tài không phải sợ ai. Vì quyền lực như thế nên Phó Ban trọng tài mới dám đề nghị Chủ tịch VPF phải xin lỗi mình. Như bầu Đức đã nói: “Tôi khẳng định trọng tài Việt Nam không kém, họ giỏi là đằng khác. Nhưng Ban trọng tài quá kém, kém từ xưa rồi. Họ cầm trịch không được nhưng lại thao túng hết. Cốt lõi bóng đá Việt Nam, dẹp ông Mùi nghỉ và cho người khác lên thay là xong”.
Trọng tài trên sân được xem là ông “Vua sân cỏ”, nắm quyền lực tối cao, có thể xoay chuyển trận đấu chỉ bằng một tiếng còi. Nắm trong tay quyền phân công, giám sát và xử phạt trọng tài nghĩa là Ban trọng tài có thể “thao túng” tất cả các trận đấu chuyên nghiệp nếu muốn.
Quyền lực của Ban trọng tài đáng sợ chính ở chỗ đó.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.