“Trung vệ thép” Huy Hoàng chập chững khởi nghiệp HLV

Tuệ Minh Thứ tư, ngày 18/05/2016 14:25 PM (GMT+7)
Với hành trang là những năm tháng đầy vị ngọt-trái đắng trong sự nghiệp cầu thủ, lúc này, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Huy Hoàng đang cố gắng viết tiếp câu chuyện về niềm đam mê trái bóng tròn trong vai trò HLV tuyến trẻ SLNA và góp phần thúc đẩy bóng đá học đường…
Bình luận 0

Tiếp tục chắp cánh ước mơ, khơi dậy đam mê cho những “mầm non” bóng đá học đường, từ ngày 1 đến 5.6 tới, sẽ diễn ra vòng chung kết Festival Bóng đá học đường U13 Cúp Yamaha tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). So với lần đầu tổ chức vòng loại năm 2015 diễn ra ở 6 tỉnh, thành, năm nay, vòng loại năm nay đã được mở rộng hơn ở 8 tỉnh, thành trên cả nước.

img

Trung vệ Nguyễn Huy Hoàng (hàng đứng, ngoài cùng bên trái) muốn góp một phần nhỏ thúc đẩy bóng đá học đường. Ảnh: I.T.

Sau vòng chung kết, ban tổ chức sẽ bầu chọn Đội hình tiêu biểu gồm 16 cầu thủ xuất sắc nhất (đội vô địch sẽ được chọn 7 cầu thủ) ăn, tập, sinh hoạt như những cầu thủ chuyên nghiệp trong 2 tuần tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam dưới sự dẫn dắt của 2 cựu danh thủ, HLV Nguyễn Huy Hoàng (SLNA), Lưu Danh Minh (HN.ACB). Sau đó, toàn đội sẽ sang Nhật Bản giao lưu, thi đấu giao hữu với các đội bóng học sinh xứ hoa anh đào.

Trao đổi với báo chí, trung vệ, HLV Nguyễn Huy Hoàng nói: “Niềm đam mê bóng đá chưa bao giờ nguôi ngoai trong tôi, kể cả sau khi đã “treo giày”. Trước mắt, ngoài việc đào tạo trẻ ở SLNA, tôi còn muốn đóng góp một phần nhỏ của mình, giúp phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào. Việc được chơi bóng cùng các em nhỏ giúp tôi cảm nhận lại hình ảnh của chính mình khi mới chập chững làm quen với trái bóng. Thời của chúng tôi, có nằm mơ cũng chẳng nghĩ mình có cơ hội được ra nước ngoài tham quan, thi đấu như các em học sinh bây giờ”.

Liên quan tới những cơ hội được trải nghiệm môi trường “thể thao học đường” Nhật Bản, trước câu hỏi của Dân Việt về việc có nghĩ tới những suất học bổng dài hạn dành cho các em học sinh Việt Nam có khả năng chơi bóng xuất sắc hay không? Đại diện nhà tài trợ trả lời: “Đây là một gợi ý rất hay và sẽ rất tốt nếu các em nhỏ Việt Nam được tạo điều kiện học tập, chơi thể thao trong môi trường bóng đá học đường của Nhật Bản. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu vấn đề này trước khi đi tới quyết định làm sao tốt nhất để phát triển bóng đá học đường Việt Nam”.

Một điều đáng tiếc là sau 4 năm tổ chức thành công Trại hè bóng đá, giúp hàng nghìn em nhỏ trong độ tuổi từ 6 trở lên có cơ hội luyện tập bóng đá theo phong cách Nhật Bản, năm 2016, Yamaha đã quyết định dừng tổ chức chương trình này: “Chúng tôi nghĩ mình đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt của mình với trại hè bóng đá. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp, các đội bóng Nhật Bản cùng đầu tư vào Việt Nam theo mô hình này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm tòi, tổ chức những chương trình mới để tiếp tục đồng hành cùng bóng đá phong trào Việt Nam”.

Về phía VFF, ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch VFF khẳng định: “Chúng tôi vô cùng cảm kích các doanh nghiệp gắn bó với bóng đá học đường Việt Nam. Bởi khi bóng đá phong trào phát triển sẽ tạo nền tảng vững chắc để đưa bóng đá chuyên nghiệp lên tầm cao mới. VFF sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, chuyên môn, có thể hỗ trợ HLV chuyên nghiệp về các trường nếu có yêu cầu, giúp các em học sinh được đào tạo bài bản khi tham dự giải”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem