“Cõng” khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng, VTVcab có tìm được NĐT “triệu đô”?

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 15/03/2018 07:05 AM (GMT+7)
VTVcab thu về tối thiểu 5.960 tỷ đồng nhờ việc bán đấu giá gần 42,3 triệu cổ phần với giá khởi điểm 140.900 đồng/cp. Ước tính, vốn điều lệ dự kiến của VTVcab sau cổ phần hóa là 884 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

VTVcab sẽ tiến hành đấu giá cổ phần vào ngày 17.4 tới (Ảnh minh họa)

Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa phát đi thông báo bán đấu giá cổ phần Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab).

VTVcab sẽ bán đấu giá gần 42,3 triệu cổ phần với giá khởi điểm 140.900 đồng/cp, ước tính số tiền thu về tối thiểu 5.959 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến của VTVcab sau cổ phần hóa là 884 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến 8h30 ngày 17.4.2018 tại trụ sở HNX.

VTVcab “cõng” khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng

VTVcab có ngành nghề kinh doanh chính gồm dịch vụ truyền hình trả tiền, điều hành hệ thống phát bằng cáp, hoạt động cung cấp dịch vụ truy cập Internet bằng mạng viễn thông có dây...

Tháng 7.2017, thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã có quyết định phê duyệt tiêu chí, trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện phương án cổ phần hóa VTVcab.

Đối với nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền và/hoặc viễn thông, VTVCab yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính, nguồn vốn góp tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tối thiểu 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền và/hoặc viễn thông.

Ngoài ra, Báo cáo tài chính được kiểm toán của 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) có lãi và không có lỗ lũy kế, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.

Với nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực tài chính, VTVcab yêu cầu phải là tổ chức trong nước và nước ngoài có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm và thuộc một trong các loại hình tổ chức tài chính: ngân hàng, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và có năng lực tài chính và có đủ nguồn vốn góp.

Ngoài ra, nhà đàu tư chiến lược phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, báo cáo tài chính được kiểm toán của 03 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) có lãi và  không có lỗ lũy kế, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.

img

Theo BCTC năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Hiện tại, không có nhiều số liệu về tình hình kinh doanh của VTVcab được cập nhật. Còn theo số liệu mới nhất công khai trên website: vtv.vn đến ngày 31.12.2016, bức tranh kinh doanh của TNHH một thành viên Tổng Công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) lại không mấy sáng sủa.

Kết thúc năm 2016, công ty mẹ VTVcab ghi nhận 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, quan sát dài hơn từ năm 2014 có thể thấy, hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VTVcab không tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận hợp nhất 2015 giảm so với 2014.

Tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán PWC lo ngại về khả năng thanh khoản của Công ty.

Vấn đề đặt ra là nhà đài này sẽ làm gì để tăng trưởng và đảm bảo nguồn thu nhập khi phải cạnh tranh cùng ngành và các ứng dụng trực tuyến đang phát triển với tốc độ quá nhanh?

Giá trị của VTCcab tăng 3.600 tỷ đồng sau kiểm toán

Tháng 8.2017, trong một hội thảo do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức, kết quả của KTNN cho thấy 2 trong 8 DNNN được kiểm toán kết quả định giá gồm Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam đủ điều kiện áp dụng định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng lại chỉ thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.

img

Kết quả khi CPA định giá lại VTVcab

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI, khi định giá bằng phương pháp định giá tài sản, chênh lệch giữa con số kiểm toán và đơn vị định giá khoảng 400 tỷ đồng. Song giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tại Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist tăng thêm 12.018,07 tỷ đồng. Với Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) tăng thêm 3.666,23 tỷ đồng.

Ông Tuấn chia sẻ: “Khi KTNN xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị doanh nghiệp tăng so với phương pháp tài sản do KTNN xác định là 15.684,3 tỷ đồng, tương đương 700 triệu USD.

Tuy nhiên, do bất cập cơ chế chính sách chưa hướng dẫn trong trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản thì phải đối chiếu với các phương pháp khác, trong đó có phương pháp dòng tiền chiết khấu nên KTNN không thể kiểm toán giá trị doanh nghiệp mà kiến nghị, lưu ý các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị, phương pháp giá trị doanh nghiệp”.

Ông Tuấn tiếp tục phân tích: “Dù các tổ chức tư vấn, định giá và DN xử lý tài chính cơ bản đã chấp hành những chính sách, chế độ do Nhà nước ban hành song vẫn còn tình trạng các DN thuộc diện cổ phần hóa kiểm kê thiếu, không đủ tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Vì vậy, khi KTNN rà soát lại sẽ khiến giá trị của DN tăng lên.

Một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu, thu nhập khác, các khoản nợ phải thu, đặc biệt là các khoản nợ phải trả theo quy định. Vậy nên, sau khi kiểm tra, chúng tôi kiến nghị tăng lên với những khoản này.

Cùng với đó là tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh của DN. Việc định giá quyền sử dụng đất và nhượng bán dất và tài sản trên đất sau thời điểm xác định giá trị DN còn nhiều bất cập”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem