“Thiếu hơn 200 biên chế bảo vệ rừng”
60,9ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão) và hơn 20ha rừng được quy hoạch phòng hộ vừa bị “bốc hơi” tại xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) đang khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng bảo vệ rừng của tỉnh Bình Định. Để rừng liên tục “chảy máu”, tới đây địa phương này phải thực hiện rất nhiều giải pháp căn cơ mới mong bảo vệ rừng an toàn.
Hiện trường hơn 60ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão) bị tàn phá. Ảnh: D.T
Trao đổi trước báo giới, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết: “Lâu nay, việc kiểm tra quản lý doanh nghiệp chế biến dăm gỗ trên địa bàn đã bị buông lỏng, lơ là. Vì vậy, tới đây cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp nào vi phạm (dùng gỗ không có giấy tờ - PV) chắc chắn phải thu hồi giấy phép. Đồng thời, lập tất cả các chốt chặn không cho vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng”.
Theo ông Dũng, 2 vụ phá rừng nói trên là sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng đến uy tín tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giải quyết triệt để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn rất gian nan bởi diện tích rừng mênh mông. Trong khi đó, địa hình khó khăn, lực lượng quản lý bảo vệ rừng lại rất mỏng.
“Hiện nay, tỉnh Bình Định có khoảng 170 kiểm lâm quản lý hàng trăm ngàn ha rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ cũng chỉ có 120 người. So với quy định của Nhà nước 1.000ha rừng là 1 biên chế bảo vệ rừng thì hiện giờ chúng tôi còn thiếu 130 biên chế kiểm lâm, 80 biên chế ban quản lý rừng phòng hộ. Kinh phí hỗ trợ khoán, chăm sóc bảo vệ rừng đến giờ vẫn chưa có, tỉnh phải đứng ra ứng ngân sách bố trí rồi chờ xin ý kiến Trung ương bổ sung sau”, ông Dũng phân trần.
Lô gỗ không giấy tờ do lâm tặc khai thác tại xã An Hưng được cơ quan chức năng tạm giữ. Ảnh: D.T
Ai đứng đằng sau?
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho hay, cái khó của địa phương hiện nay là khi xin thêm biên chế kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng phòng hộ thì Trung ương lại không cho phép. Nhưng nếu tỉnh tự ý tuyển dụng thì lâm vào cảnh “vượt rào”, chắc chắn sẽ bị kỷ luật.
“Khi bị Thủ tướng kiểm điểm, chúng tôi sẽ nhắc lại chuyện này”, ông Dũng khẳng định.
Đối với 2 vụ phá rừng tại An Hưng và Đắk Mang, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định việc xử lý vi phạm không có vùng cấm, đúng người, đúng tội không nể nang, né tránh bất cứ trường hợp nào. Đến thời điểm này, không hề có “thế lực” nào can thiệp vào quá trình điều tra, xử lý.
“Các đối tượng phá rừng, lấn chiếm rừng rất xảo quyệt tìm mọi cách đối phó nên quá trình đấu tranh, làm rõ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng phải làm cho ra đối tượng cầm đầu, chủ mưu phá rừng và làm rõ có sự cấu kết hay không? Tôi từng nói với Giám đốc Công an tỉnh rằng, lần này không làm ra kẻ chủ mưu, những ai đứng sau lưng vụ phá rừng tại xã An Hưng là coi như hệ thống chính trị thất bại”, ông Dũng cho hay.
Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn
Đối với những cán bộ quản lý lỏng lẻo để lâm tặc lộng hành, ông Dũng thông tin: “UBND tỉnh đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện. Còn các cán bộ thuộc thẩm quyền của Sở NNPTNT thì họ sẽ xử lý, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh xem xét”.
Đến nay, kiểm lâm địa phương đã tiến hành khởi tố 2 vụ phá rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão) và xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) để truy tìm thủ phạm.
Khúc gỗ lớn được lâm tặc bỏ lại tại hiện trường vụ phá rừng xã An Hưng. Ảnh: D.T
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định - cho biết: “Điều tra ban đầu cho thấy, đối tượng phá rừng tại xã Đắk Mang là bà con dân tộc ở làng T6. Quan điểm của chúng tôi, người phá rừng là bà con dân tộc thì cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để”.
Riêng vụ phá rừng tại xã An Hưng lại mang tính chất nghiêm trọng hơn, đại tá Lâm Cự Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Bình Định) xác nhận đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 8 bị can về tội “Hủy hoại rừng”, trong đó bắt tạm giam 4 đối tượng để tiếp tục điều tra.
Đặc biệt, ông Lê Văn Thiệt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, nghi phạm chủ mưu phá rừng đã bị công an tạm giữ.
Nhiều kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng, lãnh đạo địa phương tại tỉnh Bình Định cũng bị xử lý kỷ luật. Tới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ vì để rừng “chảy máu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.