Nếu đọc sách của Thạch và đọc những suy nghĩ, những câu nói chia sẻ của Thạch trên mạng xã hội thì có lẽ độc giả sẽ phải “sốc” vì đôi lúc bắt gặp những câu chữ bỗ bã được cho là kém văn hóa lẫn có phần ngông cuồng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có một điều khó chối bỏ, từng câu chuyện của Nguyễn Ngọc Thạch là một mảng màu của cuộc sống hay góc khuất tâm tư, nỗi lòng của kiếp đàn bà.
Nhắc tới Nguyễn Ngọc Thạch là nhắc đến người “nói hộ” những câu chuyện về giới tính, những tâm sự của những người mang kiếp đàn bà. Người ta thường nói, bản thân người viết phải trải qua những điều đau khổ nhất mới có thể viết nên câu chữ vào sâu tận đáy tâm hồn người khác...
- Tôi phần lớn viết về chính trải nghiệm của bản thân mình. "Chênh vênh 25" viết về sự trải nghiệm cuộc sống của giới trẻ ở Sài Gòn, "Lưng chừng cô đơn" là viết về nỗi cô đơn của chính bản thân, "Khóc giữa Sài Gòn" là viết bằng quan sát và trải nghiệm thực tế của mình về vấn đề của xã hội, về sự bát nháo nhiễu nhương của thời buổi hiện tại.
Còn với "Lòng dạ đàn bà" hay "Một giọt đàn bà", tôi có thể tưởng tượng hoặc cũng tiếp xúc với những con người có hoàn cảnh như trong cuốn sách. Tôi nghe họ nói chuyện, tâm sự và chứng kiến những mảnh đời của họ và ghi nhận lại sau đó thêm vào cảm xúc cá nhân. Vì thế nên truyện của tôi hay mang đề tài hiện thực xã hội nhiều hơn.
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch
Bên cạnh chuyện sầu khổ, anh có những tản văn hay cuốn sách có cảm nhận đời sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn hay không?
- Tôi chiều độc giả của mình để có thêm màu sắc trong cuộc sống là thế. Dù nhiều người nói những cuốn sách quá bi thương sầu thảm sẽ không tốt cho tâm lý con người nhưng điều này tôi thấy chỉ đúng một phần.
Đôi khi phải có cái ác thì cái thiện mới được tôn vinh, nó đối lập mới thấy được cái thiện là cái đáng trân trọng và cái ác phải được diệt trừ.
Như một mảnh giấy màu trắng chỉ có màu trắng thì liệu nó có trắng hay không? Phải có màu đen thì màu trắng nó mới được nổi bật lên. Đọc những cuốn sách về góc khuất của xã hội để chúng ta trân trọng cuộc sống chúng ta đang sống, bởi vì ở đâu đó nơi tôi đang sống sẽ tốt hơn những góc khuất, những mảnh đời bất hạnh kia nên tôi phải luôn trân trọng cuộc sống của tôi.
Nguyễn Ngọc Thạch là cây bút 8x nổi tiếng với nhiều tác phẩm "ăn khách" như Đời callboy, Lòng dạ đàn bà, Chênh vênh hai lăm, Lưng chừng cô đơn...
Nếu như mọi người từng đọc qua "Chênh vênh hai lăm" hay là “Lưng chừng cô đơn" sẽ thấy những cuốn sách đó bi nhưng không lụy, tức là tôi có thể buồn, có thể cô đơn nhưng đằng sau đó tôi có thể đứng dậy tiếp tục cuộc sống hạnh phúc vui vẻ và có động lực để sống tiếp.
Tôi biết và đã chuyển hướng, như cuốn sách gần đây nhất tôi viết là "Kế hoạch cua trai" - một câu chuyện màu hồng về tình yêu của hai bạn rất trẻ trung, xinh đẹp yêu nhau nhưng cũng có lúc trắc trở chia xa song cuối cùng cũng ở bên nhau vì tình yêu đủ lớn để họ khắc phục những hiểu lầm đó.
Nguyễn Ngọc Thạch cũng là một nhà văn chăm chỉ, khi trong vòng 2 năm đã cho ra đời 11 tác phẩm. Anh không sợ khán giả bội thực hay văn chương của mình đi theo lối mòn?
- Tôi nghĩ đây là giai đoạn tốt nhất của cuộc đời mình, công việc đang ở thời điểm tốt nhất, có nhóm độc giả nhất định, được nhiều người ủng hộ, các công ty sách cảm thấy thoải mái khi hợp tác với tôi thì không có lý do gì, thiên thời địa lợi nhân hoà như vậy tại sao tôi không ra sách?
Tôi vốn đã có đầy đủ ý tưởng được sắp xếp trong đầu chỉ chờ thời gian để “tuôn trào” mà thôi. Tôi nghĩ, bây giờ mình có sách thì mình cứ việc xuất bản, sách của mình được độc giả ủng hộ thì cứ việc làm.
Thật ra, nếu để ý sẽ thấy sách của tôi không chỉ có một đề tài cố định mà nó có truyện ngắn, truyện dài, tản văn, quay lại với truyện dài sầu thảm, truyện ngắn vui vẻ hơn, rồi chuyển thể thành phim, hoặc có bài "Khóc giữa Sài Gòn" đi kèm với nó, những việc như vậy giúp cho độc giả không cảm thấy ngán ngẩm và bản thân tôi cũng có cảm xúc, không đi theo lối mòn, mô típ cũ. Đó là lý do tại sao trong hai năm nay tôi ra sách liên tục.
Dĩ nhiên, cũng sẽ có những lúc bản thân tôi chểnh mảng, không có cảm xúc, không thực hiện đúng quy định một ngày mình phải viết vài ba ngàn chữ cho kịp tiến độ, có lúc viết được 500-700 chữ nhưng đọc lại thấy chán nên phải xóa hết. Tôi biết mình càng cố viết thì cũng chẳng thể nào tốt. Tôi hay chọn giải pháp như: coi phim, đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch 1-2 ngày cho đầu óc thảnh thơi.
Anh là một người đại diện cho thế hệ trẻ và cũng là người đang hoạt động nghệ thuật, được không ít công chúng dõi theo. Tuy nhiên, giữa câu chữ của Nguyễn Ngọc Thạch trên sách và Nguyễn Ngọc Thạch trên mạng xã hội lại quá khác xa nhau. Anh không sợ bị đánh giá tính cách, đạo đức không tốt?
- Thật sự hiện nay có rất nhiều người vào chửi tôi, họ thường hay nói "Nhà văn mà chửi thề như thế à?" mỗi khi tôi thể hiện quan điểm của mình trên Facebook. Tôi thấy cuộc đời không có quy định nào là nhà văn thì phải nói chuyện nhẹ nhàng, nhà văn lúc nào cũng phải mỉm cười kể cả khi bị người ta tát.
Nhà văn cũng là con người, cũng có cảm xúc. Nhà văn cũng là một người làm nghệ thuật, nghệ thuật câu chữ. Tính cách của họ đôi khi giận dữ hay vui vẻ có quá hơn người thường, cảm nhận sâu hơn người thường, ở mặt cảm xúc phát triển mạnh hơn người thường.
Tôi thường hay nói "Đọc sách của tôi thôi được rồi, đừng xem Facebook của tôi". Ở thời điểm hiện tại, Facebook của tôi chỉ là một trang cá nhân, tôi chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè của mình nên có những lúc ngôn từ thoải mái.
Con người chúng ta hay đem suy nghĩ của mình làm chuẩn mực, tưởng đó là chuẩn mực chung, khi người nào đi lệch ra quỹ đạo đã định sẵn thì cho rằng người ta khác biệt với mình.
Tôi rất thoải mái, tôi chỉ nghĩ mình phải sống làm sao cho mình thoải mái trước đã, mình sống cuộc đời của mình mà không thoải mái để sống thì còn đợi cuộc đời nào để sống nữa?
Nhưng việc chửi thề hay thể hiện điều gì đó quá khích cũng dễ dàng cổ xúy cho các bạn trẻ bởi anh đang là người làm nghệ thuật, người của công chúng?
- Vấn đề ở chỗ trên Facebook, mọi người chỉ đang nhìn khía cạnh những gì tôi nói là xóc nổi ví dụ như nói bậy, chửi thề chẳng hạn. Còn mấy việc nói về cuộc sống, những suy nghĩ, về cách nhìn nhận cuộc sống, con người ở thế hệ của tôi như thế nào thì họ lại không chú ý.
Tôi tin là độc giả của tôi có thần kinh rất tốt, họ vẫn luôn dõi theo tôi từng ngày và biết chọn lọc và lý do tại sao tôi lại “nổi điên”. Tôi viết rất nhiều thứ chứ không phải cứ chỉ chửi thề, nói bậy. Đó không phải là con người chung của tôi ở tất cả các trường hợp.
Những người ghét mình sẽ chửi mình, còn ghét hơn nữa họ sẽ xoá tên mình đi chẳng quan tâm mình là ai nữa. Giống như bạn nói, khi nó đi lệch chuẩn cá nhân của ai đó sẽ bị người ta phản kháng.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, hiện nay tôi chưa làm việc gì quá nguy hại cho mọi người xung quanh hay làm việc có lợi cho mình mà hại cho người khác.
Cám ơn Thạch về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.