Sau khi đăng tải những ý kiến tranh luận xung quanh sự hiện diện của cổng Tam quan, cùng các hạng mục khác đang được thực hiện ở chùa Bổ Đà, trong dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia, chúng tôi đã tiếp cận được với 2 văn bản làm cơ sở cho việc thực hiện dự án này.
Mái chùa cổ kính và khu vườn tháp độc đáo của chùa Bổ Đà. Ảnh Internet
Trong Công văn của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký nếu rõ: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã nhận được Công văn số 1023/DSVH-QLDSVH ngày 23.9.2016 của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, đề nghị thỏa thuận hồ sơ xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (kèm theo hồ sơ Báo cáo kinh tế, kỹ thuật, nhận ngày 24.10.2016). Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:
Công văn của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký.
-Thỏa thuận Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà (quy mô mặt bằng 03 gian, 02 chái, 02 tầng mái; tầng dưới tường hồi bít đốc, tầng trên 01 gian, 02 chái mái đao).
- Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến để Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan liên quan công khai nội dung Báo cao để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi trình phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Cổng ra vào chùa rêu phong cổ kính với những bước tường đất. Ảnh internet
Theo đó, Công văn của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch do Phó Giám đốc Nguyễn Sỹ Cầm ký 31.12.2016 nêu rõ: Ngày 14.11.2016 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận được công văn số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31.10.2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Để việc xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà theo đúng quy định, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND huyện thực hiện một số nội dung sau:
Công văn của Sở VHTTDL Bắc Giang gửi UBND huyện Việt Yên.
1.Thông báo nội dung Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà tại địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, chính quyền địa phương, trụ trì chùa Bổ Đà trước khi ra quết định phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật.
2.Lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng và di sản văn hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Trần Minh Hà- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: "Việc trùng tu, tôn tạo các di tích, Sở lúc nào cũng yêu cầu các địa phương phải thực hiện đúng quy định của nhà nước. Nếu là di tích cấp tỉnh phải có thỏa thuận với Sở. Di tích quốc gia thì phải có Báo cáo với Bộ, chỉ khi có văn bản thỏa thuận mới cho phép triển khai. Nhìn chung là phải thực hiện theo đúng quy trình".
Hiện trạng cổng Tam quan đang được xây dựng
Cụ thể về những ý kiến xung quanh việc xây dựng cổng tam quan ở chùa Bổ Đà, ông Trần Minh Hà cho biết: "Việc này cũng đã được triển khai từ năm 2016, còn về quy hoạch mới được Phó thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương năm 2017. Đề án được Chính phủ cho phép xây dựng và hiện đang được triển khai. Còn việc xây dựng cổng Tam quan là do Ban quản lý Di tích muốn khôi phục lại theo lịch sử. Trước đây đã có cổng Tam quan, nhưng do thời gian và chiến tranh đã bị đổ".
Liên quan đến cổng Tam quan xây mới, nhiều độc giả báo Dân Việt bày tỏ sự ngỡ ngàng về việc xuất hiện một chiếc cổng to đồ sộ trong không gian cổ kính của chùa Bổ Đà.
Bạn đọc Quan Phố cho rằng: "Khi trùng tu, tôn tạo nên tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử như nó đã từng tồn tại cả thế kỷ. Không phải người xưa không đủ điều kiện để xây cổng Tam quan cho một ngôi chùa. Vấn đề nằm ở trong kiến trúc tổng thể, có cần thiết hay không? Hay đó là nét riêng của Bổ Đà? Điều này chắc người xưa đã tính kỹ khi thiết kế xây dựng. Chúng ta cần những giá trị khác biệt, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong dòng chảy chung của sự tồn tại và phát triển Phật giáo Việt Nam. Theo tôi, cái quý và khác biệt ở ngôi chùa này chính là nơi thờ tam giáo. Thêm một khác biệt nữa là không có cổng Tam quan như các chùa cổ khác ở Việt Nam. Có thế chùa Bổ Đà mang giá trị khác. Xây mới cổng Tam quan sẽ chỉ làm phá vỡ lịch sử, kiến trúc để lại".
Bậc cầu thang dẫn lên chùa chính
Bổ Đà có tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự, gọi tắt là chùa Bổ. Ngoài ra, chùa còn có các tên gọi khác là chùa Quán Âm, Tứ Ân Tự. Đây là một trong những ngôi chùa độc đáo nhất đất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Khu vườn tháp chùa Bổ Đà.
Chùa Bổ Đà có gần 100 ngôi tháp được xếp hàng hàng, lớp lớp nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni và được đánh giá là vườn tháp đẹp và lớn nhất Việt Nam.
Đặc biệt, trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm mộc bản của các bộ kinh như Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam Hải ký quy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.