Đó là triển lãm nghệ thuật thư pháp: Chép sách chữ như in
Nay, ông Phạm Ngọc Thuận đã vào tuổi 87, vẫn ở tại thị trấn Liên Hương, năm trước chúng tôi có về khu phố biển này và ghé thăm ông. Thật bất ngờ được nghe ông kể ba câu chuyện về ông Vương Hồng Sển, thật kỳ thú, rất hợp với phong vị ngày xuân. Trong gian nhà cổ kính sát cạnh bờ biển Liên Hương, ông Phạm Ngọc Thuận có thói quen uống trà, là loại trà Bắc ngon. Câu chuyện xoay quanh hồi năm 1973 làm triển lãm ở Sài Gòn.
Ông Phạm Ngọc Thuận, người viết chữ đẹp có triển lãm thư pháp tại Sài Gòn năm 1973.
Số là tại triển lãm “Nghệ thuật chép sách chữ như in” của Phạm Ngọc Thuận, có cả nhà điêu khắc Đới Ngoạn Quân và vợ là Hà Mộ Chân đến dự. Dịp này ông Phạm Ngọc Thuận được mục kích nghệ thuật khắc trên hạt ngà nhỏ cỡ hạt gạo bài thơ Tống biệt của Tản Đà. “Hạt ngà ấy có cái lỗ, xỏ sợi dây đàn qua rồi lăn dưới kính hiển vi mà xem”, ông Thuận nói. “Nhưng mà, đến khi ông Vương Hồng Sển đưa ra một món, thì cỡ Đới Ngoạn Quân cũng trở thành học trò”.
Cái gì ghê vậy? Đó chỉ là một tờ giấy bổi, trên ghi 100 chữ trích chọn từ Truyện Kiều. Lai lịch nó thế này: ông Sển kể cho ông Thuận nghe, hồi ông Sển còn làm quản thủ Bảo tàng viện ở chỗ Sở thú, một hôm có một ông người Tàu ghé lại xin một ít tiền độ nhật, xem chừng tay này thuộc dạng lãng tử. Ông Sển tốt bụng lấy tiền túi ra giúp. Xong ông Tàu kia ngỏ ý muốn lưu lại một cái gì làm kỷ niệm. Ông Sển nói để về soạn một số chữ nhờ ông kia viết, đặng lưu lại thủ bút. Hôm ấy ông Sển về chọn từ Truyện Kiều 100 chữ Nôm.
Hôm sau ông Tàu kia quay lại, ông Sển đưa 100 chữ, nhờ ông này viết sao cho đẹp, vậy thôi. Ông Tàu kia cầm 100 chữ ra đi. Đâu khoảng một tuần sau quay lại, đưa tờ giấy bổi, trên viết 100 chữ Nôm như đã chọn. Chữ đẹp. Ông Sển đón nhận bình thường. Người khách Tàu thấy vậy mới hỏi: ông có để ý lề bên trái có một đường kẻ thẳng kia không? Ông Sển lúc đó mới để ý, nói ờ ờ, đường kẻ này cũng như canh lề phải không? Ông khách Tàu mới nói: ông đưa vào kính hiển vi nhìn cái đường gạch này đi rồi biết.
Ông Sển đem kính hiển vi ra soi, thấy hoá ra cái đường gạch dọc lề trái ấy chính là 100 chữ Nôm kia được viết li ti liền sát nhau, nếu nhìn bằng mắt thường thì chỉ thấy y như một đường kẻ bằng bút mực bình thường. Xong, ông Tàu kia bắt tay chào từ biệt, mà không lưu lại tên họ, cũng như không cho biết cái bộ môn nghệ thuật của ông gọi là gì. Ông Thuận nói thêm, cái khó là không biết ông Tàu kia dùng cái gì để viết nét nhỏ như thế, và khó hơn nữa, là không biết ông dùng loại mực gì mà viết trên giấy bổi lại không bị lem. Vì thông thường các loại giấy bản hễ gặp mực là loang, mà viết nét nhỏ li ti như vậy trên giấy lại không bị lem, thì chất liệu mực cũng rất quan trọng. Cả hai điều này đều không có câu trả lời.
Cả ông Đới Ngoạn Quân cũng không trả lời được, và rõ ràng khắc nét nhỏ trên ngà dù sao cũng dễ hơn viết nét nhỏ trên giấy mà… không bị lem. Nghe đến đây, tôi hỏi: Bác đã thấy tác phẩm đó, đã nghe câu chuyện đó, giờ bác có biết cái tờ giấy có 100 chữ Nôm và cái đường gạch bí hiểm kia hiện ở đâu không? Ông Thuận lắc đầu: Không.
Còn nữa, lúc ông Phạm Ngọc Thuận đến nhà ông Vương Hồng Sển chơi, ông Sển kể chuyện sưu tầm đồ cổ. Ông Thuận vốn là người ngoại đạo với chuyên môn này, nên hỏi: trong nghề đồ cổ, bác thấy cái gì quan trọng? Ông Sển nói: nhiều người cứ cố tìm cái cổ, nhưng thật ra thì “nhất kỳ, nhì mới tới cổ”. Ông Thuận hỏi tiếp: Kỳ là sao? Để trả lời câu này, ông Sển kể một câu chuyện: Có một nhóm người Đức từng gặp ông Sển, để nhờ ông tìm giùm một chiếc bình độc ẩm của Trung Quốc.
Theo thông tin người Đức có được, bộ bình này có cả thảy ba chiếc, nhưng họ đã tìm được hai chiếc rồi, giờ đi lùng tìm chiếc còn lại. Ông Sển hỏi đặc điểm loại bình này như thế nào, ông người Đức giở nắp bình, rót nước sôi vào rồi kêu ông Sển khom mình xuống thấp mà xem. Trong làn hơi bốc lên từ miệng bình, hiện rõ một đàn chim hạc đang bay. Lúc nào cũng vậy, cứ rót nước sôi vào bình, thì hơi nước tạo thành hình một đàn hạc đang bay.
Chao ôi, một chiếc bình kỳ dị đến mức ấy, biết tìm ở đâu bây giờ?
Ấy vậy mà ông Sển tìm được. Chuyến đi săn lùng chiếc bình cổ ấy có mấy người Đức đi cùng. Đi ra phía Bắc, qua khỏi địa phận Huế, kiểu lần dò tìm cầu âu chứ chẳng có gì hứa hẹn. Một hôm qua sông buổi sớm, nhìn bên đường thấy có cái quán hớt tóc, ông thợ chưa có khách đang ngồi uống trà một mình, và ông có cái bình độc ẩm. Cả nhóm ghé lại làm quen, thấy bình của ông hớt tóc giống y kiểu bình cần tìm, nhưng không biết thật hay giả. Mới hỏi bình này lai lịch thế nào, thì biết nó là của vợ chồng người chèo đò, người này túng tiền đem cầm cho ông thợ hớt tóc mấy đồng.
Nhóm ông Sển thấy vậy nói, tụi tôi trả cho gấp mười số tiền đã cầm ấy, ông hỏi vợ chồng người chèo đò kia có bán không? Ông thợ hớt tóc không tin, nhưng nhóm ông Sển hứa chắc, vợ chồng người chèo đò quá mừng vì không ngờ chiếc bình có thể mang lại món tiền tương đương với hai ngôi nhà gạch. “Mua đồ cổ có lúc phải chấp nhận mua lầm”, ông Sển nói vậy, vì mua mà chưa thử cái bình kia. Đến chừng đem về, rót nước sôi thử xem thì quả có đàn hạc bay lên trong hơi nước y hệt như hai cái kia. Vậy là người Đức có đủ bộ ba chiếc bình độc ẩm kỳ lạ ấy. Đó, nhứt kỳ nhì cổ thì cái kỳ phải cỡ đó, còn không thì chịu khó tìm đồ cổ chơi đỡ vậy.
Thế rồi sau này ông Sển ấm ức quá, cố công tìm hiểu, mới biết loại bình kia có một truyền thuyết về chế tạo. Đó là có một người đạo sĩ tu luyện nơi rừng sâu. Tu luyện lâu ngày kết thân với gia đình nhà hạc. Chim hạc già trẻ lớn bé kéo đến ở cùng với đạo sĩ. Và trong một phát kiến gì đó, vị đạo sĩ nghĩ ra cách dùng phân chim hạc tinh luyện thế nào để làm thành nguyên liệu, nặn nên ba chiếc bình độc ẩm ấy. Và khi rót nước vào chiếc bình của đạo sĩ kia, nó như một nghi thức gọi hồn dòng họ chim hạc hiện về trong khoảnh khắc vậy thôi. Chớ loại bình như vậy thì không có kỹ thuật công thức nào để chế tác cả.
Lam Điền (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.