Bìa cuốn sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc. Ảnh: Thanh Hà
Sau một năm với nhiều sai sót trong xuất bản sách, những cuốn sách lịch sử có nội dung, hình ảnh không phù hợp, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện cởi mở với nhà sử học Dương Trung Quốc và theo ông, muốn truyền bá lịch sử tốt thì mọi người phải nỗ lực và công chúng truyền thông cũng phải có sự chia sẻ.
Thưa ông, nhìn lại một năm qua với những cuốn sách, truyện tranh về lịch sử bị in sai, đặc biệt hai cuốn” Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” và "Trưng Nữ vương khởi nghĩa Mê Linh” bị đình chỉ xuất bản vì nội dung và hình ảnh không phù hợp. Với tư cách là một nhà sử học ông đánh giá như thế nào về tình trạng sai sót trên?
- Những hiện tượng gần đây mà báo chí, cơ quan xuất bản và dư luận xã hội quan tâm cũng như những yếu tố cần phải chỉnh sửa nó cũng phản ánh phần nào những vấn đề liên quan tới việc nghiên cứu và quảng bá kiến thức lịch sử, giáo dục lịch sử.
Truyền tải lịch sử, có nhiều kênh khác nhau trong đó có kênh thuộc về nhà nghiên cứu. Ngoài việc công phu khảo cứu, cách công bố phải làm sao cho thật chính xác.
Trong bối cảnh hiện nay thì một số hiện tượng sai sót có phần nào tùy tiện, đôi khi là nằm trong xu thế chung của kinh tế thị trường, chạy theo thị hiếu. Điều này diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực khác không chỉ trong lĩnh vực xuất bản sách. Nhưng dẫu sao đụng chạm tới lịch sử thì nó nhạy cảm hơn, và dư luận xã hội đỏi hỏi sự nghiêm khắc hơn. Vì thế mà tôi cho rằng những hiện tượng vừa rồi không nên coi nó là sự cá biệt của một cá nhân nào đó.
Hình minh họa vị tướng Phạm Ngũ Lão trong cuốn "Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc'. Ảnh: Thanh Hà
Ví dụ, trên lĩnh vực nghệ thuật tạo hình rõ ràng chúng ta thiếu rất nhiều hình ảnh, thiếu sự sáng tạo để tạo ra những nhân vật có tính thuyết phục về mặt khoa học và có tính thẩm mĩ cao, nên khi rơi vào hoàn cảnh không có thì họ xử lí có phần nào tùy tiện và hơi phản cảm cho xã hội.
Theo tôi, hiện tượng này chúng ta không nên quá khắt khe, có thể khắt khe với nhà soạn giả nào đó trong khâu biên tập do chưa thận trọng hoặc là khắc phục hạn chế hơi tùy tiện, và cũng phải phải thấy cả trách nhiệm của xã hội trong vấn đề này.
Vốn dĩ giới trẻ hiện nay họ không mấy mặn mà với những câu chuyện lịch sử dân tộc giờ lại thêm những sai sót không đáng có trong trong việc viết và xuất bản sách. Ông có cho rằng đây là một điều đáng lo ngại?
- Chúng ta nên hiểu lịch sử dân tộc là cái mà chúng ta đang sống hàng ngày là những phản ứng trong xã hội chứ không phải những câu chuyện đánh đố trên ti vi. Hiện nay, chúng ta có khuynh hướng đưa lịch sử là cái đánh đố, là các trò chơi. Đương nhiên nó có mặt vui và mặt có ích của nó.
Đôi khi ta chỉ coi lịch sử chỉ là trí nhớ mà không hiểu rõ lịch sử là gì. Lịch sử là phải hiểu được những giá trị, nghĩa lí mà ông cha ta để lại để tồn tại, phát triển. Nhiều người nghĩ lịch sử phải có Thánh Gióng có Hai Bà Trưng… nhưng họ không nghĩ tại sao ông bà mình đi kháng chiến chống Pháp, tại sao cha mẹ mình là những người tham gia chiến tranh biên giới. Điều đó quan trọng hơn nhiều.
Vị tướng Võ Đình Tú được minh họa như nhân vật trong game online
Kiến thức lịch sử đương nhiên quan trọng nhưng nó không có nghĩa chỉ là trí nhớ, nhất là thời đại bây giờ chúng ta có công cụ trên tay. Hỏi Hai Bà Trưng mất ngày nào, năm nào, thì bấm một nút (internet) ra ngay. Nhưng phải hiểu lí do tại sao bà ấy mất và mất trong hoàn cảnh nào. Đó là tấm gương người phụ nữ nợ nước thù chồng nên người ta hành xử như thế đó mới là điều quan trọng hơn.
Tại sao chúng ta thấy vẻ ngoài bình thường các bạn trẻ rất thờ ơ nhưng, ví dụ cảm xúc trong trận bóng đá vì màu cờ sắc áo của quốc gia của dân tộc, hay đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc của họ lại dễ dàng bộc lộ? Vấn đề còn lại là gì?
Cũng như giới trẻ hiện nay rất thích đi xem phim cổ trang của Trung Quốc hay phim lịch sử của phương Tây. Điều đó tôi rất hoan nghênh, chúng ta không nên coi đó là đánh mất đi dân tộc của mình, nhất là thời đại hội nhập này.
Họ biết lịch sử Trung Quốc, biết về lịch sử Phương tây tốt, nhưng chúng ta cũng phải đặt câu hỏi tại sao giới trẻ chưa quan tâm tới lịch sử Việt Nam để chúng ta tìm cách khắc phục nó? Tôi thấy không ít người rất tận tâm khắc phục. Nhiều nhóm bạn trẻ sáng tác bằng điện ảnh, bằng 3D, bằng game... Nhưng nó chưa tới được xã hội và chính bản thân xã hội còn chưa ủng hộ.
Tại sao chúng ta không nâng niu mà cứ thấy sai sót là nhảy vào đánh tới tấp, đánh hội đồng, để tạo ra dư luận là chính? Tôi lấy ví dụ, một số phim làm trong thời kỳ 1.000 năm Thăng Long, người làm rất nhiệt tâm và đầu tư nhưng chưa có cơ hội chiếu đã bị cho rằng trang phục giống Trung Quốc.
Theo tôi, muốn tốt thì mọi người phải nỗ lực và công chúng truyền thông cũng phải có sự chia sẻ.
Ông đánh giá chất lượng đội ngũ biên tập viên sách lịch sử hiện nay (kiến thức lịch sử ) của họ như thế nào? Theo ông cần có sự đào tạo như thế nào cho đội ngũ biên tập viên?
- Cơ chế quản lý hiện nay có phần không mang tính chuyên nghiệp cao. Ngày xưa trong một nhà xuất bản họ làm rất chi tiết và tỉ mỉ, văn học riêng, lịch sử riêng, kể cả những người minh họa họ rất quen và nhuần nhuyễn với nghề nghiệp. Bây giờ cứ cái gì có lãi là nhảy vào.
Rõ ràng tình trạng xuất bản hiện nay chủ yếu là tạo ra sự lợi nhuận, làm sao tạo ra thật nhiều đầu sách và lợi nhuận thật cao mà chưa quan tâm tới việc làm sao cho có tính chuyên nghiệp. Do đó trong các khâu có những lỗ hổng và nảy sinh ra hiện tượng sai sót trên.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc viết sách, truyện tranh về lịch sử hiện nay rất cẩu thả cả về hình thức lẫn nội dung. Vậy theo ông nên đưa ra giải pháp gì để có thể khắc phục được tình trạng trên?
- Theo tôi, cơ quan quản lí phải có giải pháp mạnh, phải phạt, có chế tài về kinh tế và quan trọng là phải nêu cao vai trò của người Tổng Biên tập.
Việc của nhà nước giao cho là việc chung chứ không phải chỉ phạt cấp dưới. Nếu Tổng Biên tập không đủ năng lực quản lý thì phải chịu, cho dù anh vô tình nhưng cái sai sót như vậy thì không thể thông cảm được. Và chúng ta thấy dần dần có những người rất có trách nhiệm, họ biết mình phải làm gì để không xảy ra những điều như thế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.