Chả phải đi xa, cứ ở Việt Nam ta cũng có đủ các loại táo Mỹ, lê Úc, nho New Zealand... và vô vàn loại quả từ Trung Quốc, Thái Lan tràn vào. Điều khó nhất hiện nay là làm cách nào để giữ hoa quả được lâu. Ngay tại các nhà vườn, khi thu hoạch rộ, bà con ta rất lúng túng trong khâu bảo quản. Nếu giữ không tốt, có nhiều loại hoa quả chỉ độ 10 ngày là đã bắt đầu hỏng. Nó ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của bà con ta. Dư luận thì lên án hoa quả từ Trung Quốc hình như có tẩm ướp hóa chất độc hại nên để cả năm mà không hỏng. Vì vậy, người tiêu dùng luôn e ngại khi mua hoa quả...
Muốn bảo quản tốt hoa quả, trước hết ta phải nắm được các đặc điểm quan trọng của hoa quả ảnh hưởng tới quá trình bảo quản.
Nhìn chung, hoa quả thường có hàm lượng nước cao (từ 60-95%). Đây là điều kiện để quá trình hô hấp của quả tiến triển mạnh, rút ngắn tuổi thọ của quả. Nó còn là môi trường thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh. Mặc khác, khi quả bước vào giai đoạn chín, tổ chức thế bào của nó yếu, quả rất dễ bị tổn thương khi thu hoạch hoặc khi vận chuyển, gây ra thối, hỏng. Cũng vào giai đoạn này, các chất dinh dưỡng trong quả cũng tích lũy nhiều nhất, nó thành thứ mồi ngon cho các loại côn trùng, sâu hại, nấm, vi sinh vật... Khi quả chín cũng là lúc trong nó hình thành nhiều etylen nhất. Etylen là hooc môn của sự chín và sự già hóa. Nó làm quả chín nhanh, lá và cành rụng bớt đi, sự hút nước hạn chế và mẫn cảm với các bệnh hại...
Vì vậy, giai đoạn này, quả rất dễ bị gây hư hại. Côn trùng và các loài vi sinh vật sẽ tập trung phá hoại. Nó hút chất dinh dưỡng, làm thay đổi màu sắc, mùi vị và đôi khi còn sinh ra các độc tố trong quả. Các enzym (là các chất xúc tác sinh học) hoạt động mạnh. Các quá trình thủy phân trong quả cũng gia tăng...
Việc bảo vệ cho quả sau thu hoạch phải loại bỏ các vi sinh vật gây hại, giảm tới tối đa quá trình trao đổi chất trong quả, ức chế các enjym xúc tác cho quá trình hô hấp...
Để làm được các việc trên, các nhà khoa học khuyến cáo áp dụng một số biện pháp. Trước hết là bảo quản trong lạnh. Ở điều kiện lạnh vi sinh vật không hoạt động được, các enjym cũng bị hạn chế, quả giữ được lâu hơn. Nếu muốn giữ thật lâu thì phải đông lạnh (tức là bảo quản ở nhiệt từ -18oC trở xuống).
Phổ biến hơn, họ khuyến cáo bà con ta dùng màng phủ. Màng phủ là một dung dịch, khi bôi lên vỏ quả nó sẽ khô đi và hình thành một lớp màng rất mỏng, trong suốt. Màng dó ngăn không cho vi sinh vật xâm nhập vào quả và ngăn quả không bốc hơi nước ra ngoài. Họ đã dùng cho thanh long, cam, quýt, bưởi, chuối, rau xuất khẩu... Nó không độc hại.
Để bảo quản tốt, bà con nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về bảo quản sau thu hoạch (cụ thể, có thể liên hệ với TS Tuấn: 0903.437.621).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.