2 “đại gia” Vinafood 1 và Vinafood 2 thua thầu: Nên vui!

Lê Hân Thứ sáu, ngày 29/08/2014 20:55 PM (GMT+7)
Phiên đấu thầu cung cấp cho Philippines 500.000 tấn gạo ngày 27.8 cuối cùng đã kết thúc với sự thất bại của 2 “đại gia” Vinafood 1 và Vinafood 2.
Bình luận 0

Dù 2 “đại gia” đã bỏ thầu với mức giá thấp nhất trong số các nước tham gia đấu thầu (460 USD/tấn), nhưng vẫn cao hơn mức giá trần mà Philippines đưa ra là 3,4 USD.

Sở dĩ nói, đây là thất bại của riêng 2 đại gia 1 và 2 kể trên, mà không phải thất bại của Việt Nam, vì đó là mức giá mà họ tự đưa ra, không đại diện cho quyền lợi của hàng chục triệu người trồng lúa cả nước.

Giả dụ, nếu chúng ta thắng được gói thầu trên với mức giá mà 2 doanh nghiệp đưa ra, đồng nghĩa với việc mỗi kg gạo xuất khẩu (chở thẳng đến kho của nước nhập khẩu), chỉ có giá 9.756 đồng/kg (tương đương 4.880 đồng/kg lúa), trong khi theo tính toán giá bán ra của người nông dân phải đạt ít nhất 5.000 đồng/kg lúa trở lên mới đảm bảo lãi 30%.

Vậy vì sao, 2 doanh nghiệp trên lại đi đấu thầu với cái mức giá còn thấp hơn cả giá sản xuất, họ lấy tiền đâu để bù lỗ? Tất nhiên, họ sẽ không lấy 1 đồng xu nào từ túi mình ra, mà họ lấy từ chính… túi của người nông dân bằng cách mua lúa với giá rẻ, ép nông dân bằng mọi cách phải bán với giá rẻ.

Theo một điều tra độc lập của Tổ chức Oxfram, từ năm 2006 trở lại đây, trong chuỗi giá trị sản xuất- kinh doanh lúa gạo, lợi nhuận của người nông dân đã giảm từ 70% xuống còn 10%. Ngược lại, lợi nhuận của khâu thương mại (buôn bán, xuất khẩu) chiếm 40%, còn lại là các khâu cung ứng vật tư, nhân công…

Như vậy, đồng nghĩa với việc bất biết giá đắt rẻ thế nào, cứ mỗi kg gạo xuất khẩu được, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ thu về 40%, bởi bản chất của “con buôn” là nước nổi, thuyền nổi, giá cao hay thấp họ cũng sẽ được hưởng bằng một mức ăn chia lợi nhuận cố định.

Quay trở lại câu chuyện đấu thầu 500.000 tấn gạo ngày 27.8, nếu mức giá 460 USD mà trúng thầu thì đồng nghĩa với việc người nông dân chỉ được hưởng 1.000 đồng/kg gạo. Với năng suất hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long là 6,1 tấn/ha (tương đương khoảng 3,1 tấn gạo) thì có nghĩa mỗi ha người trồng lúa chỉ thu được vỏn vẹn có 3,1 triệu đồng (cho 4 tháng cày cấy, canh tác, thu hoạch).

Đây là một sự thật không thể chua chát hơn. Chưa kể, trước đó, cũng chính 2 doanh nghiệp trên đã bỏ 2 gói thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines với giá còn thấp hơn, 436 - 441,25 USD/tấn, thấp hơn so với các nhà thầu khác từ 28,06 USD đến 32,81 USD/tấn, thì lợi nhuận của người trồng lúa còn thấp hơn nữa.

Nói như vậy để khẳng định chúng ta nên vui vì lần này đã thua thầu. Từ cái thua này, nhiều sự thực mới được phơi bày. Người nông dân cần chấp nhận đau đớn một lần để nhìn lại, đã đến lúc không thể cứ cặm cụi làm ra hạt lúa nhưng lại bị kẻ khác “ăn”, thậm chí bóc lột ngay trên lưng của mình.

Từ đó, bà con xác định lại cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống… để rồi có được thế chủ động của mình, đó là tự chủ về sản xuất, chủ động về giá cả. Về mặt nhà nước, hơn lúc nào hết chúng ta cần đại phẫu lại ngành lúa gạo theo hướng không thể và không chấp nhập việc độc quyền của bất cứ doanh nghiệp nào, lợi ích phải đảm bảo được chia đều, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem