28.000 tấn chất thải Covid-19 đang trôi ra đại dương

Thứ bảy, ngày 13/11/2021 13:00 PM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid-19, hơn 28.000 tấn rác thải nhựa liên quan, chẳng hạn như khẩu trang và găng tay, đã bị xả xuống đại dương, theo một nghiên cứu mới cho biết.
Bình luận 0
28.000 tấn chất thải Covid-19 đang trôi ra đại dương - Ảnh 1.

Tính đến 23/8/2021, khoảng 28.550 tấn mảnh nhựa đã trôi xuống đại dương. Ảnh: Getty

Số rác thải đó đủ để chất đầy 2.000 chiếc xe buýt hai tầng, The Guardian đưa tin. Trong vòng vài năm tới, những chiếc găng tay nhựa, khẩu trang sẽ trôi đến tận Bắc Cực.

Phân tích cho thấy 193 quốc gia đã sản xuất khoảng 9,2 triệu tấn chất thải nhựa liên quan kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến giữa tháng 8/2021, theo The Guardian.

Phần lớn nhựa - khoảng 87,4% - được sử dụng bởi các bệnh viện, trong khi 7,6% được sử dụng bởi các cá nhân. Các tác giả đã báo cáo trong một nghiên cứu gần đây, được công bố trực tuyến trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences vào ngày 11/11, rằng khoảng 4,7% và 0,3% lượng rác thải là từ việc đóng gói và sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình để dự đoán lượng rác thải nhựa đọng lại trong đại dương sau khi bị vứt bỏ. Họ ước tính rằng, tính đến 23/8/2021, khoảng 28.550 tấn mảnh nhựa đã trôi xuống đại dương từ 369 con sông lớn, theo The Guardian.

Trong thời gian ba năm, phần lớn các mảnh vỡ đã trôi từ bề mặt đại dương sang các bãi biển và chìm xuống đáy biển, khoảng hơn 70% sẽ dạt đến các bãi biển vào cuối năm nay, các tác giả viết.

Mô hình dự đoán trong thời gian ngắn hạn, rác thải chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các môi trường ven biển, nhưng về lâu dài, các mảng rác có thể hình thành ở những vùng biển rộng. Ví dụ, các mảng có thể tích tụ ở đông bắc Thái Bình Dương và đông nam Ấn Độ Dương. Trong khi đó, nhựa bị trôi về phía Vòng Bắc Cực sẽ đi vào ngõ cụt, và phần lớn sau đó sẽ nhanh chóng chìm xuống đáy biển. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán rằng một vùng tích tụ nhựa vi mạch sẽ hình thành vào năm 2025.

"Vào cuối thế kỷ này, mô hình cho thấy rằng hầu hết tất cả các loại nhựa liên quan đến đại dịch đều nằm ở đáy biển (28,8%) hoặc các bãi biển (70,5%), có khả năng làm tổn thương các hệ sinh thái đáy (vùng sâu nhất của đại dương)", các tác giả đã viết.

Các tác giả nghiên cứu cho biết thêm: "Đại dịch Covid-19 gần đây đã dẫn đến nhu cầu về nhựa sử dụng một lần ngày càng gia tăng, làm tăng áp lực lên vấn đề vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này. Những phát hiện của chúng tôi làm nổi bật lên nhiều vấn đề trong việc quản lý chất thải nhựa".

Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu về các hệ thống thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải nhựa y tế, không để rác thải trôi ra sông. Bên cạnh đó cũng nên hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, đồng thời tăng cường các lựa chọn thay thế bền vững.

Lê Phương (Live Science)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem