Nhưng sự im lặng gây ức chế trong nhà trường, không chỉ diễn ra giữa những người lớn với nhau.
Cuối tháng 3, một người mẹ gửi qua Facebook cho tôi một lá đơn kêu cứu. Nội dung đơn viết rằng chị có con trai nhỏ đang học lớp Một ở ngoại thành Hà Nội. Trước năm học, cô giáo chủ nhiệm có mở lớp học thêm tại nhà (lớp chuẩn bị vào lớp Một), nhưng chị không cho con tới lớp.
Vào năm học, cô giáo phàn nàn với chị là con học kém, không theo kịp các bạn, vậy nên chị cố gắng cho con đi học thêm một tháng. Tuy nhiên sau đó vì hoàn cảnh gia đình nên việc học thêm gián đoạn.
Và đây là một đoạn trích trong lá đơn của bà mẹ ấy.
“...Từ ngày cháu bước vào lớp cho tới thời điểm tôi viết đơn, đều đặn ngày nào cháu đi học về, câu đầu tiên hỏi cháu không phải con trên trường học tốt không, hay con đi học có vui không mà là hôm nay lên lớp có bị cô đánh không, đánh vì tội gì.
Có những hôm, thấy 2 bên tai cháu tím bầm mất hàng tuần trời, có hôm con kêu đau ở sườn vì bị cô dùng thước đánh vào mạng sườn cháu, có hôm thì 2 bên bắp tay.
Nếu như mọi việc chỉ dừng ở đó thì sẽ không có lá đơn kêu cứu ngày hôm nay, cô liên tục nhục mạ cháu bằng những từ ngữ mà đáng ra một đứa trẻ không nên phải nghe, phải chịu đựng “Mày có bị điên không, mày có bị thần kinh không".
Là một người mẹ, khi nghe những lời con kể mà tôi vô cùng bức xúc, an ủi con, cố học cô một năm thôi, gần hết năm rồi con, nhưng có lẽ tất cả là chưa đủ với cô, khi gần đây cháu nói “Bạn không dám chơi với con vì ở trên lớp cô cấm nhưng về nhà bạn vẫn nghĩ cô cấm chơi ở nhà nữa nên bạn không dám mẹ ạ”...
Rất tiếc, 2 ngày sau tôi mới đọc được tin nhắn qua Facebook của người mẹ ấy. Trong lúc đó, vì quá sốt ruột, chị đã làm ầm câu chuyện lên với nhà trường. Trước mặt gia đình, cô chủ nhiệm phủ nhận nội dung lá đơn. Cô hiệu trưởng cũng vậy. Bà mẹ dẫn con về, cố gắng tin vào 1 lời hứa rằng sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra với cháu.
Cảm thấy không yên tâm, hơn tuần sau, tôi liên lạc lại với chị để hỏi thăm tình hình cháu bé. Chị buồn bã kể rằng, từ ấy đến nay, con chị lại bị đối xử theo một cách khác. Cô giáo không ngó ngàng đến cháu, và không biết có phải vì sợ cô không, mà cũng không có bất cứ bạn bè cùng lớp nào chơi với cháu. Đứa bé cứ lủi thủi đến lớp, lủi thủi chép bài, tự học, chơi một mình, rồi về nhà. Thậm chí về nhà cũng không có bạn học nào chơi cùng.
Tôi không hiểu nếu là chúng ta - những người trưởng thành - thì sẽ chịu được bao lâu cái cảnh “rút phép thông công” với xã hội ấy. Nhưng tôi e ngại rằng, với một đứa trẻ, rất nhanh thôi nó sẽ chịu các di chứng tâm lý nặng nề.
Nếu quả đó là một sự đối xử cố tình, im lặng quay lưng, im lặng cô lập – thì thuật ngữ chuyên môn xếp vào hình thức bạo hành, gọi là “neglect” – tức là không chăm sóc, quan tâm trẻ dù có đầy đủ khả năng. Tôi gọi đó là “bạo hành lạnh”.
Tôi sẽ cố gắng tôn trọng các nguyên tắc báo chí và không kết luận sự việc chỉ dựa trên lời kể của người mẹ. Nhưng câu chuyện vừa được kể, gợi ra một khái niệm mà tôi tin sẽ nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả ở đây.
Tôi vẫn đang theo sát, và tìm cách để giúp 2 mẹ con. Nhưng tôi chưa tìm ra cách nào hiệu quả. Là một người làm báo, tôi có thể tìm đến gặp cô giáo, gặp ban giám hiệu nhà trường. Nhưng sẽ đấu tranh thế nào, khi mà sự “bạo hành lạnh” ấy rất khó để chứng minh?
Là những chuyên gia sư phạm (được đào tạo bài bản về nghiệp vụ sư phạm và tâm lý học), có đáng sợ không nếu các nhà giáo ứng dụng kỹ năng ấy vào việc trừng phạt học sinh?
Năm 2015, câu chuyện về một cô giáo tiểu học phạt học sinh nam không ngủ trưa bằng cách tô son môi và bắt đứng ra góc lớp đã gây bàng hoàng cho rất nhiều phụ huynh. Và khi họ gặng hỏi con em, thì phát hiện ra rất nhiều hình thức bạo hành bạc đãi, không xâm phạm thân thể (tránh để lại thương tích), nhưng gây tổn thương sâu sắc về tinh thần. Năm 2016, một cuộc khảo sát của một tờ báo phía Nam cho kết quả: 40% học sinh sợ bị cô lập khi đến trường.
Ngay cả những chiếc camera, món bảo hiểm tối tân nhất bây giờ, cũng khó mà phản ánh được rằng, một đứa trẻ có nhận được một lời hỏi han, một ánh mắt ân cần của cô giáo hay không. Và phụ huynh liệu có nhận ra sự ghẻ lạnh đang được cố tình tạo ra với con mình, khi mà đứa trẻ vẫn học, vẫn ăn ngủ, mà không ai động đến?
Tôi vẫn đang cùng bà mẹ đã đề cập ở phần đầu bài viết này tìm kiếm giải pháp cho con của chị. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là năm học kết thúc. Cháu sẽ đổi cô giáo chủ nhiệm khác.
Câu chuyện của cháu, cho dù có thay đổi gì từ bây giờ, cũng đã là một câu chuyện buồn. Nhưng tôi vẫn muốn kể nó ra. Nếu nó có ý nghĩa gì, thì đó chính là việc khiến các phụ huynh, và chính các thầy cô nữa, hiểu được rằng không phải cứ đánh bằng tay, mới là "bạo hành". Sự lạnh nhạt đôi khi gây tổn thương cho con trẻ hơn cả đòn roi.
Gia Hiền (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.