Bật mí bí quyết sống thọ của người Azerbaijan

Thứ sáu, ngày 03/01/2020 13:40 PM (GMT+7)
Shirali Muslumov, một người chăn cừu tại làng Lerik, được cho là từng sống đến 168 tuổi và hiện con gái ông đã 95.
Bình luận 0

Azerbaijan được biết đến là nơi có những vùng đất với nhiều cư dân thọ hơn 100 tuổi như Lankaran, Nagorno-Karabakh, Lerik. Hiện cư dân cao tuổi nhất của Lerik là Raji Ibrahimova, 105 tuổi. Nhưng con số này chưa là gì so với Shirali Muslumov, một người chăn cừu được cho là từng sống đến 168 tuổi. Cuốn hộ chiếu ố vàng ghi rằng Muslumov sinh năm 1805, còn bia mộ của cụ ông này đề năm mất là 1973. Nếu những con số này đúng thực tế, Muslumov chính là người già nhất từng sống. Tuy nhiên, hiện không ai có hồ sơ xác nhận những thông tin này.

Gien sống thọ này dường như có trong dòng máu gia đình Muslumov. Halima Qambarova, con gái 95 tuổi của Muslumov, nói với CNN Travel rằng bà không thể sống đến 168 như cha, nhưng ít nhất bà hy vọng sẽ sống đến tuổi 150 như ông nội, hoặc 130 tuổi như dì của mình.

img

Độ cao của vùng núi non này cũng được cho là một yếu tố góp phần vào tuổi thọ của người dân Lerik. Một nghiên cứu năm 2017 của Đại học Navarra, Tây Ban Nha, cho thấy sống ở nơi có độ cao giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Colorado Denver cho thấy những cư dân trên vùng cao sống lâu hơn. Ảnh: Kamilla Rzayeva.

Bí kíp trường thọ

Ngoài gien, người dân Lerik cũng có những bí mật cho cuộc sống trường thọ. Khi trời trở lạnh, hầu hết người trăm tuổi trong làng đều chuyển đến những vùng ven biển dễ chịu hơn ở Lankaran, nhưng bà Halima Qambarova vẫn ở lại Lerik. Bà sống trong một căn nhà hai tầng khiêm tốn của cha để lại, bao quanh là những cây táo và lê xanh mát.

Ngồi bên cửa sổ, quấn khăn choàng, bà nhỏ nhẹ trò chuyện và thường xuyên đổi sang tiếng mẹ đẻ Talysh, một phương ngữ chỉ khoảng 200.000 người sử dụng. Bà Qambarova khoe cuốn hộ chiếu không có ngày hay tháng sinh, chỉ đề năm 1924. Đã 95 tuổi nhưng bà vẫn hoạt bát, trò chuyện với cháu chắt và bộc lộ khiếu hài hước. Khi được hỏi tuổi, bà hóm hỉnh đáp mình mới "15".

Một ngày của Qambarova bắt đầu từ lúc bình minh; bà không cho phép mình ngủ nướng. Căn phòng của bà nhỏ có một tấm thảm dày và những chiếc gối trên sàn nhà. Nhiều người làng Lerik như bà thích ngủ dưới nền, chỉ cần chăn mỏng thay cho nệm, đây được coi là cách lành mạnh nhất để nghỉ ngơi.

"Tâm tĩnh lặng là một phần bí mật. Họ tránh xa căng thẳng, suy nghĩ về cuộc đời một cách khá triết lý, sống từng ngày, không có nhiều kế hoạch hay lo lắng cho tương lai", một hướng dẫn viên địa phương nói về những người sống thọ trong vùng.

Trái ngược với quan niệm phổ biến rằng ăn chay sẽ sống thọ, người dân Lerik vẫn ăn thịt, nhưng họ còn thích ăn shor (phô mai), bơ, sữa và sữa chua uống  ayran. Những bậc tiền bối sống trăm tuổi trước đó chỉ kiêng thịt vì hoàn cảnh kinh tế. Thường ngày, con dâu của bà Qambarova mời mẹ chồng ăn lê và táo hái trong vườn nhà và chút trà thơm.

Ông Mammadkhan Abbasov, 103 tuổi, ở làng Jangamiran, cũng là một người bận rộn suốt đời như bà Qambarova và quây quần bên con cháu khi về già. Ông Abbasov gần như mất hoàn toàn thị lực và thính giác không còn nhạy. Nhưng khi nghe con trai báo nhà có khách, ông bắt đầu ca hát, cầu nguyện và cầu chúc những điều tốt đẹp. "Ông ấy luôn là một người đàn ông tốt và sống một cuộc đời đúng đắn", con trai Abbasov nói về cha.

Về chuyện ăn uống, ông Abbasov đón nhận "bất cứ thứ gì Chúa ban", nhưng không bao giờ uống rượu. Abbasov cho rằng cuộc đời trường thọ của mình phần lớn do hoạt động thể chất hàng ngày, không đến mức kiệt sức nhưng đủ thách thức cơ thể. Bên cạnh nguồn dinh dưỡng từ nông sản, ông Abbasov từng uống một lít nước suối lạnh giàu khoáng chất, được cho là góp phần kéo dài tuổi thọ.

"Bí quyết của cuộc sống dài lâu là dinh dưỡng hợp lý, khoáng chất trong nước suối và các loại thảo mộc thêm vào trà để ngăn ngừa bệnh tật, vì vậy mọi người không phải dùng bất kỳ loại thuốc nào, chỉ có các biện pháp tự nhiên", một hướng dẫn viên trong vùng nói. 

Bảo tàng trường thọ

Lerik cũng là nơi có Bảo tàng Trường Thọ duy nhất trên thế giới. Toạ tại số 22 đường A.Asadullayev, bảo tàng gồm hai phòng, được xây dựng vào năm 1991 và tu sửa vào năm 2010, lưu giữ hơn 2.000 hiện vật ghi lại cuộc sống và ký ức của những cư dân sống thọ nhất vùng.

Phòng trưng bày có những biểu đồ tuổi thọ, với các vật dụng gia đình như bàn ủi quần áo dùng qua ba thế hệ, rương chứa đầy quần áo, bình và bát bằng bạc, tất đan, thảm nhuộm thủ công rực rỡ dù là đồ cổ. Khách tham quan có thể tìm thấy những lá thư viết bằng cả tiếng Ả-rập và tiếng Nga, đồ tạo tác cũ kỹ. Điều hấp dẫn khách nhất là chân dung của những người sống trăm tuổi treo trên tường của bảo tàng. Hình ảnh này, có từ những năm 1930, do nhiếp ảnh gia Pháp Frederic Lachop tặng.

Bảo tàng và thống kê của Azerbaijan định nghĩa "người sống trăm tuổi" là bất cứ ai trên 90 tuổi. Tuy nhiên, vào năm 1991, hơn 200 người làng Lerik đăng ký hồ sơ sống thọ 100 tuổi, trong tổng số 63.000 cư dân. Những con số từ đó giảm dần, người dân địa phương đổ lỗi cho bức xạ từ các tháp truyền hình và suy giảm chất lượng môi trường sống. Hiện có 11 người hơn 100 tuổi, trong tổng số 83.800 người dân địa phương, sống tại Lerik.

Thống kê về tuổi tác của những người làng Lerik sống hơn 100 tuổi vẫn là đề tài gây tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận bí mật trường thọ của họ khá đơn giản: vận động nhiều, ăn đủ chất, uống nhiều nước và thái độ sống tích cực.

Bảo Ngọc (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem